Nhiều doanh nghiệp người cao tuổi đề nghị tháo gỡ khó khăn về phòng cháy chữa cháy
Xã hội 04/04/2023 09:49
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề sau 3 năm của đại dịch Covid - 19 và hiện tại là suy thoái kinh tế, lạm phát nên ngành dệt may và da giày đang gặp rất nhiều khó khăn, đơn hàng bị cắt giảm nhiều, có thời điểm đơn hàng phải cắt giảm đến 60%. Trong khi đó, đơn giá chỉ đạt 55% đến 65%, vì thế ngành dệt may đang hết sức cố gắng để giữ việc làm ổn định, bảo đảm thu nhập cho người lao động. Ông Trịnh Xuân Lâm, sinh năm 1956, đại diện cho gần 300 doanh nghiệp dệt may tỉnh Thanh Hóa cho rằng, hiện khối doanh nghiệp này đang đối diện với một khó khăn, thách thức khác, đó là: Nhà nước áp dụng các tiêu chuẩn mới trong PCCC mà nhiều DN chưa thể đáp ứng ngay được và nguy cơ sẽ bị đình chỉ hoạt động.
Trong khi hầu hết các nhà máy, công xưởng dệt may trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được xây dựng và đưa vào sản xuất từ nhiều năm trước, chưa đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn về PCCC theo quy định hiện nay. Từ đó dẫn đến tình trạng bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính về công tác PCCC và đình chỉ hoạt động sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Hợp Lực. |
“Doanh nghiệp vi phạm PCCC không đánh giá được tiêu chuẩn quy định để sản xuất hàng xuất khẩu, không đủ điều kiện để kí hợp đồng với những khách hàng lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN và đặc biệt là ảnh hưởng đến công ăn việc làm, thu nhập của hàng vạn người lao động”, ông Lâm dẫn chứng.
Các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cần xem xét, có kiến nghị ngay với Chính phủ đưa ra phương án tháo gỡ cho DN vượt qua khó khăn và từng bước thực hiện lộ trình hoàn thiện hệ thống PCCC, nhưng trước tiên là phải có lộ trình thích hợp để tạo điều kiện cho DN vừa khắc phục, vừa hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm tăng trưởng chung cho nền kinh tế. Đối với các đơn vị đã được thẩm duyệt và nghiệm thu PCCC theo tiêu chuẩn cũ thì nên kéo dài thời gian được hoạt động tối thiểu từ 2-3 năm để DN có thời gian và kinh phí nâng cấp, sửa chữa, thay thế hệ thống PCCC theo tiêu chuẩn mới đáp ứng yêu cầu của pháp luật, ông Lâm đề nghị.
Thẳng thắn chia sẻ về những khó khăn mà hàng trăm doanh nghiệp đang phải đối mặt về công tác PCCC, ông Nguyễn Văn Đệ, sinh năm 1955, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty CP Hợp Lực (nguyên Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa) cho rằng, vừa thoát khỏi Covid-19 nay DN lại gặp khó khăn “kép”, vừa bị xử phạt cả trăm triệu đồng, vừa bị đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh khiến DN lâm cảnh thê thảm. Đáng lẽ khi ban hành nghị định, thông tư cần phải bám sát thực tiễn để vận dụng “nới lỏng” hình thức phạt với DN hoạt động lâu năm, từ đó có thể áp dụng ở mức thấp nhất để có thời gian khắc phục. Còn những DN mới đương nhiên phải chấp hành về PCCC theo quy định.
Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa. |
Nêu khó khăn trong vấn đề PCCC mà hàng trăm DN tại KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga, ông Trần Quốc Trường, Chi hội phó Chi hội DN KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga cho biết, tại KCN này hiện có 103 cơ sở không bảo đảm các tiêu chuẩn PCCC mới, theo quy định tại Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Cùng với bị xử phạt hành chính số tiền hàng trăm triệu đồng, thì các DN hiện đang bị tạm đình chỉ và đình chỉ sản xuất từ cuối năm 2022 để khắc phục.
Hiện nay, một số DN đã chấp hành xử phạt hành chính. Nhiều DN cũng đã xây dựng lộ trình, phương án để khắc phục nhưng đang gặp rất nhiều khó khăn do phải đầu tư, cải tạo, phá bỏ nhiều công trình tốn kém chi phí. Bên cạnh đó, nhiều DN không đồng bộ về các thủ tục hồ sơ hiện có với hồ sơ PCCC dẫn đến không đủ điều kiện nghiệm thu.
“UBND tỉnh Thanh Hóa khẩn trương rà soát, đánh giá thực trạng và có phương án cải tạo, nâng cấp hạ tầng PCCC bảo đảm đồng bộ và phù hợp với quy mô sản xuất tại KCN Tây Bắc Ga, hạn chế chi phí đầu tư hạ tầng PCCC nội bộ và tạo điều kiện cho DN yên tâm sản xuất; sớm xem xét, phê duyệt, ban hành quy hoạch điều chỉnh chi tiết KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga và chỉ đạo các sở, ngành tạo thuận lợi cho DN đồng bộ các thủ tục về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với chủ trương đầu tư và các thủ tục hồ sơ liên quan để thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC.
Đồng thời, mong muốn các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương mà cụ thể là Bộ Công an xem xét, trên cơ sở phân loại nhóm nguy cơ cháy nổ để giãn lộ trình thực hiện một số quy định, tạo điều kiện cho DN khắc phục”, ông Trường kiến nghị.
Được biết, liên quan đến vấn đề DN gặp khó khăn về vấn đề PCCC, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có chỉ đạo Công an tỉnh ban hành ngay công văn hướng dẫn địa chỉ truy cập các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về PCCC gửi tới các hội, hiệp hội DN. Để tạo điều kiện thuận lợi cho DN khôi phục hoạt động sản xuất, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Công an tỉnh phân loại nhóm nguy cơ cháy nổ, nhóm lỗi hiện hữu, trường hợp DN nguy cơ cao, vi phạm đặc biệt nghiêm trọng thì mới đình chỉ hoạt động. Bên cạnh đó, để bảo đảm yêu cầu PCCC, yêu cầu chủ cơ sở nâng cao ý thức về phòng, chống cháy nổ, xây dựng lộ trình và kí cam kết thời gian khắc phục cụ thể.
Nếu thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Đỗ Minh Tuấn thì hàng trăm DN sẽ giảm bớt được những khó khăn, thách thức khi không còn đối mặt với cảnh bị đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Trịnh Xuân Lâm nói.