NCT xã Quảng Sơn, Huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh Giữ gìn bản sắc dân tộc
Đời sống 24/10/2023 09:38
Cuối tháng 8 vừa qua, xã Quảng Sơn mở 3 lớp học bảo tồn văn hóa dân tộc gồm dạy thêu Dao Thanh Phán, lớp dạy thổi kèn Dao Thanh Y và dạy làm lễ cấp sắc Dao Thanh Y. Mỗi lớp học có 15 học viên thời gian học trong 3 tuần. Giảng viên chính là bà Diềng Chống Sếnh và ông Chíu Sáng Hỷ.
Anh Phùn A Nam, học viên lớp học thổi kèn Dao Thanh Y cho hay: “Qua lớp học tôi nắm được cơ bản các bài thổi kèn đám ma, đám cưới của người Dao. Bước còn lại là phải tập luyện hằng ngày cho thuần thục để có thể làm được nghề. Hiện tại trong cộng đồng người Dao ở tỉnh Quảng Ninh, những người thạo thổi kèn như ông Chíu Sáng Hỷ rất ít, trong khi các đám ma, đám cưới đều rất muốn có người thổi các bài kèn phù hợp”.
Ông Chíu Sáng Hỷ, ở bản Lý Quáng, xã Quảng Sơn là người thổi kèn theo các điệu nhạc truyền thống của người Dao hay nhất huyện Hải Hà. Không những thế, ông còn tự tay làm được nhiều bộ phận của kèn, khi mà loại kèn này đều do các nghệ nhân cha truyền con nối tự mày mò làm lấy.
Người dân các thôn bản ai có nhu cầu học thêu đều được bà Diềng Chống Sếnh (bên trái) chỉ bảo nhiệt tình. |
Ở huyện Hải Hà, người Dao có nhiều ngày lễ truyền thống và trong những ngày này, bà con đều mời ông Hỷ đến để góp tiếng kèn. Nghề thổi kèn của ông có từ đời ông, bà truyền lại. Ở huyện cũng chỉ có mình ông có thể thổi được tất cả 18 bài kèn đám ma, 12 bài kèn đám cưới của người Dao. Ông Hỷ cho rằng: “Muốn học nghề này, người học phải có cái tâm, bởi nó không dễ. Người học cũng phải thật sự yêu nghề, chứ nếu tính thiệt hơn xem có kiếm được nhiều tiền không thì khó học lắm”.
Xã Quảng Sơn có thời điểm tỉ lệ hộ nghèo chiếm đến 80%, nhưng bà con hễ có việc đều mời ông Hỷ. Ông ngồi thổi kèn cho nhà đám suốt mấy hôm, có khi chỉ nhận chút ít bồi dưỡng hoặc ăn bữa cơm, nhưng vẫn phục vụ nhiệt tình. Với ông, cái quan trọng nhất là người dân còn nhớ đến làn điệu kèn truyền thống của dân tộc mình để nó không bị mai một. Ông bảo: “Các bài kèn của người Dao từ đời ông cha sáng tác ra phong phú lắm. Đời con cháu phải biết giữ gìn, để mất đi là mang tội với ông bà”.
Bà Diềng Chống Sếnh ở bản Quảng Mới, là 1 trong 4 nghệ nhân của tỉnh Quảng Ninh được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Dân gian” năm 2013. Nhờ có sự nhiệt tình chỉ dạy của bà, đến nay 100% phụ nữ lớn tuổi trong xã đều biết thêu trang phục truyền thống của người Dao.
Trên địa bàn xã Quảng Sơn có Trường Phổ thông dân tộc bán trú với 98% học sinh là người dân tộc thiểu số mà đa phần là người Dao. Từ năm học 2014 - 2015 đến nay, nhà trường mở chương trình “Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao” đều đặn vào cuối năm. Chương trình nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, động viên khích lệ các nghệ nhân của xã và học sinh của nhà trường nâng cao ý thức giữ gìn vẻ đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Trong chương trình này, bà Diềng Chống Sếnh được mời làm giảng viên dạy các học sinh nữ thêu và cách vấn tóc của người Dao. Bà tận tình chỉ cho các cháu cách phối các sợi chỉ màu xanh, đỏ, trắng, vàng…, cách đưa đường kim khéo léo để cho ra những họa tiết hình quả trám, con rùa, chim muông, hoa lá... Những ngày bình thường, người dân các thôn bản muốn đến học nghề đan thêu truyền thống là bà lại tận tình dạy thêu từng nét hoa văn. Bà bảo: “Chỉ mong sao con cháu đừng quên cái nghề mà cha ông đã mất bao công mới có được”.
Ngày nay ai đến xã Quảng Sơn đều dễ bắt gặp chị em phụ nữ cả lúc đi làm hay đi chơi luôn xúng xính với những bộ quần áo mới nhiều màu sắc. Ngoài ra, nhiều truyền thống văn hóa đặc sắc khác của dân tộc Dao cũng được bảo tồn, phát huy trên mảnh đất biên cương này nhờ có công sức của NCT.