Nâng cao năng lực dự báo, tích cực hỗ trợ người dân vùng lũ lụt ổn định cuộc sống
Tin tức - Sự kiện 06/12/2021 07:50
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. (Ảnh: Trần Hải) |
Phát biểu ý kiến mở đầu hội nghị, nhấn mạnh, mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề tại khu vực miền trung và Tây Nguyên, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc tích cực của nhân dân trong việc khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình có thân nhân bị nạn vừa qua; chia sẻ với những khó khăn, mất mát, thiệt hại của các địa phương do thiên tai ở miền trung và Tây Nguyên. Tại hội nghị này, Thủ tướng mong muốn được nghe báo cáo tình hình, nhất là các biện pháp ứng phó thiên tai của các địa phương, đặc biệt là việc chấp hành các quy định, quy trình xả lũ các hồ đập thủy điện, thủy lợi ở khu vực.
Thủ tướng cho rằng, qua đợt thiên tai này cần rút kinh nghiệm, xem xét về mặt quy chế có gì cần bổ sung, việc vận hành xả lũ đã phù hợp hay chưa. Cần rà soát lại để trên cơ sở đó hoàn thiện thể chế, các quy định, quy trình để khi có sự cố thì vận hành chuẩn xác sẽ giảm được thiệt hại không đáng có.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Trần Hải) |
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc nêu cao tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của người dân trong công tác phòng, chống thiên tai; nêu rõ, về căn cơ, chúng ta phải có nghiên cứu cơ bản vì biến đổi khí hậu diễn biến nhanh và phức tạp. Cả thế giới ngày càng nhận thức sâu sắc về sự nóng lên của Trái đất, do đó toàn cầu phải chung tay tham gia phòng, chống thiên tai, giảm bớt thiệt hại. Về tổng thể, Việt Nam cần phải tham gia vào việc hạn chế sự nóng lên của Trái đất theo đúng tinh thần của Hội nghị COP26 của Liên hợp quốc. Chúng ta phải tích cực bảo vệ môi trường, chống những tác động cực đoan của biến đổi khí hậu.
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, dự báo về mưa tương đối phù hợp về phạm vi; tuy nhiên, tổng lượng mưa nhiều nơi cao hơn dự báo từ 100-200mm; lũ trên sông đều cao hơn dự báo, trong đó trên sông Ba tại Phú Lâm (Phú Yên), sông Cái Dinh tại Ninh Hòa (Khánh Hòa) lớn hơn nhiều so dự báo ban đầu, khoảng từ 1 đến 1,93m. Hầu hết các hồ đã đầy nước liên tiếp 5 đợt mưa lũ nên không còn dung tích để giảm lũ cho hạ du.
Công tác phối hợp vận hành điều tiết lũ trên lưu vực sông Ba giữa các tỉnh đã bộc lộ một số bất cập (quy trình, các điều kiện bảo đảm vận hành; thông tin và bảo đảm an toàn hạ du...). Công tác chỉ đạo quyết liệt, nhất là tại các địa phương; người dân chủ động ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ" nên đã giảm thiếu tối đa thiệt hại, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, một bộ phận chính quyền và người dân còn bị động, chủ quan dẫn đến thiệt hại về người do đi lại bất cẩn trong mưa lũ.
Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: Trần Hải) |
Ban Chỉ đạo quốc gia kiến nghị, theo số liệu thống kê, đề xuất hỗ trợ bước đầu các địa phương đến ngày 4/12: hỗ trợ gạo cứu đói, sửa chữa nhà và các chính sách trợ giúp xã hội cho các địa phương vùng ngập lũ (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội). Hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do mưa lũ, các địa phương chủ động, khẩn trương thực hiện và quyết toán với Bộ Tài chính theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ; hỗ trợ thuốc khử trùng, xử lý nước sạch, vệ sinh môi trường.
Các địa phương đề nghị hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để khắc phục cấp bách công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ, di dời khẩn cấp khỏi các khu vực thường xuyên ngập lụt và nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn...
Về lâu dài, cần đánh giá toàn diện về nguyên nhân gây ngập lụt nghiêm trọng và đề xuất các giải pháp căn bản; lâu dài theo hướng quản lý lũ tổng hợp; rà soát, cập nhật quy hoạch, kế hoạch, phương án phù hợp diễn biến mưa lũ, thiên tai trên địa bàn; nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo, đầu tư hệ thống quan trắc, theo dõi, giám sát thiên tai; kiện toàn, nâng cao năng lực cơ quan phòng, chống thiên tai các cấp; tăng cường nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền cơ sở và cộng đồng; nâng cao khả năng chống chịu của công trình phòng, chống thiên tai, nhất là đê điều, hồ chứa, khu neo đậu tàu thuyền; xây dựng Trung tâm điều hành phòng, chống thiên tai quốc gia.
Ngoài ra, đầu tư trang thiết bị chuyên dùng phục vụ chỉ đạo ứng phó và bảo đảm an toàn cho lực lượng phòng, chống thiên tai; tiếp tục Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà chống bão, lũ; rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu; đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực cho công tác phòng, chống thiên tai, trong đó có Quỹ phòng, chống thiên tai, bảo hiểm rủi ro thiên tai...
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chia buồn tới các gia đình có thân nhân bị thiệt mạng; chia sẻ với các chính quyền, nhân dân địa phương về thiệt hại, mất mát đợt thiên tai mưa lũ vừa qua.
Thủ tướng đánh giá cao, ghi nhận, biểu dương cấp ủy, chính quyền các địa phương, cả hệ thống chính trị đã nỗ lực cứu dân, ứng phó thiên tai, khắc phục hậu quả lũ lụt.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương vừa phải chống dịch Covid-19, vừa phải phòng, chống thiên tai, đồng thời vẫn phải triển khai công việc thường xuyên, phải nắm chắc tình hình, phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo tập trung, xuyên suốt, đặc biệt là việc vận hành các hồ chứa, xả lũ, dự báo đúng quy trình, quy định.
Thủ tướng nêu rõ, thiên tai hiện diễn biến cực đoan, khó dự báo, cho nên phải luôn đề cao cảnh giác, không lơ là, cần chủ động, tích cực, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng “4 tại chỗ”, tăng cường giáo dục ý thức cảnh giác cho người dân. Việc phối hợp, cảnh báo, dự báo phải nhịp nhàng, khoa học, không lúng túng, bị động, bất ngờ; đồng thời cần đánh giá thêm xem có chủ quan, mất cảnh giác không, nhất là vào cuối mùa mưa lũ.
Liên quan hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu khu vực, Thủ tướng yêu cầu phải rà soát hồ đập, có kịch bản chung và đặc thù cho các hồ đập. Tăng cường năng lực phòng, chống, ứng phó của các địa phương, khi có sự cố phải rất nhanh, phối hợp chặt chẽ, tránh tình trạng diễn tập suôn sẻ nhưng khi có sự cố xảy ra thì lúng túng.
Thủ tướng chỉ đạo cần bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, đề cao ý thức người dân, vấn đề ảnh hưởng mọi người dân thì phải có cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, Bên cạnh đó, người dân phải vào cuộc với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, nâng cao ý thức, đề cao cảnh giác, mỗi người dân có ý thức tự bảo vệ mình và bảo vệ người khác. Chúng ta không cương quyết một lần là dễ chủ quan, lơ là, dễ thiệt hại, nhất là liên quan tính mạng con người.
Thủ tướng chỉ đạo thời gian tới, các ngành, các địa phương tiếp tục bám sát, dự báo tình hình chính xác, kịp thời để người dân biết và chuẩn bị sẵn sàng phòng, chống thiên tai. Trước mắt, tập trung lo bảo đảm cuộc sống người dân sau mưa lũ, không để người dân bị “thiếu ăn, thiếu mặc”, “màn trời, chiếu đất”, không để dịch bệnh ảnh hưởng cuộc sống người dân, không để lũ lụt gây phát sinh dịch bệnh. Cấp ủy nắm chắc tình hình, kiểm tra, đôn đốc, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp phải bám sát dân.
Cần khắc phục nhanh hậu quả lũ lụt, nhất là vấn đề vệ sinh, xử lý môi trường cho các trường học, cơ sở y tế, thu gom xử lý rác thải, gia súc gia cầm chết… Khắc phục sự cố điện, nước, thông tin liên lạc; hỗ trợ người dân sửa chữa lại nhà cửa; khắc phục các công trình hạ tầng thiết yếu như giao thông, đi lại, hồ đập. Hỗ trợ để người dân ổn định cuộc sống và doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh. Các địa phương cần sơ kết, đánh giá, đúc rút kinh nghiệm, nhìn nhận những việc làm được, chưa làm được; giữa các địa phương cần sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả.
Về lâu dài, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án chống lũ lụt thiên tai ở miền trung, sạt lở, sụt lún ở Nam Bộ, thời tiết cực đoan ở miền núi phía bắc, từ đó có dự án cụ thể, huy động nguồn lực. Tiếp tục hoàn thiện thể chế về phòng, chống thiên tai; hoàn thiện quy trình vận hành hồ đập, vừa bảo đảm cái chung, vừa bảo đảm đặc thù từng hồ, từng thời điểm, từng khu vực. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo lũ lụt, chủ động di dời khi vùng ngập quá sâu. Hỗ trợ người dân xây nhà, kết hợp phòng, chống lụt, nâng cao năng lực dự trữ của các hồ đập; năng lực chỉ đạo điều hành tập huấn, diễn tập, khả năng thích ứng linh hoạt và ý thức; giáo dục nâng cao ý thức người dân.
Phân công nghiệm vụ cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ quyền hạn. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải rà soát lại các tuyến trọng yếu, bảo đảm hoạt động vận chuyển không bị tê liệt, vướng mắc. Bộ Y tế hướng dẫn địa phương tiêu độc, khử trùng và chống dịch. Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng địa phương rà soát lại trường học, trang thiết bị, nơi nào an toàn mở cửa sớm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo phân bổ giống, vật nuôi, cây trồng. Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn EVN khôi phục việc cấp điện cho sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo bảo đảm thông suốt liên lạc viễn thông. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các địa phương rà soát an sinh xã hội. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hỗ trợ người dân và địa phương, Bộ Công an nắm tình hình liên quan, bảo đảm an ninh trật tự. Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nâng cao chất lượng công tác dự báo thiên tai, nhất là mưa lũ ở các vùng…
Xử lý các hỗ trợ khẩn cấp, nhất là về gạo, Thủ tướng quyết định trước mắt hỗ trợ 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo.
Về tài chính, Thủ tướng yêu cầu các địa phương chủ động, Bộ Tài chính tập hợp cùng rà soát, bảo đảm an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định trên tinh thần: nếu địa phương không đủ, Trung ương sẽ hỗ trợ với phương châm tiết kiệm, hài hòa, kịp thời, đúng đối tượng và bảo đảm thực chất, phát huy hiệu quả.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải chủ động nghiên cứu đánh giá nơi nào cần di dời, cần quy hoạch lại để có phương án di dời, nhất là những nơi sạt lở.
Xuất cấp hơn 4.880 tấn gạo cho 3 tỉnh hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì dịch COVID-19 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 2044/QĐ-TTg chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 4.880,295 ... |
Dồn sức khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định cuộc sống người dân Hiện các địa phương đang chỉ đạo triển khai nhân lực và phương tiện dồn sức khắc phục thiệt hại do mưa lũ, sớm ổn ... |