Khen thưởng, tôn vinh nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc

Tuổi cao gương sáng 27/03/2025 10:08
Alăng Bảy, sinh năm 1930, tại xã Atiêng, huyện Hiên (nay là huyện Đông Giang). Lớn lên giữa khói lửa chiến tranh, chứng kiến quê hương bị tàn phá, ông sớm nuôi lòng căm thù giặc. Năm 1958, ông thoát li theo Cách mạng, hai năm sau được kết nạp Đảng, bước vào con đường chiến đấu vì độc lập dân tộc.
Trên chiến trường, ông luôn đi đầu, từ trinh sát, bố trí trận địa đến trực tiếp chiến đấu. Năm 1963, ông được điều về Huyện đội Tây Giang làm trợ lí tác chiến. Từ 1968 đến 1975, ông lần lượt giữ các chức vụ: Chính trị viên, xã đội trưởng, Chủ tịch UBND xã Atiêng, rồi Bí thư Đảng ủy xã. Trong thời gian này, ông lập nhiều chiến công, nổi bật là kì tích bắn hạ máy bay Mỹ chỉ bằng súng trường.
![]() |
CCB Già làng Alăng Bảy |
Ông đã tham gia 35 trận chiến lớn nhỏ, cùng đồng đội bắn hạ 10 máy bay, tiêu diệt hơn 300 tên địch, bắt sống 37 tên và làm bị thương hàng trăm tên khác. Riêng ông đã tiêu diệt hơn 50 tên, làm bị thương 46 tên và bắn rơi 3 máy bay lên thẳng.
Năm 1962, trong một trận phục kích tại đồi Ahu, xã Atiêng, ông đã bắn hạ một chiếc HU-1A của Mỹ chỉ bằng súng trường. “Tôi chờ đúng thời điểm, nhắm bắn một phát chuẩn xác, chiếc máy bay bốc cháy rồi lao xuống khe núi. Đó là lần đầu tiên tôi hạ máy bay địch”, ông hồi tưởng.
Những trận đánh của Alăng Bảy không chỉ thể hiện lòng dũng cảm mà còn cho thấy sự mưu trí. Ông luôn biết cách tận dụng địa hình rừng núi, đặt bẫy và bố trí đội hình một cách thông minh để giành chiến thắng trước kẻ thù.
Với những chiến công lẫy lừng, Alăng Bảy được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, trong đó có Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, 2 Huy chương Chiến công hạng Nhất và hạng Hai. Năm 2015, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Sau ngày đất nước thống nhất, Alăng Bảy trở về quê hương, tiếp tục cống hiến. Dù mang trên mình nhiều vết thương chiến tranh, ông vẫn miệt mài với công tác địa phương, giữ nhiều vị trí quan trọng như Chủ tịch Hội Nông dân, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Sông Kôn. Ông còn đi đầu trong phát triển kinh tế, với hơn 5 ha rừng trồng và chăn nuôi bò.
![]() |
Già làng Alăng Bảy (bìa trái) đang thổi khèn trong Lễ hội của người Cơ Tu. |
Nhưng điều ông trăn trở nhất vẫn là văn hóa truyền thống của người Cơ Tu. Ông tận tâm truyền dạy nghề làm nỏ, cách sử dụng nhạc cụ dân tộc và giữ gìn những làn điệu dân ca, dân vũ. Nhờ ông, thanh thiếu niên trong làng dần hiểu và trân quý hơn những giá trị xưa. Dù tuổi đã cao, mỗi sáng ông vẫn vào rừng chọn gỗ để làm nỏ. “Mỗi chiếc nỏ tôi làm ra đều mang một phần kí ức của tôi trong đó,” ông nói đầy xúc động, rồi cho biết thêm: “Từ xưa đàn ông Cơ Tu nếu không biết sử dụng nỏ thì chưa được xem là trưởng thành. Nỏ không chỉ là vũ khí mà là niềm tự hào của người dân vùng cao”.
Ngày 1/10/2024, giữa cơn mưa nhẹ trên dãy Trường Sơn, cả thôn Bhờ Hôồng chìm trong nỗi buồn, Anh hùng Alăng Bảy đã trút hơi thở cuối cùng sau thời gian dài chống chọi với bệnh tật.
Sự ra đi của ông để lại một khoảng trống lớn trong lòng bà con, nhưng những cống hiến của ông vẫn trường tồn. Từ những chiếc nỏ gắn liền với bao chiến công đến những câu chuyện về người chiến binh kiên cường, tất cả đều trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm và ý chí bất khuất.
Giữa núi rừng Đông Giang, tiếng khèn, tiếng sáo vẫn vang vọng như lời tiễn biệt dành cho huyền thoại của đại ngàn Trường Sơn. Ông đã đi xa, nhưng tinh thần và ý chí của ông vẫn còn đó, trở thành niềm tự hào và nguồn cảm hứng cho các thế hệ mai sau.
Bài viết này như nén hương thành kính gửi đến ông - cựu chiến binh dân tộc Cơ Tu, suốt đời chiến đấu bảo vệ từng tấc đất Trường Sơn. Khi hòa bình lập lại, ông tiếp tục cống hiến, tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội, văn hóa nghệ thuật, góp phần bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của người Cơ Tu trên dãy Trường Sơn hùng vĩ.