Nông nghiệp vẫn là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế
Kinh tế 16/01/2024 09:34
Trong chiến lược phát triển, với sự nỗ lực của nông dân thực hiện các chính sách đổi mới, hằng năm nông nghiệp cả nước đạt những kết quả tích cực, mặc dù tốc độ tăng trưởng trong GDP giảm dần nhưng chất lượng và hiệu quả gia tăng, kể cả trong thời gian đại dịch Covid-19. Năm 2023, tăng trưởng toàn ngành (GDP) đạt 3,83%, tỉ lệ che phủ rừng chiếm 42,02%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 53,0 tỉ USD trong tổng giá trị xuất khẩu 355,5 tỉ USD, đặc biệt xuất khẩu gạo kỉ lục với 8 triệu tấn, đạt 4,78 tỉ USD (đứng đầu các nước xuất khẩu gạo và giá gạo cao nhất, vượt cả Thái Lan về sản lượng xuất khẩu và giá cả), góp phần quan trọng vào an ninh lương thực toàn thế giới. Các ngành hàng xuất khẩu khác đạt giá trị lớn như gỗ, sản phẩm gỗ đạt 13,4 tỉ USD, thuỷ sản đạt 9,2 tỉ USD...
Chương trình xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, chất lượng và hiệu quả rõ rệt. Cả nước có 6.370 xã/8.167 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 78%), trong đó 1.612 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 256 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 270 đơn vị cấp huyện được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đó là nhân tố bảo đảm tăng trưởng của ngành nông nghiệp, thúc đẩy phát triển theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, sáng tạo trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Sản phẩm nông nghiệp được nâng tầm, thể hiện ngày càng nhiều lên, phát triển nhanh sản phẩm OCOP (hàng hoá và dịch vụ, du lịch có nguồn gốc địa phương, có thương hiệu, mang đặc trưng văn hoá, lợi thế của vùng, miền) cả về chất lượng và thương hiệu. Năm 2023, toàn ngành có 11.056 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao đến 5 sao (tăng 2.189 sản phẩm so với năm 2022) với 5.724 chủ thể tham gia, gần 20.500 hợp tác xã nông nghiệp và 19.660 trang trại hình thành sản phẩm OCOP được cấp chứng nhận trong các nhóm: Thực phẩm; đồ uống; dược liệu; thủ công, mĩ nghệ; sinh vật cảnh; dịch vụ, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái...
Về sản xuất lương thực, cả nước đạt sản lượng 43,4 triệu tấn (tăng 1,7% so với năm 2022). Chất lượng gạo trở thành thương hiệu hàng đầu nên có giá cao nhất thế giới: Gạo 5% tấm giá 653 USD/tấn (trong khi Thái Lan 560 USD/tấn, Pakistan 563 USD/tấn); gạo 25% tấm giá giao dịch 638 USD/tấn (Thái Lan 520 USD/tấn, Pakistan 488 USD/tấn)... Trong bối cảnh thiên tai, đứt gãy chuỗi cung ứng, nguy cơ khủng hoảng lương thực thì nước ta tăng về sản lượng lúa gạo, trở thành nhà cung cấp hàng đầu bảo đảm thoả mãn nhu cầu gạo cho 100 triệu dân trong nước và góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
Về chăn nuôi, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng giữ vững và có phần gia tăng đàn gia súc, gia cầm, không có biến động lớn cả về dịch bệnh, cung ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Nền kinh tế nông nghiệp với 63% dân cư, 68% số người làm việc mặc dù tỉ trọng thấp trong GDP nhưng có vai trò quan trọng phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, nền nông nghiệp nước ta vẫn là quảng canh, nhiều rủi ro và hiệu quả thấp do quy mô manh mún, nhỏ lẻ, năng suất lao động thấp, mô hình sản xuất lạc hậu, chậm đổi mới, cơ giới hoá và đầu tư hạn chế, các doanh nghiệp ít mặn mà; đời sống người nông dân bấp bênh, còn nhiều hộ nghèo, cận nghèo, tái nghèo; ngày càng nhiều người bỏ hoang đồng ruộng ra đô thị kiếm sống. Mặt khác, vẫn tồn tại phương thức sản xuất thô về sản phẩm, thấp về đẳng cấp, tiêu tốn nhiều nguồn lực; ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hoá còn khiêm tốn, tay nghề, kĩ năng lao động lạc hậu; sức cạnh tranh thấp, giá thành nông sản cao; thiếu sự liên kết trong nội bộ ngành và giữa nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, trong khi lại quá nhiều tầng nấc trung gian, bộ máy quán lí cồng kềnh, quan liêu, nhiều nguồn lực lãng phí. Lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, nhiều hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường. Chuỗi liên kết giá trị nông sản còn lỏng lẻo, quy mô nhỏ lẻ, sức cạnh tranh yếu, khó kiểm soát về chất lượng. Tính bền vững của sản xuất nông nghiệp trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng khu vực nông nghiệp và nông dân là đối tượng tổn thương nhất.
Theo nghị quyết của Quốc hội và kế hoạch phát triển của Chính phủ đề ra, năm 2024 ngành nông nghiệp phải đạt mục tiêu phát triển với các chỉ tiêu: Tốc độ GDP toàn ngành 3 - 3,5%, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản khoảng 54 - 55 tỉ USD, tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%...
Để đạt các chỉ tiêu cơ bản đó, toàn ngành phải nỗ lực thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông thôn; kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Chú trọng phát triển hàng hoá quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát huy tiềm năng lợi thế vùng miền, địa phương. Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị trong nước và thế giới. Khai thác thuỷ sản phù hợp với từng địa phương có biển, phù hợp quy định quốc tế và yêu cầu thị trường, tiến tới xoả bỏ thẻ vàng và kiểm ngư an toàn trên biển. Ra sức trồng rừng, bảo vệ rừng. Khuyến khích kinh tế hộ gia đình, kinh tế hợp tác nòng cốt là hợp tác xã, thu hút doanh nghiệp đầu tư, cải tiến quản lí để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển công nghiệp chế biến, khoa học công nghệ và khuyến nông, quản lí chất lượng vật tư nông nghiệp, đẩy mạnh kinh tế đối ngoại, hội nhập, hợp tác quốc tế trong nông nghiệp, tập trung chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn tìm kiếm thị trường xuất khẩu để tránh đứt gãy các chuỗi xuất khẩu nông sản, thuỷ sản, bảo đảm nguồn cung phục vụ trong nước và xuất khẩu, hỗ trợ các địa phương kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch...
Về sản xuất lúa gạo, thực hiện đề án “Một triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Đề án là cơ hội rất lớn cho ngành lúa gạo, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ với quy hoạch tập trung chuyên canh vùng rộng lớn, phát triển đồng bộ...
Yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế nông nghiệp là đột phá thể chế, xây dựng các khung pháp lí, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực hợp lí cho các địa phương...