Nguồn gốc, ý nghĩa của ngày Vu lan báo hiếu
Nhịp sống 18/08/2023 17:21
Vu lan là một trong 2 ngày lễ lớn nhất của Phật giáo, nhằm báo hiếu công ơn của cha mẹ, nay không chỉ là ngày lễ của các Phật tử mà đã trở thành một lễ hội văn hóa tinh thần chung của xã hội. Hiếu kính mẹ cha, phụng thờ tổ tiên ông bà, kết nối ân tình nghĩa cảm giữa người còn kẻ mất là truyền thống cao đẹp trong dòng chảy văn hóa tình người của dân tộc.
Với ý nghĩa nhân văn to lớn đó, lễ Vu lan đã lan rộng, trở thành ngày lễ quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Việt. Năm 2023, lễ Vu lan báo hiếu sẽ rơi vào thứ Tư ngày 30/8 dương lịch.
Ảnh minh họa: Phật học đời sống |
Nguồn gốc ngày lễ Vu lan
Lễ Vu lan xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói). Bà Thanh Đề - mẹ của Mục Kiền Liên là một người sống rất xa hoa, tham lam, độc ác và không tin vào Tam Bảo.
Thường ngày, bà nấu rất nhiều thức ăn và làm vương vãi khắp nơi trên mặt đất. Còn cậu bé Mục Kiền Liên có tính tình hiền lành, chịu khó trái ngược hoàn toàn với mẹ. Cậu luôn nhặt lại những hạt cơm của mẹ mình làm rơi xuống, rửa sạch đi rồi ăn lại chúng. Vì vậy, tất cả mọi người xung quanh đều rất yêu mến, khen ngợi hết lời.
Sau khi bà Thanh Đề qua đời, Mục Kiền Liên đã xin xuất gia và trở thành đệ tử của Đức Phật. Khi có được phép thuật, Mục Kiền Liên liền dùng tuệ nhãn để tìm mẹ khắp nơi trong trời đất, cuối cùng thấy mẹ nơi địa ngục.
Mục Kiền Liên trông thấy mẹ tóc tai rối xù, thân hình chỉ còn da bọc xương, đói khát, úp mặt xuống đất không thể ngẩng nổi đầu lên. Mục Kiền Liên đau xót vô cùng, ôm mẹ bật khóc rồi dâng cho mẹ một bát cơm ăn cho đỡ đói.
Thế nhưng, vì bà Thanh Đề vẫn còn quá tham và ác nghiệp, thọ báo còn quá nặng nề nên khi đưa cơm đến miệng thì cơm đã hóa thành lửa đỏ, không thể ăn được. Mục Kiền Liên cảm thấy đau đớn, bất lực khi nhìn thấy cảnh này và càng đau xót hơn khi không thể cứu được mẹ mình, vì vậy đã quay về tìm sự giúp đỡ của Đức Thế Tôn.
Đức Phật nói nếu muốn cứu mẹ thoát khỏi kiếp đọa đày, được sanh về cõi lành thì ngày 15 tháng 7 âm lịch, tức là ngày tự tứ của chư tăng, hãy mời tất cả các nhà sư lại và sắm sửa làm lễ cúng dường Tam Bảo lấy phước cứu mẹ. Mục Kiền Liên liền làm theo lời Phật và bà mẹ được giải thoát.
Phật cũng dạy rằng chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng có thể thực hiện pháp Vu lan bồn như vậy. Từ đó, ngày lễ Vu lan ra đời, trở thành ngày tri ân, báo hiếu trong Phật giáo.
Ý nghĩa ngày lễ Vu lan
Vu lan trở thành ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, bổn phận làm con phải luôn ghi nhớ đến ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm, lòng kính trọng.
Kể từ khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam, ngày lễ Vu lan đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân, phù hợp với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên thiêng liêng, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.
Qua hàng nghìn năm, Vu lan báo hiếu luôn là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt nhất trong đời sống tinh thần của mỗi người dân đất Việt.
Ngày nay, lễ Vu lan không đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà đã trở thành “lễ hội văn hóa tình người”. Pháp hội Vu lan còn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với truyền thống tốt đẹp của tiên tổ.
Đặc biệt, một nét đẹp trong ngày Vu lan báo hiếu là chương trình bông hồng cài áo. Trong buổi lễ thiêng liêng ấy, những ai may mắn còn cha mẹ trên đời thì cài bông hồng màu đỏ, bông hồng nhạt dành cho những người còn mẹ mất cha hoặc còn cha mất mẹ và bông hồng trắng buồn thương cho ai kém may mắn khi không còn cả cha và mẹ.
Thế nhưng dù còn cha mẹ hay đã mất thì mỗi người con lúc này đang dâng lên một tình cảm biết ơn sâu lắng, và tâm niệm sẽ sống hết lòng với bổn phận làm con của mình.
Văn khấn, mâm cỗ, giờ hoàng đạo cúng cô hồn chính xác nhất Theo truyền thuyết dân gian kể rằng, hàng năm, cứ đến ngày mồng 2/7 âm lịch, Diêm Vương lại cho phép mở Quỷ Môn Quan ... |
Những điều kiêng kỵ trong tháng xá tội vong nhân (tháng 7 âm lịch) Tháng 7 âm lịch còn được dân gian gọi là tháng xá tội vong nhân, tháng cô hồn hay Tết của những người âm hoặc ... |
Tử vi hôm nay, tử vi ngày 19/8/2023: Tuổi Tuất muôn vàn rực rỡ Tử vi hôm nay, tử vi ngày 19/8/2023 nhận định về công việc, tài chính, tình duyên, sức khỏe của 12 con giáp: Tý, Sửu, ... |