Người lính già đau đáu chuyện đi tìm hài cốt đồng đội
Tuổi cao gương sáng 20/07/2022 10:46
Năm 19 tuổi, cụ Thùy vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, đảm nhận chức vụ Xã đội trưởng, chỉ huy du kích địa phương đánh nhiều trận khiến giặc Pháp kinh hãi. Cụ nhớ nhất là trận phục kích địch tại Vệ Nghĩa. Hôm đó, tầm cuối tháng 9/1950, sau khi phát hiện khoảng 300 lính Pháp di chuyển từ Đại Hào lên thị xã Quảng Trị, du kích xã do cụ chỉ huy phối hợp với bộ đội chủ lực (Trung đoàn 95) bao vây diệt địch. Trong trận đó, cụ bị thương khắp người, nặng nhất là vùng đầu và vùng lưng.
Năm 1954, cụ tập kết ra Bắc, biên chế về Trung đoàn 271, Quân khu 4 rồi trở về Nam chiến đấu. Sau ngày đất nước thống nhất, cụ đảm nhận các chức vụ như Thị đội trưởng Đông Hà, Huyện đội trưởng Triệu Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Quân sự tỉnh Bình Trị Thiên cho đến lúc nghỉ hưu (năm 1982). Rời quân ngũ, nhưng cụ không ngơi nghỉ, cụ thường xuyên đến các chiến trường cũ để tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ. Cụ tâm sự: "Hơn năm đầu, tôi làm công việc này một mình, cất bốc được 62 hài cốt liệt sĩ. Về sau, tôi nhận thấy mình tuổi đã cao không còn đủ sức, hơn nữa cần có thông tin, sự phối hợp với nhiều đồng đội cũ khác thì công việc mới đạt hiệu quả cao. Vì vậy, tôi đã chủ động liên hệ đặt vấn đề và động viên anh em cựu chiến binh ở các xã cùng làm".
Cụ Nguyễn Hữu Thùy trước Nhà văn hóa thôn do vợ chồng cụ hiến đất xây dựng. |
Suốt 26 năm, những chiến trường xưa từ vùng núi cao đến đồng bằng và vùng biển như Cây Da, Cây Vịt chiến khu Ba Lòng, ngã ba Long Hưng, Thành cổ Quảng Trị, xã biển Thâm Khê, huyện Hải Lăng… đều có dấu chân cụ và đồng đội. Cụ Thùy bộc bạch: "Suốt hơn 26 năm qua, không biết bao lần chúng tôi vui buồn theo từng kỉ niệm tìm kiếm hài cốt đồng đội. Buồn cũng nhiều, vì địa hình, nơi chôn cất liệt sĩ bị bom đạn cày đi xới lại nhiều lần. Mà vui cũng nhiều, vì sau nhiều lần mình cất công tìm kiếm, quyết tâm cho bằng được rồi cũng tìm thấy. Như lần tìm kiếm 17 anh em cảm tử hi sinh ở đồi Đá Đứng, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong. Chúng tôi cả đi lẫn về hơn 20 lượt, đến lượt thứ 21 thì mới may mắn tìm thấy anh em nằm sâu dưới một trạm phẫu thuật dã chiến bị bom đánh bồi lấp dày hơn 2m".
Nói đến việc tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ, người lính già lại rưng rưng nước mắt, thương nhớ khôn nguôi người vợ đã quá cố. Cụ nói: "Bà ấy lấy chồng mà có mấy ngày được sống trọn vẹn bên chồng đâu. Khi đứa con gái đầu lòng mới vài tháng tuổi thì tôi đã ra Bắc. Trong chiến tranh, không ít lần đi ngang qua nhà, thấy vợ con đó, nhưng không thể vào vì sợ bị lộ. Sau ngày đất nước giải phóng, tôi mới gặp bà ấy. Bà ấy luôn ủng hộ, động viên tôi rất nhiều. Bà thường nói với tôi, mình sống là một may mắn lớn. Anh em bộ đội hi sinh chưa tìm được hài cốt, nằm dưới đất đai lạnh lẽo lắm. Ông cố ráng nhớ những nơi anh em hi sinh và chôn cất để tìm kiếm họ về cho được ấm cúng".
Một kỉ niệm đẹp của vợ chồng cụ, ấy là lúc vợ cụ còn sống, do xã không có chỗ đất đẹp, thuận tiện để xây dựng Nhà văn hóa thôn Bích La Thượng, hai cụ đã vui vẻ hiến tặng 1.000m2 đất nông nghiệp ở mặt tiền đường liên thôn để xã xây dựng công trình.
Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Triệu Phong, đến nay cụ Thùy và các đồng đội đã tìm kiếm, cất bốc được hơn 250 hài cốt liệt sĩ, đưa về các nghĩa trang an táng. Những trường hợp có tên tuổi, quê quán, cụ chủ động liên hệ với gia đình thân nhân liệt sĩ để an táng theo tâm nguyện của gia đình.