Nghĩ về văn hóa đọc hiện nay
Giáo dục 13/05/2021 10:30
Ngày nay, sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã ảnh hưởng lớn đối với giới trẻ. Chỉ cần một động tác nhấp chuột máy tính, một cú “quẹt” trên điện thoại thông minh là giới trẻ tha hồ tìm kiếm thông tin, tài liệu, phim ảnh theo ý muốn, thay vì phải đến các thư viện như trước. Việc Internet ra đời đã tạo ra cho con người một thiết bị có thể chứa được lượng kiến thức gần như vô tận, một chiếc máy tính chứa được lượng thông tin bằng hàng ngàn, hàng vạn cuốn sách và có thể lưu giữ rất lâu mà không sợ thời gian làm hư hỏng, mối mọt tấn công. Thêm vào đó, người sử dụng không phải mang theo những quyển sách cồng kềnh như trước. Với chiếc điện thoại thông minh, có thể phát huy cùng lúc nhiều tính năng vô cùng tiện lợi và nhanh chóng. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm giảm niềm say mê đọc sách của nhiều người, trong đó có các bạn trẻ.
Một khía cạnh khác đáng lo ngại là trong xu thế khẩn trương nhịp sống mới, nhiều người đã không còn thời gian để đọc sách như trước đây; việc đọc chỉ để cho những người chuyên nghiên cứu sách báo, tư liệu để bổ sung thêm kiến thức vào các lĩnh vực chuyên môn cần thiết. Đã vậy, số lượng sách xuất bản ngày càng thu hẹp dần bởi lượng độc giả ngày càng thưa vắng, đó là chưa kể đến việc kiểm duyệt, phát hành sách ngày càng lỏng lẻo, tạo kẽ hở cho những quyển sách kém chất lượng, vô bổ xuất hiện.
Điều đáng mừng là trong tình hình khó khăn đáng lo ngại như vừa nêu, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều động thái tích cực để điều chỉnh, tạo rất nhiều cơ hội để giữ vững và duy trì, phát huy VHĐ, trong đó có việc chọn ngày 21/4 hằng năm là Ngày sách Việt Nam. Cùng với đó là các cuộc thi “Nâng tầm văn hóa đọc”; “Đại sứ văn hóa đọc”; “Hội thi kể chuyện sách”... Ngoài ra cũng cần kể đến sự đầu tư của các xe thư viện lưu động trên pham vi cả nước, sự tự nguyện hình thành của hàng ngàn thư viện tư nhân hoàn toàn miễn phí đã góp phần rất lớn để duy trì VHĐ rất đáng trân trọng. Một điều đáng phấn khởi khác là giới trẻ đang có cái nhìn tích cực hơn về VHĐ, tham gia ngày càng nhiều các hoạt động có liên quan.
Để phát huy những tín hiệu lạc quan trên, thiết nghĩ cần có nhiều hoạt động cổ vũ, khích lệ phong trào đọc sách trong giới trẻ, tăng cường nhiều hơn khâu kiểm duyệt, phát hành để có được những quyển sách hay, thiết thực, bổ ích, hấp dẫn; có nhiều cuộc thi có liên quan đến việc nâng tầm VHĐ. Cùng với đó, các thư viện cố định cần có các biện pháp giới thiệu sách mới mới lạ, đa dạng để thu hút bạn đọc; tăng cường nhiều hơn tần suất phục vụ các xe thư viện lưu động bởi hiện nay số lần phục vụ nhất là khu vực nông thôn còn rất hạn chế. Người lớn cần có thái độ quan tâm, định hướng cho con em mình tìm đọc những quyển sách bổ ích, khuyến khích và định hướng con trẻ từ khi còn nhỏ để có thể tạo một nền tảng đúng đắn, đam mê đọc sách, rèn luyện kĩ năng và đọc sách một cách có chọn lọc. Ngoài ra cần phải chú trọng hơn đến việc giáo dục VHĐ trong nhà trường, trong phương pháp giảng dạy của thầy cô giáo để tiết học sinh động và hấp dẫn hơn.
VHĐ đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mà muốn vượt qua cần lắm mối liên kết: Gia đình - nhà trường - xã hội cùng với sự đồng lòng vào cuộc của mọi người, mọi nhà, mọi cơ quan, đơn vị.