Ô Quan Chưởng: Cổng ô còn sót lại của thành Hà Nội
Văn hóa - Thể thao 28/12/2022 14:40
Con phố nhỏ dài chừng tám chục mét, chạy từ cổng Ô Quan Chưởng ra giáp với đường Trần Nhật Duật, nên cũng mang tên phố Ô Quan Chưởng. Nơi đây hiện có mấy chục hộ gia đình quần cư sinh sống. Theo các tài liệu còn lưu giữ, cổng Ô Quan Chưởng thực tế mang tên Đông Hà Môn, là cửa ô nằm phía Đông tòa thành đất bao quanh kinh thành Thăng Long, thuộc phường Đông Hà, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương (cũ), nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Cổng Ô Quan Chưởng được xây dựng năm Cảnh Hưng thứ 10 (tức năm 1749), đến năm Gia Long thứ ba (tức năm 1817) được xây dựng lại và giữ nguyên kiểu cách đến ngày nay. Cũng theo tài liệu còn lưu giữ, ngôi thành đất bao quanh Hà Nội nguyên là thành Đại La, có 21 cửa ô trong đó có: Ô Cầu Giấy, ô Cầu Dền, ô Chợ Dừa, ô Đồng Mác… thì Ô Quan Chưởng là cửa ô duy nhất còn sót lại cho đến ngày nay.
Cổng Ô Quan Chưởng được xây dựng theo kiến trúc vọng lâu, một kiến trúc đặc trưng thời nhà Nguyễn. Cổng Ô Quan Chưởng có ba cửa (tam quan), gồm cửa chính ở giữa và hai cửa phụ hai bên, trong đó cửa chính có vọng lâu bốn mái, thu nhỏ vào giữa cổng chính, nên có đường chạy xung quanh; hai cửa phụ nằm hai bên, có lan can trang trí các hình lục lăng, tứ giác hay hoa thị. Giữa phần trên nóc cửa chính và vọng lâu là khung hình chữ nhật nằm ở mặt trước, có đắp nổi ba chữ Hán bằng những mảnh sứ xanh, mang tên “Đông Hà Môn”, mặt trước hướng ra phía sông, nay là đường Trần Nhật Duật, mặt sau hướng ra phố Hàng Chiếu. Toàn bộ công trình kiến trúc này được xây dựng bằng gạch vồ rất chắc chắn, tổng thể cửa ô có bốn khối tường, hai khối của hai cổng phụ và hai khối ngăn cách cổng chính và cổng phụ, đều được xây gạch xung quanh ở giữa đổ đất. Riêng khối tường của cổng phụ bên trái (phía phố Thanh Hà ngày nay) xây một căn hầm, có cầu thang dẫn lên phía trên.
Ô Quan Chưởng là cổng ô nằm trên đường từ thành phố ra bờ sông, từ cửa ô ra đến bờ sông là con đường đất, sau này phát triển thành phố Ô Quan Chưởng, nối liền với phố Hàng Chiếu. Điều đặc biệt, ở tường phía trái của cổng chính có gắn một tấm bia đá, ghi lệnh sức của Tổng đốc Hoàng Diệu và Tuần phủ Hoàng Văn Xứng, ban hành năm 1881, có nội dung cấm lí dịch các thôn, phường và lính canh gác sách nhiễu, gây khó dễ dân chúng khi họ có việc nhà, hoặc đi buôn bán, làm ăn trên sông, ở chợ, mỗi khi đi qua cổng ô… Nếu sự việc bị phát hiện, sẽ bị trừng trị nghiêm khắc.
Cổng Ô Quan Chưởng nhìn từ mặt sau từ trên xuống |
Tương truyền, vào năm Tự Đức thứ 26 (ngày 20/11/1873), khi thực dân Pháp đánh vào thành Hà Nội, khi đó có vị quan Chưởng cơ cùng một trăm chiến sĩ chiến đấu giữ thành đến người cuối cùng. Nhân dân không biết tên húy của vị quan dũng cảm đó, nên đặt tên cửa ô này là Ô Quan Chưởng, để tưởng nhớ đến ông và từ đó thành tên riêng của một di tích, một địa danh. Cũng có tài liệu ghi rằng, sau khi chiếm được thành Hà Nội, thực dân Pháp cho phá các cửa ô để mở rộng thành phố. Riêng cổng Ô Quan Chưởng, nhờ vị quan cai tổng Đồng Xuân tên là Đào Đăng Chiểu, cùng Nhân dân đấu tranh quyết liệt, không chịu kí tên vào tờ trình xin phép phá cửa ô, nên cổng ô còn nguyên vẹn đến ngày nay. Năm 2009, dự án bảo tồn Ô Quan Chưởng được thực hiện, với tổng kinh phí 74.500 USD, góp phần bảo tồn, gìn giữ các giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hóa của cửa ô duy nhất còn sót lại của kinh thành Thăng Long xưa.
Ngày nay, cổng ô nằm giữa nga tư Hàng Chiếu - Đào Duy Từ - Thanh Hà - Ô Quan Chưởng vẫn hiên ngang giữa lòng phố cổ Hà Nội, như bằng chứng sống cho tinh thần đấu tranh kiên cường của Nhân dân ta. Tuy không còn giữ nguyên vẹn được nét cổ kính, nhưng cổng Ô Quan Chưởng vẫn là biểu tượng của kinh thành xưa cũ, không chỉ mang vẻ đẹp kiến trúc, mà còn mang đậm ý nghĩa về lịch sử Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Con đường đất đi từ cổng ô ra bến sông, hiện đã thành dãy phố nhỏ, với mấy chục số nhà, mấy chục hộ dân về đây quần cư, hình thành nên dãy phố buôn bán sầm uất, trong đó không thể không kể đến món chả rươi thơm nức, ngon mê li. Điều đặc biệt ở con phố này, là phong cách sống vẫn gìn giữ được nét đẹp của người dân tộc Việt “tối lửa tắt đèn có nhau”. Phải thừa nhận, dân cư phố Ô Quan Chưởng sống đoàn kết, nhà nào có việc gì lớn, nhỏ đều được các gia đình khác chung tay giúp sức. Một sinh hoạt tự phát rồi trở thành nét văn hóa riêng có của cư dân phố Ô Quan Chưởng, đó là năm nào cũng tổ chức tất niên. Không chỉ có những người còn sinh sống ở phố, mà cả những người đã đi lấy chồng nơi khác, hoặc chuyển đi nơi khác ở, đều tề tựu về chung vui, ôn lại những may rủi trong năm, để sang năm mới yên tâm phấn đấu trong cuộc sống đầy thử thách nhưng cũng nhiều điều may. Mấy năm vừa qua, do dịch Covid nên nét sinh hoạt này phải tạm dừng lại, nhưng chắc sẽ được khôi phục và phát triển.
Phố Ô Quan Chưởng hiện được quy hoạch làm phố đi bộ. Cứ mỗi cuối tuần, phố Ô Quan Chưởng lại nhộn nhịp dòng người đi tản bộ trên phố, mua sắm hay thưởng thức cốc bia hơi, hoặc những đặc sản riêng có của con phố chỉ dài chừng 80 mét này. Chia tay phố Ô Quan Chưởng với chiếc cổng ô duy nhất còn sót lại của thành Hà Nội, những mong chiếc cổng ô còn trường tồn mãi với thời gian, để còn truyền tải thông điệp về kiến trúc, văn hóa và lịch sử của vùng đất này.