Chỉ tháng sau nữa thôi là Lan đã lên xe hoa về nhà chồng. Ngôi nhà luôn đầy ắp tiếng kinh Phật, tiếng mõ đêm ngày với lời tụng niệm của bà Châu, mẹ chồng tương lai của cô, người ăn chay trường và được hàng xóm luôn ngưỡng mộ vì những chuyện làm từ thiện của bà. Ở ngôi nhà đó có Long, chàng kĩ sư xây dựng hào hoa, dễ gần gũi, “ga lăng” và luôn chăm sóc cô như trẻ con. Vậy mà…
- Con xin chuyển công tác đi. Nhà này không thể có cô con dâu công tác trong cái bệnh viện ghê gớm, nhơ bẩn ấy.
- Kìa mẹ. Mẹ cũng từng làm nhiều chuyện nhân ái, thương người. Đáng lẽ ra… mẹ…
- Không có lẽ, chẳng gì hết. Chuyện chăm sóc mấy người bị bệnh Si đa ấy đã có nhà nước quan tâm. Họ có chết cũng là do nghiệp chướng của họ gây ra. Không có lửa làm gì có khói. Hứ. Cô là bác sĩ, tương lai phía trước còn dài. Tôi nói như đinh đóng cột. Nếu cô không nghe thì gia đình nầy sẽ từ hôn. Phần sính lễ hôm trước, cô khỏi phải trả lại, xem như tôi tặng cho cô để kiếm chồng khác vậy.
Nói xong bà Châu bước vào cửa buồng nhà và đóng mạnh cánh cửa phát ra những tiếng kêu rầm rầm vì giận dỗi. Chứng kiến cuộc nói chuyện “nẩy lửa” giữa Lan và mẹ mình, Long im như thóc. Cái bản tính nhút nhát, thiếu kiên quyết, luôn vâng lời mẹ mình dù sự việc đúng hay sai từ tấm bé đến giờ đã biến anh như một con rô bốt, chỉ biết làm theo lời bà Châu răm rắp. Mà suy cho cùng, sau khi chồng mất, bà đã làm đủ mọi nghề từ rửa chén thuê đến bán hàng rong, phu khuân vác gạch để chăm chút cho đứa con trai duy nhất hoàn thành chương trình đại học.
- Em nên suy nghĩ lại lời mẹ anh nói. Tính mẹ anh là vậy. Khó lay chuyển lắm. Anh rất yêu em nhưng cũng không muốn làm mẹ anh buồn. Mẹ đã quá vất vả vì anh rồi.
- Vậy là anh quyết định từ hôn, nếu em không từ bỏ cái bệnh viện số 09 đó phải không? Giá như anh và mẹ sống ở đó chỉ một giờ thôi thì sẽ hiểu vì sao em và hàng chục cán bộ bệnh viện vẫn bám trụ dù rất vất vả, dù rất nguy hiểm, dù… dù… Dù gì đi nữa họ vẫn là con người, họ đâu phải là gỗ đá vô tri. Nói đến đó Lan bật khóc rồi tất tả ra khỏi nhà bà Châu trong tâm trạng lo lắng có, chán chường có, uất ức có.

Đã ba ngày đi qua, Lan sống trong không gian u uất, nặng nề nhưng cũng vẫn le lói tia hi vọng. Biết đâu bà Châu đã thay đổi ý định của mình. Biết đâu Long lại bứt phá ra khỏi sự yếu đuối vốn có của mình để đến với cô. Mường tượng đến cái ngày bước lên xe hoa với nụ cười rạng rỡ, Lan bật khóc và thắc thỏm đợi chờ.Tiếng chuông điện thoại di động reo lên. Cuộc gọi của Long. Lan run run cầm lấy điện thoại:- Em đây, Lan đây anh. Em nhớ anh quá. Mẹ có khỏe không? Anh có khỏe không?- Anh với mẹ đều khỏe, Lan ơi… anh… anh…- Nghe giọng nói yếu ớt, ngắt quãng liên tục và đầy vẻ ngập ngừng của Long, cô đã hiểu mọi điều tốt đẹp nhất đã chấm dứt với mình.- Anh xin lỗi em… anh… anh không thể…Âm thanh điện thoại giờ chỉ còn lại những tiếng kêu “bíp... bíp... bíp” như những tiếng búa đớn đau gõ vào trái tim người nữ bác sĩ trẻ thật nao lòng.Lan xin nghỉ làm một hôm để ổn định tinh thần sau khi báo cáo mọi chuyện với Giám đốc Tâm. Với bà Tâm, cô luôn xem bà là người mẹ thứ hai của mình. Lắm lúc Lan cũng không lí giải được một bác sĩ, một sĩ quan cao cấp như bà, một thương binh nặng như bà lại tình nguyện vào bệnh viện 09 này công tác, trong khi bà có đủ điều kiện để làm việc ở các bệnh viện “sạch sẽ” khác, hay nếu muốn thì bà cũng sẽ nhàn nhã nghỉ hưu sớm với căn phố tươm tất trong lòng thủ đô này. Vậy mà bà đã từ chối những ưu đãi của nhà nước, từ chối sự nhàn hạ, đủ đầy để đến bệnh viện “chết người” này với nụ cười thật viên mãn, đôn hậu. - Lan à. Con còn trẻ lắm. Đời còn rất dài. Thôi thì chuyển công tác đi con. Không khéo bên chồng kiên quyết từ hôn thì mất cả quãng đường hạnh phúc riêng tư của mình, sau này muốn có cũng không còn cơ hội. Bà Tâm phân trần với cái giọng thật buồn.
- Vâng. Con hiểu. Nhưng mấy ngày nay con đã suy nghĩ chín muồi rồi dì. Ai cũng chối bỏ công việc này thì những người bệnh ở đây sẽ ra sao. Họ đáng thương quá. Mình là những chiếc phao cuối cùng của họ. Không thể để mặc họ cô đơn trong cõi đời này dù phải hi sinh nhiều thứ, trong đó có hạnh phúc riêng tư. Biết đâu… Biết đâu…
- Biết đâu gì? Con nói xem.
- Biết đâu có ngày mẹ anh Long và anh ấy sẽ suy nghĩ lại, ủng hộ công việc con đang làm.
Nhìn ánh mắt kiên quyết đầy niềm tin của Lan, bà Tâm biết rằng mình sẽ không làm lay chuyển được ý chí của cô bé cá tính này. Bà im lặng nắm lấy đôi tay bé nhỏ của Lan rồi cả hai cùng bật khóc.
Cứ mỗi đêm khi đi qua khu nhà nghỉ của các bệnh nhân, Lan lại thấy thương họ nhiều quá. Nghĩ cho cùng họ cũng là bệnh nhân đang đối diện với tử thần và sẽ ra đi trong thời gian tới. Có nhiều nguyên nhân để họ nhiễm bệnh: Ăn chơi, đua đòi, trác táng, phạm tội có, vô tình bị lây nhiễm từ người thân có, sống bất cần đời có… nhưng bây giờ tất cả đã và đang chờ sự chăm sóc của những người thầy thuốc như Lan. Mình rời bỏ họ chăng? Liệu có bị lương tâm cắn rứt khi rời xa cái bệnh viện “nguy hiểm” này. Đã nhiều lần Lan nhìn thật lâu vào khuôn mặt chị Dung, một phụ nữ xưa kia vốn là gái gọi hạng sang nhất của Hà Nôi giờ đã thân tàn ma dại xương bọc da nằm co ro. Đây thằng Chung vừa mới lên năm, ba má nó đã mất hết vì căn bệnh quái ác. Nó là sản phẩm ra đời và mang bệnh vì sự vô tình của ba nó, một cán bộ nhà nước thoái hóa. Tội nghiệp mẹ nó. Một phụ nữ hiền lành hết mực chiều chồng để rồi lãnh án tử một cách tức tưởi và oan nghiệt. Kia là tướng cướp Hùng “râu” một thời oanh liệt, một đại ca có số má đất Hà thành giờ đã “gác” kiếm để sống những ngày cuối đời trong bệnh viện lặng lẽ đến nao lòng. Còn nhiều lắm. Hàng trăm bệnh nhân là hàng trăm mảnh đời sóng gió khác nhau nhưng đều đang dần tiến đến một điểm dừng cuối cùng cho cuộc đời mình và đi về thế giới bên kia. Nhìn họ đang ngủ ngon, Lan thấy thương họ nhiều quá. Họ rất cần cô và bao đồng nghiệp trong lúc cô đơn, quạnh vắng này. Nghĩ đến đó Lan lại quay về phòng và ném lá đơn xin chuyển công tác vào sọt rác với niềm tin, niềm hi vọng lớn lao.
Ngoài khoảng sân rộng của bệnh viện, bước chân của bà Tâm vẫn chậm rãi trong bóng đêm. Dáng bà liêu xiêu vì tuổi tác đã xấp xỉ năm mươi lăm nhưng già hơn rất nhiều so với tuổi tác của mình, trong đó mười năm bà đã ở đây, đã chứng kiến bao cuộc sinh li tử biệt. Bà đã vuốt mắt bao mảnh đời ra đi tại nơi này. Lực bất tòng tâm. Mỗi chiều bà lại đến thắp nhang trên các mộ phần người xấu số không có người thân lúc ra đi. Nghĩa tử là nghĩa tận mà. Thôi thì chút nhang thơm chắc cũng giúp họ thanh thản hơn, yên lòng hơn trong không gian hiu quạnh của núi rừng. Bà nhớ quay quắt khuôn mặt thằng Thanh quê Thanh Oai, tính cộc cằn nhưng ca nhạc dân ca ngọt xớt; thằng Khiển “Đống Đa” trắng phau như con gái tối ngày điện thoại di động đến “cháy máy”, con Hoa “Hà Nam” nói năng “trọ trẹ” khó nghe, tướng tá “kệch cỡm” như đàn ông nhưng cứ khóc hù hụ mỗi khi có ai trêu chọc… Mỗi đứa một quê, một người mỗi tính nết. Vậy mà vào đây thương nhau như người thân trong gia đình. Mười lăm năm làm Giám đốc Bệnh viện, bà chưa hề nhận được một lá đơn xin nghỉ việc hay chuyển công tác. Đó là niềm động viên, niềm hạnh phúc lớn nhất của bà từ trước đến giờ.
Trong bóng đêm mờ mờ sương, có một người con gái bước đi lặng thầm. Nhưng đôi chân ấy không còn nặng nề như trước. Qua những ô cửa sổ bệnh viện, đôi mắt ấy đã ánh lên những tia sáng đầy nghị lực khi nhìn thấy hàng trăm bệnh nhân đang ngủ thật ngon. Có lẽ họ đã quên đi việc lưỡi hái tử thần đã và đang đến với mình.
Trăng đêm nay sáng vành vạnh. Trên khoảng sân rộng của Bệnh viện số 09 gió thổi ào ào. Tiếng lá cây kêu rào rào như những nốt nhạc lặng thầm cùng thời gian. Tiếng người ca sĩ nào đó đang hát thật khoan thai, nhẹ nhàng, sâu lắng giữa màn đêm đang mờ dần bởi những lớp sương mù”… Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ để dành phần ai. Xin hát về bạn bè tôi những người sống vì mọi người…”.
Truyện ngắn của TÔ PHỤC HƯNG