Lễ hội được tổ chức ngoài trời, trên một thửa ruộng (Tồng) hay khu đất rộng, bằng phẳng. Phần lễ trong Hội Lồng Tồng rất thiêng liêng và quan trọng trong ngày đầu năm mới nên mọi người trong thôn, bản đều tham gia. Mỗi thôn, bản phải chuẩn bị một mâm lễ vật gồm thịt lợn, gà, xôi ngũ sắc, các loại bánh làm từ ngũ cốc… là thành quả của một năm lao động để cảm tạ trời đất, thánh thần, các vị tiền nhân phù hộ cho mùa màng bội thu, cuộc sống an khang, thuận lợi.
Ngoài mâm cỗ của các thôn còn có một mâm cỗ lớn gọi là “Pan cộ” có nghĩa là mâm cỗ “cái” gồm có một con lợn đã mổ bỏ nội tạng nhưng chưa nấu chín, 3 bát hương, hai đĩa xôi, 15 chiếc chén, 12 đôi đũa, một mâm lễ gồm một cuộn vải Thái, ba đĩa lá trầu không, vòng cổ, vòng tay... Sau nghi thức tế lễ, thầy cúng cầm nắm thóc vãi xuống đất và rẩy ít nước lên trời, khấn cầu mong cuộc sống no đủ, bình an, hạnh phúc. Vị chủ lễ dâng hương kính cáo các vị thần rồi mắc ách vào con trâu mộng, xuống đồng cày sá đầu năm, mở đầu cho vụ mùa trồng cấy. Con lợn ở mâm cỗ "cái" được chia đều cho các thôn, tượng trưng cho phát lộc đến mọi người dân.
Phần hội là các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thi đấu các môn thể thao dân tộc truyền thống như: Bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, đánh yến, múa xòe, hát khắp… thu hút hàng trăm người tham gia.
Người Thái Mường Lò có câu “Không xòe không tốt lúa, không xoè thóc cạn bồ, không xòe trai gái không thành đôi”. Vì vậy, Lễ hội Lồng Tồng không thể thiếu các điệu xòe, trong đó có 6 điệu xòe cổ, được các nghệ nhân coi là hồn cốt của đất Mường Lò, khởi nguồn của 36 điệu xòe khác. Đó là Khắm khen (tức Nắm tay nhau), Ðổn hôn (Bước tiến lùi), Phá xí (Bố bốn), Nhôm khăn (Tung khăn), Khắm khăn mơi lảu (Nâng khăn mời rượu); Ỏm lọm tốp mư (Vỗ tay đi vòng tròn). Năm 2013, tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, 6 điệu xòe cổ này được dàn dựng với sự tham gia của 2013 người, làm nên màn đại xòe cổ xác lập kỉ lục Việt Nam.

Trong Lễ hội Lồng Tồng, đồng bào Thái cũng rất say mê hát đối, hát nối bằng các làn điệu khắp (hát, hò, ngâm thơ). Khắp được hát trong hầu hết các hoàn cảnh với các làn điệu như: Khắp sài peng (hát tình tự); khắp páy căn (hát chia tay); khắp chiêu (hò); khắp lồng tồng (hát xuống đồng); khắp báo sao (hát giao duyên).... Trong Lễ hội, trai gái Thái hát khắp giao duyên thể hiện tài đối đáp để giao lưu, kết bạn, tỏ tình…
Điểm cuốn hút của Lễ hội Lồng Tồng còn là các trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống như: Kéo co, đu quay, đẩy gậy... và điển hình là ném còn. Đây là nét văn hoá truyền thống mô phỏng việc tung các bó mạ khi canh tác lúa nước của đồng bào Thái. Quả còn tiếng Thái gọi là “Cón cuống”, là biểu tượng mang lại niềm tin, sự phồn thịnh, hạnh phúc. Quả còn to bằng quả cam lớn, hình tròn với hoa văn nhiều mầu sắc tượng trưng cho vũ trụ. Bên trong quả còn nhồi hạt thóc, hạt bông, hạt vừng, hạt cải, hạt đỗ... thể hiện khát vọng sinh tồn, sinh sôi. Dây còn dài khoảng 50cm làm bằng vải bền chắc. Quả còn có tua rua bốn góc tượng trưng cho bốn phương trời, tua rua ở cuối dây còn và dưới quả còn là thiên địa. Quả còn càng có nhiều tua rua, nhiều sắc màu càng đẹp, càng đem lại may mắn, hạnh phúc và thịnh vượng.
Có hai cách tung còn, một là ném còn qua vòng treo trên cột (cây nêu) thì được coi là thắng cuộc, tài giỏi và may mắn cả một năm. Hai là chia làm hai tốp nam, nữ hoặc cả nam nữ tung còn cho nhau. Quả còn mang theo tua rua ngũ sắc bay vút lên trông rất đẹp mắt. Bên ném, bên bắt, những quả còn lên xuống nhịp nhàng, hòa trong tiếng hò reo cổ vũ, tạo nên không khí vui tươi, nhộn nhịp. Đây cũng là dịp các đôi trai gái giao duyên, gửi gắm tình cảm cho nhau qua quả còn. Chàng trai thích cô gái nào thì tung còn cho người đó, rồi trao cho nhau những vật kỉ niệm để làm niềm tin. Từ những hội chơi còn ngày Xuân, bao đôi trai gái bén duyên nên vợ, nên chồng, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Trò chơi ném còn trong lễ hội
Lễ hội Lồng Tồng là một trong những lễ hội quan trọng bậc nhất hằng năm của đồng bào Thái Mường Lò, nhưng gần đây có địa phương 2, 3 năm hoặc hơn mới tổ chức một lần. Gần Tết năm ngoái, tôi có dịp qua xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn - nơi có giống nếp Tan Lả đặc sản của người Thái Mường Lò. Hỏi ông Hoàng Văn Ô, Chủ tịch Hội NCT xã về Lễ hội Lồng Tồng, ông bảo, ngày xưa Lễ hội thường kéo dài từ mồng 4 Tết đến Rằm tháng Giêng. Nay tổ chức đơn giản, ngắn gọn hơn nên chỉ diễn ra trong ngày Rằm tháng Giêng và 5 năm mới tổ chức một lần.
Nghe ông Ô nói, tôi ngẫm nghĩ, năm 2015 Mường Lò vừa tổ chức Lễ hội, vậy là đến năm 2020 mới có Lễ hội Lồng Tồng tiếp theo. 5 năm mới “xuống đồng” một lần, kể ra thì cũng tiết kiệm được thời gian, tiền bạc, nhưng sao vẫn cứ thấy tiêng tiếc.
Văn Minh