Phố đường tàu Trần Phú: Ngẩn ngơ mơ về một ngày…
Văn hóa - Thể thao 18/10/2019 09:27
Nhà không số, phố không tên…
Cư dân ở đây, hầu hết đều là cựu cán bộ, công nhân, nhân viên cầu đường trong ngành đường sắt, được cơ quan phân đất sinh sống ở đây từ những năm 60 thế kỉ trước. Họ đều là những người lao động đã cống hiến đến hết tuổi lao động của mình cho ngành GTVT, mà cụ thể là cho ngành Đường sắt và về nghỉ “một cục”, không có trợ cấp xã hội, không có cả lương hưu và bảo hiểm, cũng không có kế sinh nhai!
Những năm tháng trước, sống ở đây họ phải chịu cảnh "Nhà không số, phố không tên" và phải đối diện với vô vàn khó khăn khi làm các thủ tục hành chính, vì không ai biết phố đường tàu ở đâu, thậm chí bị những định kiến xã hội về một khu vực tệ nạn, bẩn thỉu…
Rồi năm 1987, khi Nhà nước có chính sách cải tạo và mở rộng khổ đường sắt từ 1.035 mm lên 1.435 mm... Những lần đo vẽ, kiểm đếm tài sản, công trình rầm rộ... Các gia đình hồ hởi lắm, họ đã 3 lần kí vào các biên bản đo vẽ hiện trạng với tâm thế sẽ có nơi ở mới, sạch hơn, đẹp hơn và không phải chịu các định kiến xã hội về khu ổ chuột với nhiều tệ nạn...
Nhưng cho đến nay, đã 32 năm trôi qua, dự án mở rộng khổ đường sắt vẫn nằm trên giấy!
Rồi một lần nữa, vào năm 2004, có một dự án lại được đề ra và chạy qua khu dân cư này: "Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi". Cư dân xóm đường tàu lại phấn khởi lắm, họ vỡ òa trong hạnh phúc vì lại có thêm cơ hội thực sự để thay đổi cuộc sống...
Các cuộc họp triền miên, các cơ quan chức năng liên tục tuyên truyền, giới thiệu về mục đích và giá trị của dự án ... Các lần đo đạc, kẻ vẽ, kiểm đếm... cán bộ dự án ra vào khu đường tàu tấp nập như mắc cửi... Còn cư dân thấp thỏm chờ đến ngày được bàn giao mặt bằng cho Nhà nước để di chuyển đến khu tái định cư, mà theo giới thiệu của cán bộ Dự án, là ở Xuân La, Xuân Đỉnh.
Người dân lại tiếp tục kí vào biên bản đo vẽ hiện trạng và chờ đợi... Thấm thoắt đã 15 năm Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi vẫn nằm trên giấy mà không ai biết bao giờ mới thành hiện thực. Và ước mơ về ngôi nhà mới, một không gian sống sạch sẽ hơn, văn minh hơn cứ xa dần, cạn dần!
Tự cứu lấy mình
Dù vậy, cư dân ở đây vẫn tiếp tục phải tìm cách tồn tại, trong không gian chật hẹp ô nhiễm cùng tiếng ồn, bụi bặm và nỗi bất an…
Vài năm trước, 1 cô gái người Nhật lạc lối đi vào khu phố đường tàu Trần Phú và có 1/2 ngày trải nghiệm cuộc sống của người dân nơi đây. Quá bất ngờ, cô gái đó viết bài đăng trên diễn đàn du lịch TripAdvisor... Khách du lịch người nước ngoài bắt đầu tìm đến, đông dần, đông dần...
Tiếp đến, Tạp chí du lịch National Geographic tìm về khu đường tàu Trần Phú tiếp tục viết một nét đẹp độc đáo, về cuộc sống thường nhật của người dân Hà Nội... Cũng từ đó, mới chỉ gần 2 năm nay thôi, cuộc sống của cư dân xóm đường tàu có sự thay đổi mang tính tích cực. Cuộc sống dần được cải thiện nhờ việc bán đồ giải khát cho khách du lịch.
Cư dân xóm đường tàu Trần Phú cũng ý thức hơn về trách nhiệm bảo vệ an toàn đường sắt cho người lạ đến đây, bởi với họ thì đó là những chuyện thường nhật, là thói quen sinh tồn để bảo đảm an toàn tính mạng cho mình. Những người ngoài khi vào khu vực này đều được nhắc nhở về giờ tàu, có thổi còi cảnh báo mỗi lúc đến giờ tàu chạy cố định.
Thế rồi, ngày 10/10/2019, kỉ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Trong cái không khí hân hoan của cả nước đón mừng ngày lễ lớn cư dân xóm đường tàu lại rơi vào cảnh lo lắng, vì không còn được sinh hoạt, đi lại, kinh doanh và làm những việc khác một cách thuận tiện như trước kia...
Những chiếc barie được kéo đến chặn hết các lối vào khu tập thể, người dân sinh sống tại khu vực này đều bị kiểm tra giấy tờ mỗi khi ra vào, tất cả khách du lịch đều bị những tiếng còi chát chúa và những cánh tay vẫy gay gắt từ những người thực thi nhiệm vụ... nhắc nhở “không phải cư dân… miễn vào!”. Khu vực xóm đường tàu Trần Phú bỗng chốc giống một khu… cách li!
Chỉ với lí do "tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông", mà các cơ quan chức năng quyết tâm “giải tán” cafe Đường tàu sớm tận hai ngày... nhưng cũng chính họ, lại quên đi rằng, đã chưa từng quan tâm tới sự an toàn của hàng nghìn nhân mạng, từ trẻ đến già, đang sinh sống ở hai bên rìa tuyến đường sắt này hàng mấy chục năm trời, từ khi mà Luật Đất đai, cũng như Luật Đường sắt năm 2005 (Luật Đường sắt đầu tiên của Việt Nam và khái niệm Hành lang An toàn đường sắt Đô thị được luật hóa) chưa ra đời?
An toàn mạng sống, an toàn của môi trường sống, điều kiện sống của cư dân đường tàu Trần Phú không cần phải được quan tâm hay sao?
Giải pháp nào…
Vâng, nếu có thêm một điểm du lịch, tuy không lớn, nhưng khách du lịch thích đến và trải nghiệm, như đoạn đường tàu Trần Phú, mà vừa có sự quản lí, hướng dẫn của chính quyền địa phương, cùng sự hỗ trợ của ngành GTVT... để bảo đảm an toàn cho cả người dân, du khách, thì tại sao không?
Cho đến giờ, ít nhất, thì cái xóm đường tàu nghèo nàn, không có điều kiện phát triển này, đã được TripAdvisor xếp hạng thứ 2 trên tổng số 107 danh lam thắng cảnh hấp dẫn và ấn tượng nhất ở Hà Nội, mà cả ngành Du lịch, cũng như TP Hà Nội không cần phải bỏ ra nhiều tỉ đồng để đầu tư, giống như Làng cổ Đường Lâm vậy!
Có một thực tế, là cư dân đường tàu Trần Phú đang bị xét nét bằng các quy định hiện hành và cách quản lí thành nếp lâu nay “không quản được thì cấm”. Bao giờ cư dân đường tàu mới có môi trường sống an toàn, sinh kế thuận lợi? Một câu hỏi khó có thể trả lời trọn vẹn cả lí và tình!
Trong khi những chiếc Barie vẫn đóng kín lối đi vào khu tập thể đường sắt nằm ven đường tàu Trần Phú, với lí do “bảo đảm an toàn cho du khách", thì đường tàu vẫn đang là sân chơi an toàn khi không có tàu hỏa của đám trẻ con nơi này...
Đã có người từng than thở với tôi: “Giá như các đoàn tàu chạy chậm lại…”, “Giá như người dân ở đây nhận được sự hướng dẫn của chính quyền địa phương và ngành đường sắt cũng như ngành du lịch về phát triển kinh tế gắn với bảo đảm các quy định về an toàn”… thì chắc sẽ không có những chiếc barie vô tình kia cũng những tiếng còi chát chúa nhằm xua đuổi khách du lịch…
Vâng, những cư dân xóm đường tàu Trần Phú đang ngẩn ngơ mơ về một ngày nào đó, khu dân cư nghèo nàn của họ sẽ giống như làng cổ Thập Phần bên Đài Loan, nơi mà người dân cũng chỉ sở hữu một đoạn đường sắt cổ để kinh doanh du lịch. Hay người dân ở vùng Maekhlong, cách trung tâm thành phố Bangkok (Thailand), khoảng 1 giờ về phía tây nam, với một khu chợ nằm ngay trong Nhà Ga đường sắt đã trở thành 1 điểm đến du lịch ấn tượng với du khách nước ngoài…
Không một người dân nào ở khu vực đường tàu Trần Phú biết chính xác khi nào những chiếc barie sẽ được rời đi, nhưng cuộc sống hiện hữu đang quay trở về với tĩnh lặng và một tương lai không thể xác định...