Cây sáo độc đáo của người Cơ Tu
Văn hóa - Thể thao 12/12/2024 09:11
Già làng Bh’riu Pố (huyện Tây Giang), người lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống kể rằng, người Cơ Tu ở Quảng Nam có hơn 20 loại nhạc cụ khác nhau. Từ đàn bầu (tâm bréh), trống cái (k’thu), trống con (ch’gợr), chiêng (chieng), thanh la (bhr’noóh), đàn (h’jưl), đến đàn môi (abel) và sáo (a’luốt)... Những nhạc cụ này không chỉ đơn thuần là công cụ phát ra âm thanh mà còn là phương tiện để người Cơ Tu bày tỏ tâm tư, tình cảm trong đời sống thường nhật và trong các lễ hội truyền thống. Mỗi nhạc cụ mang một chức năng riêng, góp phần làm phong phú thêm di sản âm nhạc của cộng đồng người Cơ Tu.
Già làng Bh’riu Pố đang trình diễn thổi sáo crơtót. |
Với đôi tay khéo léo, già làng Bh’riu Pố ngồi chế tác một cây sáo crơtót, nhạc cụ thuộc “họ hơi” của người Cơ Tu. Ông kể rằng, trước đây sáo crơtót thường được sử dụng trong những chuyến săn chim. Chiếc sáo ngắn, nhỏ gọn, dài chỉ khoảng 8-10 cm, được làm từ ống nứa. Đầu ống còn nguyên mắt, đoạn giữa được khoét thành hình phễu để tạo dáng. Phần dưới mắt nứa, người thợ khéo léo khoét một lỗ nhỏ và gắn vào đó một lưỡi gà mỏng bằng cật nứa. Khi thổi, lưỡi gà rung lên, phát ra những âm thanh trong trẻo, gần gũi, tựa như tiếng gọi của núi rừng.
Tuy thiết kế đơn giản, việc chế tác một cây sáo crơtót lại đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn. Từ việc chọn ống nứa đến khoét lỗ và tạo lưỡi gà, mỗi công đoạn đều cần sự khéo léo. Người nghệ nhân phải thử nghiệm nhiều lần, có khi qua nhiều cây sáo, mới tìm được cây phát ra âm thanh hoàn hảo. Điều đó cho thấy sự tâm huyết của những người yêu mến và bảo tồn nhạc cụ truyền thống này.
“Thời xưa, sáo crơtót là công cụ săn chim hiệu quả. Âm thanh của nó bắt chước tiếng hót tự nhiên, thu hút chim muông bay đến gần. Nhưng theo thời gian, khi tập quán thay đổi, người Cơ Tu không còn sử dụng sáo để săn bắn nữa. Thay vào đó, tiếng sáo trở thành giai điệu đồng hành trong những buổi chiều yên ả trên nương rẫy, nơi ánh hoàng hôn phủ vàng cả một góc núi rừng Trường Sơn hoang dã….”, già làng Alăng Đợi, trú huyện Đông Giang cho hay.
Trong đời sống văn hóa của người Cơ Tu, sáo crơtót không chỉ đơn thuần là nhạc cụ mà còn là sợi dây kết nối con người với thiên nhiên. Âm thanh trong trẻo, giản dị như tiếng chim hót của sáo như mang hơi thở của núi rừng, thể hiện tâm hồn phóng khoáng của người Cơ Tu và niềm tự hào về di sản văn hóa của họ.
Ngày nay, sự du nhập của văn hóa hiện đại đã khiến giới trẻ Cơ Tu ít quan tâm hơn đến các nhạc cụ truyền thống của tổ tiên, trong đó có sáo crơtót. Dù vậy, những người cao tuổi như già làng Bh’riu Pố ở Tây Giang hay già làng ALăng Đợi ở Đông Giang vẫn âm thầm giữ gìn và truyền dạy cách chế tác, thổi sáo cho thế hệ sau. Họ chính là những người bảo vệ để tiếng sáo crơtót không bị lãng quên trong dòng chảy của thời gian.
Sáo crơtót không chỉ là một nhạc cụ nhỏ bé, mà còn là biểu tượng của hồn núi, hồn người Cơ Tu. Những giai điệu mộc mạc ấy vẫn ngân vang giữa đại ngàn Trường Sơn, kể những câu chuyện không hồi kết về một nền văn hóa đậm đà bản sắc, mãi mãi sống động trong lòng người con của núi rừng.