Ngành công nghiệp “không khói”: Tăng cường xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù xanh
Tin tức 27/09/2021 07:51
Mức độ “xanh” của một sản phẩm du lịch sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ thân thiện với môi trường của những yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến quá trình tham gia vào việc hình thành nên sản phẩm du lịch. |
Theo đó, để “Du lịch xanh” trở thành một sản phẩm du lịch xanh,các doanh nghiệp, người dân cần quan tâm đến một số tiêu chí sau, được tạo ra từ các vật liệu thân thiện với môi trường; đem đến những giải pháp an toàn đối với môi trường và sức khỏe; giảm tác động đến môi trường trong quá trình sử dụng; tạo ra một môi trường thân thiện và an toàn đối với sức khỏe. Do đó, hầu hết các dịch vụ, sản phẩm du lịch như tour du lịch, sản phẩm, dịch vụ của khách sạn, nhà hàng muốn được công nhận là sản phẩm du lịch xanh đều phải đạt được các nội dung cơ bản của các tiêu chí trên. Đồng thời, mức độ “xanh” của một sản phẩm du lịch sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ thân thiện với môi trường của những yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến quá trình tham gia vào việc hình thành nên sản phẩm du lịch.
Có thể thấy, trước diễn biến của dịch Covid-19 lần thứ 4 đã làm thay đổi nhiều về cách thức đi du lịch cũng như việc tổ chức tour. Chia sẻ về điều này, ThS. Hồ Minh Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Đổi mới Sáng tạo (ISAI) cho rằng, ngành du lịch gần như "chạm đáy", nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động. Trải qua 4 lần dịch Covid-19 bùng phát thì những người làm du lịch đang hình thành 2 xu hướng: Thứ nhất, đợi dịch khống chế hẳn hoặc đủ điều kiện cho phép hoạt động mới quay trở lại vì những lần trước khi dịch tạm lắng, các doanh nghiệp đầu tư rồi lại phải dừng gây tốn kém. Thứ hai, doanh nghiệp chấp nhận tổ chức tour theo nhu cầu của khách, nhưng thắt chặt các điều kiện về an toàn phòng dịch. “Đợt dịch lần này khá phức tạp, khiến các đơn vị kinh doanh du lịch xác định sẽ còn gặp nhiều khó khăn…Trong đó, cần phải có chiến lược và giải pháp phù hợp trong bối cảnh "tình hình mới" khi dịch có thể vẫn kéo dài, còn xuất hiện những ca F0”.
ThS. Hồ Minh Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Đổi mới Sáng tạo (ISAI). |
Đặc biệt, Việt Nam có tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa rất phong phú, đa dạng. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch xanh. Mặt khác, Việt Nam cũng là một quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Vì lẽ đó, cần phải phát triển du lịch xanh, góp phần phát triển một nền kinh tế xanh bền vững. Trong khi đó, trong suốt thời gian qua, một số địa phương, công ty lữ hành, khách sạn đã chú trọng phát triển du lịch xanh như một số tỉnh Tây Bắc, Quảng Bình, Nghệ An… phát triển du lịch cộng đồng; Huế phát triển du lịch nhà vườn; Nha Trang đẩy mạnh du lịch biển đảo; một số tỉnh thành phố phía Nam cũng tăng cường du lịch miệt vườn.
Cùng với đó, khách du lịch hiện phải đảm bảo được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19, có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 khi di chuyển ngoại tỉnh; doanh nghiệp "xanh" (lực lượng lao động kinh doanh du lịch của đơn vị đã được tiêm đủ vaccine, có năng lực tổ chức tour an toàn); chuỗi dịch vụ "xanh" (các sản phẩm, dịch vụ như: Hình thức du lịch, cơ sở lưu trú, vận chuyển, điểm đến bảo đảm khép kín, biệt lập, an toàn)...
Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Hà Nội đang hoàn chỉnh kịch bản hoạt động kinh tế theo diễn biến dịch Covid-19, trong đó có hoạt động du lịch. Thời gian vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội đã xây dựng điểm "lưu trú xanh" dành cho khách cách ly tại các khách sạn được lựa chọn làm nơi cách ly tập trung. Tới đây, trên các tiêu chí về phòng dịch, Sở sẽ triển khai việc kết nối các "điểm du lịch xanh" với những "doanh nghiệp lữ hành xanh" để thực hiện "hành trình du lịch xanh" cho du khách đủ điều kiện về tiêm vaccine.
Tương tự, ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, chia sẻ: "Chương trình Xanh - xanh" do các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội đề xuất mang tính đón đầu để khôi phục phát triển du lịch. Nếu không có vai trò kết nối giữa điểm xanh của các tỉnh, của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ rất khó vì dễ xảy ra tình trạng mỗi nơi quy định một kiểu. Thực tế, Ninh Bình cũng đã xây dựng chương trình về đón khách và tour du lịch nhưng giờ phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến dịch khi các tỉnh lân cận vẫn phát hiện có ca F0.
Hiện nay, du lịch cần phải thích ứng với bối cảnh mới. Vì lẽ đó, chương trình du lịch "Xanh - xanh" bao gồm các sản phẩm du lịch kết nối điểm đến an toàn về dịch bệnh Covid-19 xác định cần hội đủ 5 tiêu chí "xanh" như: Thẻ thông hành xanh, doanh nghiệp xanh, hành lang xanh, điểm đến xanh và dịch vụ xanh. Ngoài ra, sự khởi đầu cho giai đoạn mới của du lịch nội địa trong thời gian tới. Trước mắt là kết nối đường bộ giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố lân cận. Tuy nhiên, để triển khai được những tour du lịch này đòi hỏi các địa phương hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch chạy thử một số tour vào tháng 10, 11 tới đây.
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn diễn biến khá phức tạp, đường bay nội địa vẫn hạn chế nên du lịch nội địa thời gian từ nay đến cuối năm 2021 nếu được khôi phục và khởi động lại chủ yếu là chương trình đường bộ, đi theo nhóm nhỏ.
Được biết, Hiệp hội Du lịch Việt Nam hiện đã dự thảo xong chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc và xin ý kiến của lãnh đạo các địa phương, Hiệp hội du lịch các địa phương, trao đổi ý kiến với các Sở quản lý du lịch, nhất là quy định về tiêu chí an toàn trong du lịch các địa phương; chọn lựa những điểm tham quan, cơ sở du lịch đủ tiêu chuẩn an toàn để đón khách du lịch nội địa, đề xuất thời gian mở cửa đón khách cụ thể.
Hiện nay, khi du khách đang ngày càng có sự quan tâm đặc biệt đến môi trường tự nhiên ngày tăng thì việc phát triển những sản phẩm du lịch xanh có chất lượng cao sẽ góp phần quan trọng vào việc tạo ra tính cạnh tranh và hấp dẫn cao của điểm đến du lịch bên cạnh một số yếu tố khác như mức độ thuận lợi trong tiếp cận điểm đến (thủ tục ra, vào phương tiện); hình ảnh, thông tin về điểm đến. Du lịch xanh được áp dụng trong hệ thống khách sạn, đơn vị vận chuyển, kinh doanh lữ hành, nhà hàng bằng các biện pháp bảo vệ môi trường: xử lý nước thải tránh ô nhiễm, thu gom triệt để rác thải, giảm tiếng ồn, hạn chế sử dụng túi ni lông, trồng cây xanh.
Du lịch “xanh” nếu được tập trung khai thác tốt sẽ có khả năng phát triển mang tính bền vững, không chỉ giúp bảo vệ tài nguyên môi trường, sinh thái mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương. Việc xây dựng chiến lược marketing du lịch xanh cần quảng bá du lịch tại các thị trường trọng điểm phù hợp với xu hướng mới của thị trường. Đa dạng hóa các phương thức, công cụ xúc tiến quảng bá, chú trọng triển khai các hoạt động e-marketing. Các địa phương tiếp cận đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, giới thiệu du lịch trên các kênh truyền thông quốc tế. Việc các địa phương định hướng, tập trung thực hiện về du lịch an toàn, khôi phục du lịch trong bối cảnh bình thường mới với nội dung sống chung với Covid-19 trong từng doanh nghiệp du lịch, tạo sự tin tưởng của khách du lịch về những đơn vị được lựa chọn đáp ứng đủ tiêu chuẩn đón khách trong giai đoạn tình hình dịch hiện còn phức tạp.