Người từng chèo đò cùng mẹ Suốt trên dòng Nhật Lệ
Tuổi cao gương sáng 21/06/2019 14:08
Trong dịp kỉ niệm 410 năm thành lập tỉnh Quảng Bình, ông vinh dự được cầm ngọn đuốc truyền thống trao cho đại diện Hội Cựu chiến binh để truyền lửa cho thế hệ trẻ. Ít ai biết rằng trong những năm 1964 - 1965 khói lửa, ông từng cùng chèo đò với mẹ Suốt trên dòng sông Nhật Lệ...
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ là quán nước giản dị chứa đầy kỉ vật của một thời không thể quên, ông Chuyên xúc động nhớ lại: Hồi đó tôi 18 tuổi. Sau trận 5/8/1964, đế quốc Mỹ đã dùng không quân và hải quân đánh phá ác liệt miền Bắc nước ta, với tuyên bố ngông cuồng "đưa Việt Nam trở về thời kì đồ đá". Thị xã Đồng Hới ngày ấy, bến đò sông Nhật Lệ là nơi địch đánh phá ác liệt nhất, tàu và máy bay địch quần đảo suốt đêm ngày. UBND xã Bảo Ninh quyết định thành lập tổ 3 phòng (phòng gian, phòng hỏa, phòng tai nạn) vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Ông Chuyên tham gia dân quân, biên chế trong đội 3 phòng. Khi ấy mẹ Suốt 61 tuổi. Cứ đến giờ cao điểm, mẹ gọi là đi. Mẹ lái chính, còn ông chèo trước mũi thuyền, phụ giúp mẹ đưa bộ đội, vũ khí sang sông. Công việc gian nan và cực kì nguy hiểm, có khi vừa phải chèo đò trong dập dềnh sóng cả vừa chống chọi với mưa bom bão đạn. Ông cũng không nhớ nổi đã tham gia chở bao nhiêu chuyến. Ông bảo, thời đó không ai kể chi công sá, tính mạng, thanh niên nào cũng đầy nhiệt huyết như ông, xác định vào dân quân hoặc chèo đò, nhiệm vụ nào cũng đều là đánh giặc. Thấy bộ đội ôm súng, trong lòng cũng nôn nao. Tất cả cho cách mạng, cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, không tính toán đến lợi lộc cá nhân. Được gia đình động viên, ông càng hăng hái, không quản ngại gian khổ, hi sinh, bất kể đêm hôm, khuya sớm.
Tháng 7/1965, ông tham gia thanh niên xung phong ở đơn vị C736, N73 P31, trong quân số 54 người của Đồng Hới tăng cường cho chiến trường Trị Thiên. Tham gia phục vụ trên tuyến đường 16, đường 20 Quyết Thắng… được một năm thì chuyển sang quân đội. Trong một lần làm nhiệm vụ, ông bị thương, được đưa về tuyến sau điều trị rồi đi an dưỡng ở Hà Nội. Thời gian sau, ông về công tác ở Cục Xăng dầu thuộc Đoàn 559, năm 1975 ra quân. Trở về quê hương với hai bàn tay trắng và nghị lực của Bộ đội Cụ Hồ, ông Chuyên lại tiếp tục cùng vợ là bà Nguyễn Thị Tám (cũng từng tham gia quân đội) bươn chải lo cuộc sống. Ông bà xoay đủ nghề kiếm tiền nuôi 5 con ăn học, từ xuống biển, đi lên rừng, lái xe bò… Đến nay, các con đều đã trưởng thành, xây dựng gia đình, trở thành những cán bộ, công dân tốt, tiếp tục cống hiến sức trẻ xây dựng quê hương. Vợ chồng ông bà đã thư giãn hơn, lại tham gia sinh hoạt với Chi hội NCT, lấy niềm vui bạn già làm lẽ sống. Ông Đinh Minh Thử, Trưởng ban Đại diện Hội NCT tỉnh Quảng Bình cho biết: Thế hệ trẻ Quảng Bình hôm nay rất khâm phục, trân trọng, tự hào về ông Lại Tấn Chuyên, đã cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Thế hệ người đi trước như ông Chuyên là điểm tựa lịch sử, nền tảng của chế độ, nhân chứng lịch sử, để chúng ta ôn lại quá khứ hào hùng của dân tộc.
Chia tay phóng viên, ông Chuyên còn bùi ngùi: Tôi rất vui mừng chứng kiến sự đổi thay và thành tựu của đất nước thời kì đổi mới. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, NCT gương mẫu đi đầu, vận động Nhân dân và giáo dục con cháu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chung tay xây dựng quê hương. Tuy nhiên, vợ chồng ông còn băn khoăn khi diện tích đất ghi trên sổ đỏ mà chính quyền địa phương cấp cho ông bà sai lệch so với diện tích thực và sổ cũ ông bà được cấp trước đó. Việc này xảy ra đã 4 - 5 năm nay, ông bà cũng từng kiến nghị lên lãnh đạo tỉnh. Rất mong các cấp chính quyền tỉnh Quảng Bình lưu tâm xem xét nguyện vọng chính đáng của vợ chồng ông Chuyên, người từng một thời cùng mẹ Suốt dũng cảm "tung hoành" trên dòng sông Nhật Lệ, góp phần nhỏ bé làm nên chiến thắng cuộc chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc.