Lao động việc làm tại TP Hồ Chí Minh sau Tết Nguyên đán và ảnh hưởng dịch Covid-19 diễn biến ra sao?
Tin tức 20/02/2021 08:42
Thông thường, sau Tết Nguyên đán tình hình lao động việc làm thường có sự thay đổi, xáo trộn do tâm lý nhảy việc hoặc thay đổi nơi sinh sống, ngoài các tác động trên, năm nay còn bị tác động mạnh bởi dịch Covid – 19. Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tịn thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn ra, dự kiến nhu cầu nhân lực ở thành phố Hồ Chí Minh, năm 2021 cần khoảng 270.000 – 300.000 chỗ làm việc, trong đó có 140.000 chỗ việc làm mới. Nhu cầu đó tập trung ở các ngành: Kinh doanh - thương mại chiếm 20,16%, điện tử - công nghệ thông tin chiếm 10,96%; dịch vụ - phục vụ chiếm 7,25%, cơ khí - tự động hóa chiếm 5,60%, vận tải - kho bãi – dịch vụ cảng chiếm 5,41%, dịch vụ cá nhân – chăm sóc sức khỏe và y tế chiếm 5,37%, dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng chiếm 4,13%, dệt may – giày da chiếm 3,61%, kinh doanh tài sản - bất động sản chiếm 3,24%, tài chính - tín dụng - ngân hàng chiếm 3,75%, kế toán - kiểm toán chiếm 3,15%, du lịch - nhà hàng - khách sạn chiếm 2,86%.
Sau Tết Nguyên đán 2021, một số doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn có nhu cầu tuyển dụng lao động |
Như thường lệ, sau Tết Nguyên đán để bù đắp vào tình trạng nhảy việc hoặc phục vị cho kế hoạch sản xuất kinh doanh mới, nhiều doanh nghiệp đã có phương án và nhu cầu tuyển dụng lao động mới. Năm nay cũng không ngoại lệ, thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh đã “nóng” lên ít nhiều sau dịp nghỉ Tết. Ngay những ngày sau Tết, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp đã có thông báo tuyển dụng lao động cho nhiều vị trí công việc từ lao động phổ thông đến lao động đã qua đào tạo cho nhiều ngành nghề như: Công nhân may, thợ hàn, điện, điện tử, tài chính, tín dụng,…
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực lao động việc làm thì năm nay do tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19 nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp đã có sự cẩn trọng và thăm dò hơn. Nếu như các năm trước việc tuyển dụng cần có chính sách “màu mỡ” để thu hút hoặc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với nhau để đảm bảo số lượng lao động thì năm nay tuyển dụng lao động đã có chiều hướng khác. Bên cạnh việc lưu ý về thông tin y tế đối với lao động tuyển mới thì doanh nghiệp cũng đặc biệt quan tâm đến sự tính toán và dự báo rủi ro xảy ra khi sử dụng lao động.
Tổng Giám đốc Công ty Giày da DT, cho biết, thông thường các năm trước, sau dịp nghỉ Tết chỉ cần cân đối lao động đã nghỉ, lao động bù đắp mới để đưa ra chính sách tuyển dụng thì trong năm nay việc tuyển dụng đã đau đầu hơn. Đơn hàng phập phù, nguồn vốn đầu tư sản xuất kinh doanh không ổn định đang khiến cho doanh nghiệp thiếu tự tin trong xây dựng kế hoạch và chính sách sử dụng lao động, nhất là lao động phục vụ sản xuất, kinh doanh dài hạn.
Thực tế, trong năm 2020, trước tác động của dịch Covid – 19, nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp sản xuất, thậm chí là ngưng hoạt động hoặc giải thể. Điều này đang tác động không nhỏ đến công tác tuyển dụng và sắp xếp lao động.
Dịch Covid -19 đang tác dộng không nhỏ tới việc làm của người lao động |
Kết quả khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tịn thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh, năm 2020 có 35,59% doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động dưới 1 tháng là 24,92%, từ 1 đến dưới 2 tháng là 31,46%, từ 2 đến dưới 3 tháng là 20,57%, từ 3 tháng trở lên là 23,05%. Bên cạnh đó, doanh nghiệp thành lập mới giảm trong thời gian gần đây cũng đã ảnh hưởng đến thị trường lao động việc làm. Tính đến ngày 15/11/2020, thành phố Hồ Chí Minh đã cấp phép 36.650 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 938.498 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số giấy phép đã giảm 8,1%.
Mặc dù chịu tác động và có nhiều thay đổi từ dịch Covid-19 nhưng theo ông Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu nhân lực quý I/2021 cần khoảng 70.000 – 75.000 chỗ làm việc, tập trung ở các ngành kinh doanh - thương mại, dịch vụ phục vụ, dệt may - giày da, chế biến thực phẩm, hóa chất – nhựa – cao su, dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng, vận tải – kho bãi – dịch vụ cảng, công nghệ thông tin, du lịch – nhà hàng – khách sạn...
Cũng theo ông Đỗ Thanh Vân nhu cầu tìm việc ở lao động có kinh nghiệm chiếm khoảng 78 %, tập trung ở các công việc như: kinh doanh, bán hàng, tiếp thị; kế toán, thu mua, kỹ thuật cơ khí, xây dựng, điện và điện tử, quản lý bán hàng, nhân viên văn phòng…Đặc biệt, đối với vị trí quản lý trong các lĩnh vực như: Giám đốc kinh doanh; quản lý kỹ thuật cơ điện; kế toán trưởng; bếp trưởng; chỉ huy trưởng công trình; giám sát kinh doanh; trưởng phòng quản lý chất lượng…