Ở nơi… “xuống đất gặp trời”
Văn hóa - Thể thao 11/05/2020 09:33
Huyện Vĩnh Linh là vùng đất có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, đầu cầu giới tuyến giữa hai miền Nam - Bắc sau khi đất nước tạm thời bị chia cắt. Hơn nửa triệu tấn bom đạn Mỹ thả xuống hòng huỷ diệt khu vực giới tuyến - Vĩ tuyến 17 này. Trong đó, Vịnh Mốc được mệnh danh là lũy thép, là nơi tập kết quân lực, vũ khí, hàng hóa chi viện cho bờ Nam và tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Huyện Vĩnh Linh được ví như một “Tọa độ chết”, là mục tiêu của máy bay ném bom và các loại đạn pháo địch bắn lên từ những chiến hạm ngoài biển. Để đối phó, Nhân dân Vĩnh Linh quyết tâm bám trụ với phương châm "Một tấc không đi, một li không rời, mỗi làng, xã là một pháo đài".
Theo chỉ thị của Khu ủy Vĩnh Linh, Đồn trưởng Đồn 140 Công an vũ trang Nhân dân Lê Xuân Vy đã chỉ huy đơn vị và Nhân dân nhanh chóng đào địa đạo ở vùng đất đỏ bazan từ đầu năm 1965 và hoàn thành giữa tháng 2/1966. Điều đặc biệt lúc bấy giờ, vị chỉ huy công trình Lê Xuân Vy học vấn vừa hết tiểu học và chỉ có chiếc la bàn cũ kĩ trong tay. Hệ thống làng hầm - địa đạo ra đời và phát triển khắp vùng, thuộc nhiều xã của huyện Vĩnh Linh, trong đó, địa đạo Vịnh Mốc tiêu biểu nhất.
Địa đạo Vịnh Mốc |
Địa đạo có độ sâu từ 10 - 23m, trải rộng trên diện tích hơn 7ha. Hệ thống đường hầm cấu trúc hình vòm, gồm nhiều nhánh thông nhau qua trục chính dài 780m với 13 cửa thông ra ngoài, trong đó 7 cửa thông ra biển, 6 cửa thông lên đồi, mỗi cửa được thiết kế như một lỗ thông hơi. Địa đạo gồm 3 tầng có độ sâu và chức năng khác nhau. Tầng 1 dùng để cơ động chiến đấu và trú ẩn tạm thời. Tầng 2 là nơi sống và sinh hoạt của dân làng. Tầng 3 là nơi tránh bom, đồng thời trung chuyển hàng hoá, vũ khí xuống thuyền ra đảo Cồn Cỏ.
Được thiết kế như một ngôi làng dưới mặt đất, dọc hai bên đường hầm được khoét sâu 1,8m và rộng 0,8m là những căn hộ gia đình, mỗi căn hộ đủ chỗ cho 3 - 4 người ở. Ngoài ra, trong đường hầm còn có hội trường sức chứa hơn 50 người dùng làm nơi hội họp, biểu diễn văn nghệ, chiếu phim; 3 giếng nước sinh hoạt; kho gạo; bếp Hoàng Cầm; trạm gác; trạm đặt máy điện thoại; bệnh xá và phòng phẫu thuật, nhà hộ sinh, nhà tắm…
Địa đạo Vịnh Mốc là Di tích Quốc gia đặc biệt |
Gần 2.000 ngày đêm sống trong lòng địa đạo, toàn xã Vĩnh Thạch không tổn thất bất cứ một người nào. Hơn thế, những người phụ nữ kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió này, ngày ngày vừa lao động sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ làng xã mà vẫn cho ra đời 63 em bé - 63 công dân sinh ra trong cuộc chiến, sinh ra trong địa đạo. Từ tận cùng của sự hủy diệt ấy, bằng sức người và ý chí, người dân Vĩnh Thạch làm nên những kì tích của thế kỉ XX. Cư dân địa đạo tồn tại suốt nhiều năm trong lòng đất với đầy đủ khái niệm của cuộc sống như học hành, vui chơi, giải trí, yêu thương, sinh nở... đủ nói lên giá trị nhân văn và để lại rung cảm sâu sắc về một cuộc chiến tranh giữa sức mạnh quân sự với ý chí kiên trung, tình yêu Tổ quốc và niềm tin về tự do luôn chói ngời trong tâm thức mỗi con người bé nhỏ.
Vịnh Mốc đã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, là một trong những điểm đến hấp dẫn trong tuyến du lịch DMZ (khu vực phi quân sự), ngày càng thu hút đông đảo khách tham quan. Trong khuôn viên di tích, ngoài hệ thống địa đạo, còn có nhà bảo tàng lưu giữ, trưng bày các hiện vật, chứng tích chiến tranh, trong đó có bức tranh nổi tiếng “Tobe or not tobe” (Tồn tại hay không tồn tại). Trên sân bảo tàng, bên cạnh những lũy tre xanh rợp bóng mát vẫn còn đó những quả bom, những viên đạn pháo đủ các kích cỡ nằm câm lặng trước những bước đi khoan thai, đầy tự hào của hàng vạn lượt khách tham quan địa đạo.
Trong dòng người trở lại địa đạo Vịnh Mốc hôm nay, Thượng tá Lê Phước Sơn, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 384, Binh đoàn 12 Bộ đội Trường Sơn - một người con của xã Vĩnh Hòa, không giấu nổi niềm tự hào về truyền thống của quê hương mình. Cũng là người con Vĩnh Linh, các bà Trần Thị Hoài Thương, Trần Thị Hoài Mến, Trần Thị Hoài Thắm được sinh ra trong một gia đình cách mạng ở sát biển Cửa Tùng. Nhớ lại ngách hầm nhỏ nơi lần lượt hai chị gái Hoài Thương, Hoài Mến trúng đạn phải nằm trị thương; nhớ lại tiếng điếu cày của cha rít lên trong đêm tối giữa lòng địa đạo khi nghĩ cách ngày mai làm sao lùa đàn trâu vào rú ăn cỏ mà tránh được bom đạn kẻ thù. Mỗi lần như thế, bà Hoài Thắm càng nung nấu hơn việc phải truyền lửa cho học trò về ý nghĩa và giá trị của sự sống.
Vịnh Mốc hôm nay, Vĩnh Linh hôm nay xanh màu no ấm, cuộc sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được cải thiện, nhưng không quên kí ức một thời đạn bom, một thời hào hùng. Nhiều lần đến đây, được xem từng thước phim thời chiến chiếu trong bảo tàng, gặp những công dân Vĩnh Linh xưa với những kỉ vật chiến tranh, họa sĩ Võ Xuân Huy đã thể hiện thành công ý tưởng trình diễn triển lãm nghệ thuật thị giác mang tên “Xuống đất gặp trời” ngay trong lòng địa đạo Vịnh Mốc.
Xuống đất gặp trời, vầng mặt trời luôn tỏa sáng trong lòng đất ấy chính là ánh sáng của Đảng soi đường cho quân dân Vĩnh Linh góp sức giải phóng quê hương.