Nhớ hội vật làng Hà xưa
Đời sống 30/01/2020 14:38
Trước khi vào cuộc, đô vật còn “xe đài” hoặc “múa hạc”. Đây là hình thức khởi động cơ thể tạo không khí vui vẻ theo phong cách biểu diễn nghệ thuật. “Xe đài” còn tạo nên không khí áp đảo đối phương hoặc phô diễn sở trường, sở đoản của mình với những miếng võ độc đáo. “Xe đài” cũng còn mang nghi thức bái tổ gồm các thao tác: Ba bước lên, ba bước xuống, ba bước vào, ba bước ra...theo nhịp trống và kiêng không được quay lưng về phía cửa đình làng.
Hội vật làng Hà (Vĩnh Phúc) được tổ chức hàng năm vào ngày mồng Bảy Tết. |
Sau đó chuyển sang “múa hạc” uyển chuyển. Theo hiệu trống của vị trưởng lão cầm trịch, các đô vật trẻ múa vờn nhau rồi vào cuộc vật “dọn bãi”. Hai đô vật lồng tay bám gáy nhau giằng co tiến lùi theo nhịp hò reo của khán giả rồi bất ngờ thể hiện mưu mẹo, sức mạnh và áp dụng từng miếng thích hợp như gồng vọt, gồng lăn, sườn tay nách, sườn tay quay, bốc một, bốc đôi, máng cao, máng thấp, vét, bò rút, bò mói... để áp đảo đối phương.
Tuy chỉ là vật “dọn bãi” nhưng cũng khá gay cấn và hấp dẫn. Khi các keo vật giao hữu kết thúc thì vòng tròn sân bãi cũng đã hình thành xong và hội vật bắt đầu. Các đô vật nổi tiếng nhường nhau vào đình nhận khố đỏ, khăn điều để lên xới giữ giải và thách đấu.
Hội vật làng Hà theo lề lối tự do với cách thách đấu giữ giải nên bất cứ ai dù lớn bé, già trẻ đều có thể vào tranh giải. Tùy theo các tình huống diễn biến mà cụ trưởng lão đánh trống cầm trịch sẽ gióng trống “tùng” hay “cắc” để phân định và điều khiển cuộc đấu.
Một hồi ba tiếng trống là chuẩn bị vào xới vật; trống nhịp ba là múa “xe đài”, rồi múa “hạc”; đánh ngũ liên là vào kịch chiến; các tiếng “cắc cắc...” đều là tạm ngừng cuộc đấu; một hồi dõng dạc là trận đấu kết thúc, ai làm cho đối phương ngã lấm lưng trắng bụng hay bị nhắc bổng lên khỏi mặt đất hoặc đùn đẩy đối phương ra khỏi vòng xới vật... là người đó chiến thắng. Vì vậy, từng có đô vật trông rất nhỏ con mà giữ giải được cả buổi.
Muốn giành chiến thắng ở đây không chỉ cần sức mạnh mà phải có cả trí và dũng. Vì vậy, hội vật làng Hà luôn có rất nhiều pha bất ngờ, thích thú như gầy thắng béo, nhỏ thắng to, bé thắng lớn. Đặc biệt là người vào đấu vật ở đây không nhất thiết phải đóng khố cởi trần. Vì thế đã từng có những bậc nữ nhi cao thủ ăn mặc giả trai vào đấu tranh giải. Chỉ sau khi chiến thắng giòn giã bậc mày râu, vị nữ tướng đó mới chịu lột khăn để lộ mái tóc mây óng ả với mắt phượng mày ngài, rồi nàng từ tốn xin nhường giải lại cho các đấng nam tử, bởi lượng sức nữ nhi khó mà giữ giải được lâu. Hội vật làng Hà nhờ vậy mà càng trở nên hấp dẫn người xem đến say mê quên cả về ăn cơm trưa, cơm chiều.
Lễ trao giải cũng thật độc đáo. Một vị trưởng lão mặc lễ phục đi trước cầm bó hương, theo sau là cô gái trẻ, đẹp nhất làng đội mâm xôi có một chân giò lợn và một vò rượu tăm đem đến tận nhà (kể cả người đó từ nơi khác đến) của người vô địch để làm lễ gia tiên và kính cáo với dân làng sở tại, nơi đã sinh ra một nhân tài làm rạng rỡ truyền thống thượng võ của quê hương.
Hội vật làng Hà ở xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay đang bị mai một dù đôi khi vẫn được mở vào ngày mùng 7 tháng Giêng hằng năm. Nhưng lề lối và truyền thống vật xưa đã được thay thế bằng kiểu cách vật hiện đại theo từng hạng cân với thể thức đấu loại vòng tròn và phần thưởng là những gói tiền lớn. Tuy vậy, hội vẫn không hấp dẫn và đông vui như hội vật ngày xưa.