Nhìn lại kinh tế TP Hồ Chí Minh năm 2023
Kinh tế 19/01/2024 09:48
Là một thành phố công nghiệp có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, đóng góp khoảng 1/5 GDP, hơn 1/4 thu ngân sách quốc gia, dẫn đầu cả nước về thu hút FDI và xuất nhập khẩu, số doanh nghiệp đang hoạt động chiếm gần 30% cả nước. Thế nhưng trong năm 2023, một số lĩnh vực kinh tế trọng tâm bị sụt giảm đáng kể, đặc biệt những lĩnh vực bất động sản, xây dựng, ô tô, vật liệu, sản xuất sản phẩm điện tử…Trong tình hình chung đó, ngành công nghiệp và sản xuất cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ khi đơn hàng sản xuất liên tục sụt giảm, hàng hóa tồn kho tăng, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm.
Để duy trì đà tăng trưởng, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới, UBND TP Hồ Chí Minh đã đề ra loạt giải pháp trọng tâm. Trong đó, thành phố tiếp tục triển khai các chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy và các nhiệm vụ theo Chương trình công tác năm 2023; thành phố nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công, chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tập trung chỉ đạo, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 ở mức cao nhất; đồng thời tăng cường các biện pháp quản lí và bồi dưỡng nguồn thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo quy định pháp luật.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, TP Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của hoạt động sản xuất công nghiệp và sức mua nội địa, ổn định cung cầu hàng hóa.
Cụ thể, tính đến tháng 11/2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 2,4%; kim ngạch xuất khẩu tăng 10,5% so cùng kì năm ngoái. Tính chung 10 tháng, IIP trên toàn địa bàn thành phố tăng 3,7%. Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm (cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược - cao su, nhựa và chế biến lương thực thực phẩm), IIP 11 tháng tăng 6,3% so với cùng kì.
Về đầu tư FDI, các dự án được cấp mới tăng 43% và tăng 8,1% vốn đầu tư. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 15%, tỉ lệ vốn đăng kí của doanh nghiệp tiếp tục chiều hướng tăng, tháng sau cao hơn tháng trước (tỉ lệ giảm 4,5%, thấp hơn so với những tháng gần đây). Số lao động được giải quyết việc làm tăng 0,25%; số chỗ việc làm mới tăng 0,29%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước đạt 108.120 tỉ đồng (tăng 2,6% so với tháng trước, tăng 15% so với cùng kì). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng đầu năm 2023 ước đạt 978.681 tỉ đồng, tăng 9,2% so cùng kì.
Doanh thu về du lịch đạt được kết quả rất tích cực. Tổng thu du lịch tháng 10/2023 ước đạt 14.585 tỉ đồng, tăng 10,5% so cùng kì năm 2022. Trong đó, du khách nội địa ước đạt 3,51 triệu lượt, tăng 7,4% so kì năm 2022; du khách quốc tế ước đạt 554.536 lượt, tăng 1,5% so cùng kì năm 2022. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu ước đạt 140.048 tỉ đồng, tăng 32,6% so với cùng kì năm 2022 và tăng 16,7% so với kế hoạch năm 2023. Trong đó, du khách nội địa ước đạt khoảng 30,51 triệu lượt (tăng 22,6%), khách quốc tế ước đạt 4,12 triệu lượt (tăng 55,3% so cùng kì năm 2022).
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng nhưng giảm về số vốn đăng kí so với cùng kì năm 2022 (giảm 4,5%). Thành phố có 25.086 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 29,5% so cùng kì; thu hút FDI khoảng 2,31 tỉ USD, giảm 32,3% so với cùng kì.
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt 24.199 tỉ đồng và chỉ đạt 35% kế hoạch vốn được giao, mặc dù có mức tăng so với tháng trước, nhưng chưa bảo đảm tiến độ giải ngân theo quy định.
Mặc dù chỉ đạt được một số kết quả tích cực và duy trì đà tăng trưởng trong suốt thời gian 10 tháng của năm 2023, nhưng trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh và phức tạp, xung đột ngày càng gay gắt, đầu tư toàn cầu sụt giảm, các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng ngày càng gặp nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế TP Hồ Chí Minh không tránh khỏi khó khăn chung, nổi bật là tình hình xuất khẩu đã sụt giảm đáng kể: 10 tháng năm 2023 giảm 13,4%.
Giải pháp cho năm 2024
Theo nhận định của những nhà kinh tế, năm 2024 kinh tế TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức.
Do tình hình kinh tế thế giới còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động, môi trường quốc tế đang kém thuận lợi, thị trường xây dựng, thị trường bất động sản, thị truờng tài chính chậm cải thiện, tác động trực tiếp làm sản xuất công nghiệp trong nước nói chung và TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng. Để hạn chế và duy trì đà tăng trưởng, thành phố cần phải giải quyết và tháo gỡ những khó khăn, tồn tại, giữ vững vai trò đầu tàu trong năm 2024, thành phố cần tập trung giải quyết tốt các nội dung chủ yếu: Đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để sớm đưa các công trình, dự án vào hoạt động. Đặc biệt chú trọng giải ngân các dự án trọng điểm mang tính kết nối vùng như: Dự án Metro số 1, Metro số 2, Vành đai 3, nhà ga T3, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài. Thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy sản xuất trong nước; tăng cường kết nối giao thương giữa các địa phương, các quốc gia để tìm kiếm thị trường mới trong và ngoài nước.
Tiếp tục triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thành phố đồng hành, tháo gỡ khó khăn về nguồn lực vốn cho doanh nghiệp. Đánh giá, phát triển công nghiệp hỗ trợ; thúc đẩy những ngành công nghiệp mũi nhọn phù hợp với tình hình mới. Nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu lao động - việc làm, chất lượng đào tạo nghề nhằm cải thiện năng suất lao động; chú trọng thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực ngành Y tế, Giáo dục, Du lịch (vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch).
Khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới trong các lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, tài chính, giáo dục, y tế. Tăng cường công tác dự báo, kiểm tra và bình ổn giá cả; xây dựng các giải pháp nhằm ứng phó kịp thời với những biến động của thị trường; giữ vững ổn định thị trường tài chính, thị trường bất động sản.