Tiền Giang: Mít tinh hưởng ứng ngày thế giới không thuốc lá

Xã hội 27/07/2021 14:11
Ông Cam còn có tên là Lê Quang Thuần, sinh ra và lớn lên trên đất Đông Hạ, mười tám tuổi ông xung phong đi bộ đội. Những tháng ngày tham gia chiến đấu, ông từng chôn cất đồng đội hi sinh. Ngày trở về, đêm nằm nhớ tới những đồng đội, ai được trở về quê hương ai còn nằm lại nơi đất khách quê người?
Do hoàn cảnh gia đình, phải đến năm 1995, khi con cái đã trưởng thành, ông mới rảnh rang thực hiện tâm nguyện. Ban đầu ông chỉ định đi tìm địa chỉ của liệt sĩ Trịnh Bá Trân đồng đội của ông, trước khi chôn cất, ông thầm hứa, nếu có ngày trở về ông sẽ bằng mọi giá tìm đến gia đình anh. Thế rồi, trên đường đi tìm mộ liệt sĩ Trân, ông đã tìm thấy rất nhiều địa chỉ liệt sĩ nằm trong các nghĩa trang ở miền Nam và bên nước bạn Lào.
![]() |
Ông Lê Văn Cam |
Từ Thái Bình ông vào chiến trường miền Tây Thanh - Nghệ - Tĩnh, chiến trường đường 9 - Nam Lào, rồi lên Tây Nguyên, vào miền Đông Nam bộ... đó là hành trình được ghi trong cuốn nhật kí tìm đồng đội của người CCB tuổi đã gần bát thập. Những ngày đầu, trong túi chỉ có vẻn vẹn 700.000 đồng gom góp từ hai cây táo, từ sắt vụn và cả tiền bà nhà nhọc nhằn mót lúa.
Năm 1996 ông bắt đầu hành trình xuyên Việt. Cuốn nhật kí của ông cứ dày lên theo những chuyến đi. 15 năm ròng với chiếc ba lô con cóc và chiếc xe đạp cũ kĩ, ông lặng lẽ đi qua không biết bao nhiêu dặm đường để thu nhập thông tin về mộ phần của liệt sĩ. Trong căn nhà nhỏ mới xây bằng tiền của một số đồng đội, những nhà hảo tâm, bạn đọc xa gần ủng hộ chẳng có gì đáng giá, ngoài chiếc máy vi tính của CCB Nguyễn Đăng San (Quảng Ninh) tặng. Ông Cam tâm sự: “Mỗi ngày tôi gửi ít nhất chục bức thư báo tin cho gia đình liệt sĩ, trước đây tem chỉ có 400 đồng, rồi lên 800 đồng nay là 2.000 đồng, nên nhiều khi không biết lấy tiền đâu mua...”. Vậy là ông bàn với bà nhà tiết kiệm chi tiêu để mua tem. Cũng nhờ có thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng mà một số người hảo tâm, trong đó có cháu đang là học sinh, biết ông cần nhiều tem, đã dành dụm mua tem gửi qua bưu điện biếu ông…
Hơn hai mươi năm qua, ông đã dùng hơn 80 cuốn sổ, đặt tên là "Đi tìm nơi yên nghỉ đồng đội" ghi chép tỉ mỉ tên, tuổi, quê quán và nơi yên nghỉ của gần 30.000 liệt sĩ. Còn các liệt sĩ chưa được xác định thân nhân, ông vẫn thấy mình như còn nợ nghĩa tình đồng đội.
Đều đặn mỗi sáng, chẳng kể nắng mưa, ông Cam đi đến các nghĩa trang thu thập thông tin để tối về cặm cụi ghi tên những liệt sĩ mới vào sổ một cách cẩn thận và viết thư tay gửi đến cho thân nhân gia đình liệt sĩ. Mỗi ngày ông viết và gửi đi trung bình 15 lá thư. Trong số những lá thư ông gửi đi có hơn 2.000 lá phải viết lại đến lần thứ hai, có lá phải viết lại tới lần thứ ba, thứ tư vì không có sự hồi âm của gia đình.
Ông nói rằng, chồng giấy tờ sổ sách, thư từ ấy, nếu đem cân lên cũng phải tới hàng tạ! Người đàn ông cứng cỏi, tự cho rằng mình có “cái duyên” được đồng đội tin cậy “nhờ” tìm người thân đã không kìm được nước mắt khi nói về những người lính vẫn còn nằm đâu đó trên mọi miền đất nước.
Công việc tìm thân nhân cho các liệt sĩ của ông Cam, trên thực tế rất khó khăn và vất vả. Không đại diện cho một tổ chức nào, không có giấy giới thiệu để tự do thường xuyên ra vào các nghĩa trang, vì thế không ít lần ông Cam đã gặp rắc rối. Đã vậy việc tìm kiếm và ghi chép tên tuổi các liệt sĩ ở nghĩa trang, nhiều khi chẳng dễ dàng gì bởi những dòng chữ ghi trên các bia mộ đã mờ dần theo năm tháng và mắt ông cũng không còn tinh tường như xưa…
Ông Cam đưa cho tôi xem một túi thư hồi âm của các thân nhân liệt sĩ khoảng năm trăm lá. Nhiều lá thư viết cách đây tám chín năm đã ố nhòe. Hàng trăm lá thư của người cha, người mẹ, của người em, người anh, người cháu liệt sĩ gửi tới ông Cam đều thể hiện một sự hàm ơn sâu sắc.
Nhìn ông lão gầy guộc, hom hem, hai bàn tay chai sạn, chỉ có đôi mắt sáng và luôn nở nụ cười hiền hậu, mấy ai ngờ rằng ông có thể làm được điều kì diệu đến vậy! Ông cười: “Đôi khi nhìn lại hành trình của mình, tôi cũng không ngờ đôi chân lại dẻo dai đến thế”. Tôi biết sức mạnh nào đã giúp ông làm được công việc thiêng liêng thấm đẫm tình đồng chí, tình đồng đội và tình người ấy. Ngày ngày từ căn nhà nhỏ của ông, những cánh thư không biết mỏi, vẫn bay đi khắp mọi miền Tổ quốc, làm vợi đi nỗi đau của thân nhân các gia đình liệt sĩ…