Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba
Văn hóa - Thể thao 20/04/2021 22:00
Lễ hội đền Hùng không chỉ diễn ra ở khu di tích lịch sử đền Hùng Phú Thọ mà diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng… Lễ hội được tổ chức trọng thể với nhiều hoạt động lễ hội và các hoạt động văn hoá nghệ thuật dân gian truyền thống, các trò chơi thể thao, hội chợ…
Lễ hội đền Hùng |
Đền Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh (còn gọi là Núi Hùng cao 175m so với mực nước biển) thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Núi Hùng cao nhất vùng trông tựa như đầu rồng hướng về phía Nam, mình rồng cuốn khúc thành dãy núi Trọc, núi Vặn, núi Pheo. Phía sau núi Hùng có những quả đồi thông giống như đàn voi chầu về đất Tổ. Từ núi Hùng nhìn ra phía trước là ngã ba Bạch Hạc với sự hợp lưu của ba dòng sông lớn nhất miền Bắc nước ta: Sông Hồng, sông Đà, sông Lô. Phía đông là sông Lô, phía Tây là sông Hồng giống như hai chiến hào thiên nhiên bao bọc lấy cố đô Văn Lang. Cảnh thế thật ngoạn mục, hùng vĩ, đúng là vùng địa linh nhân kiệt.
Khu vực đền Hùng bao gồm nhiều di tích kiến trúc, đầu tiên là cổng đền được xây dựng vào năm Khải Định thứ 2 (1917). Cổng xây kiểu vòm cuốn cao 8,5m, hai tầng 8 mái, lợp giả ngói ống. Tầng dưới có một cửa vòm cuốn lớn, tầng trên có 3 cửa vòm cuốn nhỏ, bốn góc tầng mái trang trí rồng, đắp nổi hai con nghê. Giữa cột trụ và cổng đắp nổi phù điêu hai võ sĩ, trên cổng có bức đại tự “Cao sơn cảnh hành” (lên núi cao nhìn xa rộng). Còn có người dịch khác là “Cao sơn cảnh hạnh” (Đức lớn như núi cao). Từ cổng theo những bậc thềm xi măng đi lên Đền Hạ, Đền Trung rồi đến Đền Thượng (từ cổng lên đền Thượng 496 bậc, từ đền Hạ xuống đền Giếng 44 bậc).
Dâng hương tại đền Tổ Mẫu Âu Cơ trong khuôn khổ “Lễ hội Đền Hùng”. Ảnh IT |
Đền Hạ được xây dựng lại trên nền đất cũ vào thế kỉ XVII-XVIII. Theo truyền thuyết, bãi bằng lưng núi này là nơi tổ mẫu Âu Cơ chuyển dạ sinh ra bọc trăm trứng, nở ra trăm người con. Nghĩa “đồng bào” (cùng bọc) được bắt nguồn từ đây. Do sự tích này mà Nhân dân lập ra Đền Hạ. Bên phải đền là chùa có tên gọi “Viễn Sơn Cổ Tự”. Đến thế kỉ XV, chùa được xây lại đổi tên là “Thiên Quang Thiền tự”. Phía trước chùa là tháp sư và gác chuông. Phía trước đền là nhà bia được xây dựng năm 1917, kiến trúc hình lục giác. Trong nhà bia trước đây đặt tấm bia ghi việc tu sửa đường lên núi Hùng, hiện nay đặt tấm bia đá, nội dung ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm đền Hùng ngày 19/9/1954: Các vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.
Đền Trung được xây dựng kiểu chữ nhất (-) có 3 gian quay về hướng nam. Trong đền treo 3 bức hoành phi: “Hùng Vương tổ miếu” (Miếu thờ Tổ Hùng Vương” ở gian giữa; “Hùng Vương linh tích” (Vết tích linh thiêng của vua Hùng” ở bên phải; “Triệu Tổ Nam Bang” (Tổ muôn đời của nước Nam) ở bên trái. Tương truyền nơi đây các vua Hùng thường họp bàn việc cùng các Lạc Hầu, Lạc tướng. Cũng nơi đây, vua Hùng thứ 6 đã nhường ngôi cho Lang Liêu, người con hiếu thảo đã sáng tạo ra bánh chưng, bánh dầy tượng trưng cho trời đất.
Đền Thượng là nơi các vua Hùng thường làm lễ tế trời nên lập miếu thờ trời “Kính Thiên Lĩnh Điện” (điện thờ trời trên núi Nghĩa Lĩnh), thờ thần ba ngọn núi thiêng là Đột Ngột Cao Sơn (núi Hùng), áp Sơn (Núi Trọc), Viễn Sơn (núi Vặn) và thờ Thần núi. Ở phía đông đền Thượng có Lăng Hùng Vương chính là mộ vua Hùng thứ 6. Xưa có thể là mộ đất, thời Tự Đức (năm 1870) cho xây mộ dựng lăng. Lăng hình vuông có đạo cong 8 góc, tạo thành 2 tầng mái.
Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Đền Hùng đã được đầu tư tu bổ xây dựng khang trang. Và hình thành hệ thống các đền thợ tự các vua Hùng và cha Rồng mẹ Tiên, là tổ tiên của con cháu Lạc Hồng. Về Đền Hùng mỗi người dân Việt Nam đều nhớ đến tổ tông, thắp nén hương thơm để tri ân công đức tổ tiên - những người khơi mạch nguồn dân tộc, xây đắp nền móng cho đất nước Việt hôm nay, là nơi hình thành quốc gia đầu tiên của dân tộc Việt Namn