Vietjet khai trương liên tiếp hai đường bay mới đến Bengaluru và Hyderabad của Ấn Độ

Kinh tế 13/02/2025 14:11
Xuất nhập khẩu năm 2024 vừa khép lại với nhiều ấn tượng. Được xác định là một trong những trụ cột của nền kinh tế, thương mại đối ngoại đã góp phần hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm qua, trong đó có chỉ tiêu về đích sớm. Và, sự phát triển kinh tế - xã hội đã kích hoạt xuất nhập khẩu thăng tiến.
Do công nghiệp phục hồi nhanh, trên diện rộng và liên tục được mở mang trong bối cảnh kinh tế có mặt còn vẫn ngổn ngang; nông nghiệp đã “biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể” trước những khó khăn do đứt gãy thị trường và ương ngạnh của thiên nhiên, vẫn được những mùa vàng bội thu cùng sự hòa nhịp của các lĩnh vực khác, xuất nhập khẩu rạng rỡ.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo vững vàng vị thế chủ lực trong xuất khẩu. Riêng vài mặt hàng điện, điện tử, quang học kim ngạch đã vượt 100 tỉ USD. Dệt may tranh thủ được số lượng đáng kể đơn hàng dịch chuyển về từ Bangladesh, giúp mặt hàng này đạt 44 tỉ USD, tăng 11% so với 2023, vượt Bangladesh, đứng thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc.
![]() |
Xuất khẩu dệt may đứng thứ 2 thế giới. |
Tiếp đà các năm trước, hàng nông thủy sản phá vỡ nhiều giới hạn mà các chuyên gia tiên lượng về diện tích, năng suất và thị trường, lập kỉ lục cùng vị thế mới trên thương trường quốc tế. Xuất khẩu cà phê vượt 5 tỉ USD, xuất khẩu hạt điều vượt 4 tỉ USD; rau quả vượt cả năm 2023 tới 1 tỉ USD; tôm xuất khẩu mang về 4 tỉ USD; gạo lập mốc mới, vững vàng thứ 3 thế giới sau Ấn Độ, Thái Lan.
Năm 2024 ghi nhận sự đột phá khai mở thị trường tiềm năng lớn ở Trung Đông, châu Phi, Nam Âu và thị trường Halal với việc đàm phán, kí kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA), mở cánh cửa lớn, triển vọng đạt được hàng loạt FTA mới, tạo cơ hội mới cho doanh nghiệp vào thị trường Halal. Hiện nay, ngành công nghiệp Halal đang phát triển mạnh với hơn 2 tỉ người theo đạo Hồi trên toàn cầu. Việc thiết lập các tiêu chuẩn Halal từ sản xuất đến phân phối đang trở thành xu hướng quan trọng, mở đường làm ăn mới.
Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 405,53 tỉ USD, tăng 14,3% so với năm trước (mục tiêu tăng 6%)
Nhập khẩu với tổng kim ngạch 380,76 tỉ USD, cơ cấu phù hợp, cơ bản đáp ứng nhu cầu nguyên, nhiên, vật liệu, linh kiện, phụ tùng phục vụ sản xuất, làm hàng xuất khẩu và hàng tiêu dùng, báo hiệu tích cực về đơn hàng năm 2025.
Năm 2024 là năm thứ 9 (2016 -2024) liên tiếp xuất siêu vượt mong đợi, đạt 24,77 tỉ USD (mục tiêu 15 tỉ USD), góp phần tác động tích cực để GDP năm 2024 tăng 7,09% so với 2023, cho thấy kinh tế đã phục hồi rõ nét. Kết quả đó đã cải thiện thứ bậc của Việt Nam trong số các nước có dòng thương mại đối ngoại lớn nhất thế giới.
Nước ta chủ yếu vẫn là đại công trường gia công, lắp ráp và những gương mặt chủ công đều thuộc khu vực FDI. Gọi là sản xuất, chế biến nhưng chỉ ở phân khúc có giá trị gia tăng thấp, thiếu các ngành có tính chất nền tảng, hiện đại như cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất, năng lượng, công nghiệp hỗ trợ...
Một số doanh nghiệp đã ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhưng ở mức độ không cao, vì vậy chưa tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng 4.0, thế nên còn gian nan mới tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, cung ứng giá trị toàn cầu, chưa đủ sức làm chủ cuộc chơi.
Hạn chế trên phản ánh qua xuất khẩu. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu 2024, khu vực FDI đóng góp 290,94 tỉ USD, chiếm 71,7%, đây là xuất khẩu của nước ngoài từ Việt Nam; doanh nghiệp nội chỉ có 114,59 tỉ USD, vẻn vẹn 28,3%, đây mới là xuất khẩu của Việt Nam. Trong kim ngạch ít ỏi của doanh nghiệp nội cũng mang dấu ấn ngoại. Để có được sự hoành tráng trong xuất khẩu gạo, hạt điều, thủy sản, sản phẩm gỗ đã phải nhập cả triệu tấn thóc lúa, hạt điều, thủy sản, gỗ, nguyên liệu ngoại để chế thành…. hàng Việt. Tăng trưởng xuất khẩu phần của ta vẫn dựa vào khai thác tài nguyên.
Trong 20 năm từ 2005 đến 2024 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước tăng 1.200% (12 lần) thì FDI tăng tới 1.500% (15 lần), còn doanh nghiệp Việt Nam chỉ tăng 800% (8 lần). Từ đó dẫn tới đảo ngược thị phần, 20 năm trước, các doanh nghiệp Việt đóng góp 42,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đến 2024 chỉ còn 28,7%, nhường thị phần cho FDI từ 57,2% lên 71,3%.
Thặng dư thương mại thường là do xuất khẩu vượt nhập khẩu. Song ở Việt Nam, do có hai khối doanh nghiệp hiệu quả tréo ngoe, nên thuần túy chỉ là hiệu số của phép tính trừ (-), lấy số xuất siêu của khu vực FDI 50,29 tỉ USD trừ nhập siêu của khối doanh nghiệp trong nước là 25,52 tỉ USD = 24,77 tỉ USD. “Vấn nạn” này chẳng phải “đặc sản” của 2024 mà lâu nay đã thế và còn thế.
Nếu toàn bộ tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 với đỉnh mới là 786,29 tỉ USD hoàn toàn là của nước ta và liên tục xuất siêu với đỉnh cũng mới là 24,77 tỉ USD đều là của ta, nhiều chuyện sẽ khác.
Lâu nay ở ta đã định hình 2 nhóm thị trường chuyên xuất siêu và luôn nhập siêu, đầu bảng là Trung Quốc - thị trường nhập khẩu số 1 cũng là địa chỉ nhập siêu số 1 của Việt Nam, không thể thu hẹp nhập siêu với thị trường này và Hoa Kỳ - đối tác số 1 về xuất khẩu và cũng là khách hàng xuất siêu số 1 của ta, cũng không thể tận dụng thặng dư với Hoa Kỳ. Nhưng hệ lụy thì rõ, phụ thuộc vào nhập khẩu với Trung Quốc và về xuất khẩu với Hoa Kỳ. Cứ tình hình này, việc tăng kim ngạch song phương với từng đối tác thuộc hai nhóm thị trường nói trên là có thể, nhưng việc thu hẹp chênh lệch thương mại cũng với từng đối tác là chưa thể.
Qua vài thập kỉ mời FDI vào chung một mái nhà cùng thắng, song rốt cuộc chỉ các nhà FDI hời, các nội binh chẳng học được gì đáng giá nơi các ngoại binh, ngày càng lép vế và triền miên thâm hụt. Dễ hiểu, doanh nghiêp ta vẫn chỉ vừa và nhỏ lại còn… siêu nhỏ, đã thế, lại có khá đông các nhà buôn chỉ biết khuân hàng ngoại về, uy hiếp sản xuất nội địa.
Một vị lãnh đạo cấp cao khi tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 3/12/2024, chỉ ra rằng: “Nhìn lại chưa vừa lòng. Nhiều việc có thể làm tốt hơn nữa. Nhìn sang các nước anh em, bạn bè, thấy họ phát triển, đi nhanh quá. Mình cứ túc tắc, bình thản vui sướng với những kết quả của mình thì họ đi nhanh hơn chúng ta. Họ có thêm tiềm lực, đi nhanh, áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, bỏ xa chúng ta. Cuộc đua như thế mình luôn bị tụt hậu, đuổi theo không kịp”… Đường kim, mũi chỉ không làm nên công nghệ 4.0; gá phụ tùng, lắp linh kiện không thể là AI.
Xốc lại hành trang
Dẫu biết rằng thu hút FDI là việc các nước chậm tiến muốn bắt nhịp trào lưu phát triển, song thiết nghĩ sau hoan hỉ chia tay năm cũ, đón mừng năm mới, nên đánh giá toàn diện, khách quan về xuất nhập khẩu thuần Việt, nhìn nhận đúng mức về ngoại binh; không chỉ từ thực tế của năm 2024 mà suốt hải trình vừa qua để hiểu về con thuyền thương mại nước ta trong ao làng ASEAN, trước khi vào trùng dương.