Nghĩ về... bền vững!
Trong mắt người già 27/01/2021 09:40
Lâu nay, ta thường nói đến đầu tư nước ngoài là yếu tố quan trọng đặc biệt của sự phát triển. Nhờ dòng vốn đầu tư này mà kinh tế nhiều địa phương, xa hơn là kinh tế đất nước khởi sắc. Chỉ tính khoảng 10 năm lại đây, Chính phủ đã cấp phép cho hàng chục nghìn dự án lớn nhỏ, số vốn lên tới hàng trăm tỉ USD. Đặc biệt, từ khi có Hiệp định TPP, các dự án về sợi, nhuộm, dệt may... vào nước ta một cách rầm rộ, hình thành những khu công nghiệp có quy mô lớn.
Tuy nhiên, điều mừng ấy chưa trọn vẹn bởi chất lượng không ít dự án đang có "vấn đề".
Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, chỉ có 5% doanh nghiệp FDI có công nghệ cao, 80% có công nghệ trung bình, còn lại 14% công nghệ thấp; 67% doanh nghiệp FDI hoạt động ở Việt Nam thuộc ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp; công nghệ thấp; tiêu thụ nhiều năng lượng và khả năng phát thải cao…
Ảnh minh hoạ |
Con số ấy không có gì bất ngờ, bởi đã được các nhà kinh tế trong và ngoài nước cảnh báo. Cũng bởi chạy theo mục tiêu phát triển “bằng mọi giá”, mà bức tranh kinh tế - xã hội nước ta lộ dần “điểm yếu chết người”. Nhiều địa phương bỏ qua việc tìm hiểu, nghiên cứu kĩ đối tác; không tính đến các yếu tố văn hóa, môi trường, an ninh - quốc phòng khi làm dự án. Nhiều năm trước, có một công ty xả chất thải ra sông ở Đồng Nai; tháng 4/2016, biển 4 tỉnh miền Trung "dậy sóng" do cá chết hàng loạt mà nguyên nhân chính bắt nguồn từ một dự án gang thép. Rồi người dân nuôi cá bè trên một số dòng sông kêu trời khi cá chết hàng loạt, mà nguyên nhân cũng vì nước thải của các nhà máy chưa qua xử lí nhưng vẫn vô tư chảy ra môi trường.
Giá như doanh nghiệp nước ngoài nào cũng tuân thủ luật pháp Việt Nam thì sẽ không có những vụ việc đau lòng nêu trên. Nếu doanh nghiệp sử dụng công nghệ tốt thì khả năng gây ô nhiễm môi trường ít hơn, hệ thống xử lí chất thải, nước thải, khí thải cũng sẽ tốt hơn. Và ngược lại, dự án sử dụng công nghệ thấp thì khả năng tiêu dùng năng lượng lớn hơn, rủi ro ô nhiễm môi trường tất nhiên sẽ cao hơn.
Hóa ra, lâu nay chủ trương phát triển bền vững vẫn nằm xa tầm tay người dân. Môi trường bị xâm phạm, bị hủy hoại đồng nghĩa với "cắt giảm" sự sống của người Việt. Nếu không quyết liệt trong thực hiện các giải pháp đầu tư, nhất là bảo vệ môi trường thì đến lúc nào đó, một số địa phương sẽ trở thành vùng “đất chết”. Đừng quá chú trọng vào tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá mà để môi trường sinh thái, môi trường văn hóa của Nhân dân bị xuống cấp, hư hại.
Phát triển kinh tế mà không bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa vật chất và tinh thần thì trước sau sẽ chịu hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển đất nước, ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng sống, đến giống nòi. Phát triển bền vững mới là điều Nhân dân mong muốn