Du lịch Bình Thuận: Lộ trình xanh hóa đến phát triển bền vững

Văn hóa - Thể thao 16/03/2023 11:40
![]() |
Họa sĩ Nguyến Cát Tường (1912 - 1946). |
Theo các tài liệu, tà áo dài Việt Nam có lịch sử hàng nghìn năm. Đến nay chưa có nghiên cứu nào khẳng định chính xác thời điểm xuất hiện, nhưng rõ nét nhất áo dài bắt nguồn từ khoảng năm 1744, gọi là áo giao lĩnh. Áo may rộng, xẻ hai bên hông, cổ tay rộng, thân dài chấm gót. Sau đó áo giao lĩnh được cải tiến, nhằm tiện lợi hơn trong lao động của người phụ nữ, áo được may rời hai tà trước để dễ buộc vào với nhau, hai tà sau may liền thành vạt áo gọi là áo tứ thân. Đến thời vua Gia Long, áo tứ thân được may thêm một tà nhỏ ở phía trước, như một lớp lót kín đáo, nên gọi là áo ngũ thân. Thời này, giới quý tộc thường mặc áo ngũ thân để phân biệt với người dân lao động. Áo may theo phom rộng, có cổ, thịnh hành tới đầu thế kỉ XX.
Đến năm 1939, họa sĩ tài hoa Nguyễn Cát Tường dựa vào mẫu áo ngũ thân sáng tạo ra mẫu áo dài mới, đặt tên là áo dài Lemur. Áo chỉ có hai vạt trước và sau, vạt trước dài chấm đất, may ôm sát cơ thể, tay và cổ có viền nhỏ, khuy áo được mở sang hai bên sườn, nhằm nhấn thêm vẻ nữ tính. Kiểu áo này thịnh hành đến năm 1943 thì bị lãng quên.
Sau áo dài Lemur, họa sĩ Lê Phổ cải tiến, kết hợp với áo tứ thân thành kiểu áo dài mới, gọi là áo dài Lê Phổ. Kiểu áo này được thu gọn kích thước để ôm khít thân hình người phụ nữ Việt Nam, đẩy cầu vai lên cao, kéo dài tà áo chạm đất, đem đến phong cách mới mẻ. Từ thời điểm này đến những năm 1950, phong cách áo dài Việt Nam trở nên nổi tiếng trong truyền thống nước nhà.
![]() |
Tranh vẽ bà Nguyễn Thị Nội và cô con gái đầu lòng. (ảnh IT) |
Xuất hiện vào đầu những năm 1960, áo dài Raglan do nhà may Dung ở Đakao, Sài Gòn sáng tạo. Điểm khác biệt lớn nhất của áo dài Raglan là áo ôm khít cơ thể hơn, cách nối tay từ cổ chéo xuống góc 45 độ, giúp người mặc thoải mái, linh hoạt hơn, hai tà áo nối với nhau bằng hàng cúc bấm bên hông.
Từ thập niên 1970 đến nay, áo dài Việt Nam liên tục được cải tiến, với nhiều mẫu mã, ngày càng hoàn thiện hơn. Áo dài Việt Nam giúp chị em phụ nữ nước ta tôn được nét uyển chuyển, gợi cảm, mà kín đáo không loại trang phục nào có được.
Người họa sĩ tài hoa và mối lương duyên kì lạ
Đó là họa sĩ Nguyễn Cát Tường sinh năm 1912 tại Sơn Tây (nay thuộc TP Hà Nội). Năm 1928 ông trúng tuyển vào Trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương. Sau khi tốt nghiệp, ông cộng tác cho báo Phong Hóa, do nhà văn Nhất Linh làm chủ biên. Nhận thấy khả năng của ông và để tư vấn làm đẹp cho phái nữ, nên nhà văn Nhất Linh mở thêm chuyên mục “Vẻ đẹp riêng tặng các bà, các cô”, giao cho họa sĩ Cát Tường đảm nhiệm, vừa viết bài, vừa vẽ kiểu thời trang.
Sau 4 số báo phân tích về trang phục phụ nữ Việt Nam, họa sĩ Cát Tường nhấn mạnh: “Quần áo tuy dùng để che thân thể, nhưng nó có thể như tấm gương phản chiếu trình độ tri thức của một nước. Bộ quần áo rồi sẽ phải như thế nào? Trước hết, phải hợp với khí hậu nước ta, với thời tiết các mùa, với công việc, với khuôn khổ, với mực thước của thân hình mỗi bạn. Sau nữa, nó phải gọn gàng, giản dị, mạnh mẽ và có vẻ thẩm mĩ, lịch sự. Nhưng dù thế nào, nó cũng phải có tính cách riêng của nước nhà mới được. Các bạn là phụ nữ Việt Nam, vậy áo của các bạn phải có một vẻ riêng, để người khác khỏi nhầm các bạn là phụ nữ nước ngoài…”.
Vậy là ý tưởng về tà áo dài Việt Nam ra đời. Trên báo Phong Hóa số 90 ra ngày 23/3/1934, bản vẽ chiếc áo dài đầu tiên được họa sĩ Cát Tường công bố, lấy tên là áo dài Lemur. Để áo dài Lemur ra với đời sống, họa sĩ hợp tác với hiệu may Cử Chung, ở số 100 phố Hàng Bông cùng hiệu may Phạm Tá, ở số 23 phố Bờ Hồ, TP Hà Nội. Đích thân họa sĩ Cát Tường tìm những phụ liệu nhằm tăng thêm sức hấp dẫn cho chiếc áo dài Việt Nam. Khi đi tìm phụ liệu, họa sĩ Cát Tường có quan hệ khách hàng với một ông chủ xưởng dệt ren ở Bắc Ninh.
Một lần ông với ông chủ xưởng dệt ren hẹn gặp nhau ở ga Hàng Cỏ. Nhưng khi chuyến tàu Bắc Ninh - Hà Nội vào ga, họa sĩ Cát Tường không gặp được ông chủ xưởng dệt ren, mà bất ngờ nhìn thấy một cô gái đi ngang. Cô gái để mặt mộc, trên đầu chít khăn xô đại tang, nhưng nhan sắc thì khiến họa sĩ ngơ ngẩn. Ông chạy theo và tìm hiểu thì được biết, cô gái ấy tên Nội, cũng ở Bắc Ninh và là con gái một chủ xưởng dệt ren vừa qua đời. Lúc đó họa sĩ Cát Tường không nghĩ rằng, đó chính là con ông chủ xưởng dệt ren mà ông vẫn đặt hàng và cũng không nghĩ đó là người vợ hiền của ông sau này.
Lòng si mê cô gái đẹp khiến họa sĩ tìm mọi cách tiếp cận. Ông làm quen với người phu kéo xe của cô để nhờ đưa thư hẹn hò. Sau nhiều lần thư đi, thư lại và mất không ít bạc cho người kéo xe, một hôm ông nhận được thông báo rằng, cô gái hẹn gặp ông vào chuyến tàu Bắc Ninh - Hà Nội dịp cuối tuần. Đúng hẹn, họa sĩ chưng diện bảnh bao, đứng đợi cô gái ở ga Hàng Cỏ. Cô Nội xuống tàu với hai chiếc va li to. Họa sĩ nhào đến cúi chào rất điệu đàng. Cô Nội hơi ngơ ngác, nhưng không tỏ thái độ gì.
Họa sĩ tỏ ra ga lăng, xăng xái nhấc bổng hai chiếc va li lên và lẽo đẽo theo cô gái. Ra khỏi cổng ga, cô gái đi thẳng vào đồn cảnh sát, họa sĩ cũng xách va li vào theo. Thật bất ngờ, cô gái tổ giác với cảnh sát: “Ông này có ý đồ lấy cắp hai cái va li của tôi”. Họa sĩ không biết lấy gì để thanh minh, bèn lôi mấy lá thư của cô Nội mà ông lúc nào cũng mang bên mình, để chứng minh hai người có mối quan hệ với nhau. Thế nhưng cô Nội chối phăng, mượn giấy bút của cảnh sát để viết chữ so sánh, chứng minh những lá thư đó không phải của cô, bằng nét chữ hoa mĩ gấp nhiều lần chữ trong những bức thư mà họa sĩ nhận được.
Cô Nội nhận lại hai cái va li đi mất, còn họa sĩ Cát Tường phải ngồi đồn cảnh sát tường trình sự việc, chờ người của báo Phong Hóa đến bảo lãnh. Nhờ có uy tín và là nhân vật có quyền lực, nhà văn Nhất Linh bảo lãnh được cho họa sĩ Cát Tường khỏi vòng lao lí. Bấy giờ mới vỡ lẽ, người kéo xe muốn giữ mối để nhận tiền, nên tự bịa ra những bức thư, nói là của cô Nội. Sau đó họa sĩ Cát Tường còn vướng vụ kiện, với lỗi vu vạ cho cô Nội “viết thư cho trai”. Họa sĩ thua kiện và phải “bồi thường một đồng danh dự” cho cô.
Thế rồi, họa sĩ Cát Tường được vợ ông chủ xưởng dệt quá cố mời xuống Bắc Ninh trong một thương vụ mới. Cô gái thay mẹ ra rót trà mời khách lại chính là cô Nội. Oan gia được gỡ, bà quả phụ không những không trách, mà còn ngỏ ý muốn gả con gái cho chàng họa sĩ tài danh. Cuối năm 1936, sau khi mãn tang cha, cô Nguyễn Thị Nội xuất giá, trở thành phu nhân của họa sĩ Nguyễn Cát Tường. Đám cưới được tổ chức tưng bừng ở Bắc Ninh. Trong ngày vu quy, cô dâu mặc chiếc áo dài do đích thân tân lang thiết kế.
Vốn có gien kinh doanh, bà Nguyễn Thị Nội giúp chồng phát triển thương hiệu áo dài Lemur. Hiệu may Lemur với đặc sản áo dài mở tại số 16 phố Lê Lợi, nổi tiếng một thời. Bà không chỉ khéo léo chiều chuộng khách hàng, mà còn là người mẫu thuyết phục nhất để người ta yêu thích chiếc áo dài. Cũng nhờ đó, họa sĩ Cát Tường thêm cảm hứng, sáng tạo rất nhiều mẫu áo dài, in thành cuốn sách “50 mẫu y phục phụ nữ Lemur”. Năm 1939, hiệu may Lemur chuyển về số 14 phố Hàng Da. Tại địa chỉ này, bà Nội còn mở phòng trà Thiên Hương, quy tụ những nghệ sĩ lừng lẫy nhất thủ đô hội ngộ. Bà sinh hạ cho họa sĩ Cát Tường 5 người con, 3 trai 2 gái.
Ngày 17/12/1946, họa sĩ Nguyễn Cát Tường qua đời, hiệu may Lemur cũng đóng cửa. Sau năm 1954, bà Nguyễn Thị Nội đưa gia đình vào Sài Gòn, một mình làm lụng nuôi các con khôn lớn.