Làng nghề Đa Hội: Sử dụng hệ thống điện cũ kỹ, những tờ hóa đơn tiền điện không tưởng
Xã hội 27/09/2020 09:11
Sẵn sàng cắt điện nếu không nộp tiền
Lâu nay ở làng nghề sắt thép Đa Hội đã được nhiều người biết đến bởi sự giàu có. Thế nhưng người dân ở đây nhiều năm qua vẫn phải cắn răng chịu đựng việc sử dụng điện kém chất lượng.
Theo phản ánh, do hệ thống dây điện, trạm biến áp cũ dẫn đến tình trạng chất lượng kém, tiền điện bị đội lên rất cao.
Ông Phạm Đức Bình (xóm 3, thôn Đa Hội) cất rất cẩn thận những tờ phiếu thông báo tiền điện trong tủ. Đó là những tờ giấy không có dấu đỏ, chỉ ghi số tiền điện mà gia đình phải nộp. Tờ hóa đơn gần nhất mà gia đình ông Bình phải đóng là vào tháng 7/2020 hơn 4 triệu đồng. Sang tháng 8/2020, số tiền phải đóng là 4,6 triệu đồng.
Những tờ giấy báo tiền điện khiến người dân Đa Hội phải sững sờ. |
Ông Bình bức xúc: “Nhà tôi có 4 người lớn, 2 thằng con trai đi làm cả ngày, tối có về và bật điều hòa. Hai vợ chồng già ở nhà thì cũng chỉ phe phẩy cái quạt, thiết bị điện trong nhà cũng không quá đặc biệt. Tháng nào vợ chồng tôi cũng giật mình khi nhìn hóa đơn điện. Tiền điện còn cao hơn cả chi phí tiền ăn cho cả nhà 1 tháng đấy”.
Theo như người dân Đa Hội phản ánh, dù tiền điện cao ngất ngưởng nhưng không ai dám khất nợ. Bởi, những người cai thầu điện tại đây sẵn sàng cắt điện sinh hoạt.
Nói đến đây ông Bình buồn bã: “Thực sự là nó quá cao, nhiều lần gia đình tôi phải xin đóng tiền điện làm 2 lần trong 1 tháng đó. Tôi cũng không hiểu vì lý do gì mà tiền điện tháng nào cũng cao vậy, có lẽ là do chất lượng của hệ thống tại đây quá cũ. Chúng tôi tha thiết mong cơ quan chức năng có phương án xử lý để nhân dân chúng tôi không phải thiệt thòi”.
Ông Bình rất mong cơ quan chức năng có phương án xử lý để nhân dân Đa Hội không phải chịu thiệt thòi. |
Cùng chung bức xúc với ông Bình là ông Lưu Quang Ánh (xóm Tây Trúc, khu phố Đa Hội). Theo như phản ánh của ông Ánh, gia đình ông có 3 phòng ngủ, 2 cháu nhỏ 5 người lớn. Thế nhưng tiền điện lên đến 4,6 triệu đồng/tháng.
“Thực sự là quá cao, nhưng bây giờ điện quan trọng, ảnh hưởng đến toàn bộ sinh hoạt của người dân. Không ai ở đây là cưỡng lại được với tổ điện, nếu không họ sẽ cắt. Dù thế nào thì chúng tôi cũng đều phải chấp nhận, cố gắng chịu đựng. Họ bán điện độc quyền như thế, không mua được ở nơi nào khác” – Ông Ánh bức xúc.
Bà Nguyễn Thị M. (xin được giấu tên) là một trong những hộ gia đình phải đóng tiền điện cao kỷ lục ở Đa Hội. Hóa đơn điện nhà bà M. lúc nào cũng trong khoảng từ 8 đến 9 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, bà M cho hay: “Gần đây tôi không phải đóng đúng con số mà hóa đơn báo. Bởi tôi có thừa hiểu biết và lý lẽ để đấu tranh, buộc họ phải giảm tiền điện cho tôi”.
Khi được hỏi vì sao không truyền lại “kinh nghiệm đấu tranh” đó cho họ hàng hay những người xung quanh thì bà M lại bức xúc: “Tôi có gì mà phải bí mật đâu. Rất nhiều lần tôi khuyên anh em, họ hàng mình là đấu tranh đi, làm như tôi thì họ bảo thôi. Vấn đề là họ dĩ hòa vi quý, không muốn gây mâu thuẫn. Họ bảo thôi cứ đóng cho xong. Nhưng họ không hiểu một điều là việc này không phải diễn ra ngày một ngày hai, 1 tháng, 2 tháng mà nó diễn ra nhiều năm nay nên không thể tặc lưỡi được”.
Mất an toàn!
Theo quan sát của phóng viên, hệ thống dây điện tại Đa Hội vẫn là dây trần không được bọc. Nguy hiểm hơn, tại Đa Hội đa số là nhà cao tầng, việc tồn tại dây điện trần quanh nhà là vô cùng nguy hiểm.
Cách đây không lâu, trong khu phố Đa Hội đã xảy ra một vụ điện giật chết người. Nguyên nhân dẫn đến cái chết là do trong lúc làm việc, người thợ không may chọc thanh sắt vào đường dây trần.
Rất nhiều người dân cho hay, khi đến mùa mưa bão là liên tục xảy ra mất điện, thậm chí cháy nổ tại một số cột điện.
Ông Bình cho biết: “Những ngày mưa bão, sấm chớp là người dân rất sợ và không dám ra khỏi nhà. Việc cháy, chập điện thường xuyên diễn ra. Còn chuyện mất điện là thường xuyên, có hôm mất từ sáng đến đêm mới có, khi có lại sáng choang lên rồi lại vụt tắt. Tôi nghĩ hệ thống điện ở khu vực này quá cũ nên mới xảy ra hiện tượng này”.
Hệ thống dây điện tại Đa Hội rất rối, những đường điện chính vẫn là dây trần tồn tại 30 năm nay. |
Để tìm hiểu nguồn gốc hệ thống điện của khu phố Đa Hội, chúng tôi đã gặp và trao đổi với ông Lưu Quang Toàn, người đặt nền móng cho hệ thống điện từ những năm 90. Ông Toàn cho hay: “Hệ thống điện tại đây là do HTX quản láy, khởi điểm chỉ có 1 biến thế 560KVA. Lúc đó chúng tôi bỏ tiền ra đầu tư và xin ý kiến của lãnh đạo đảng ủy và hợp tác xã. Do thấy tình hình phát triển kinh tế khó khăn và dân lại nghèo quá, khi ấy tôi với ông Việt có trong tay một số tiền vốn nhất định nên đã quyết định bỏ ra xây dựng 1 trạm biến áp với tinh thần “HTX và xã viên cùng làm”. Ngoài biến thế mới 560KVA của chúng tôi thì Đa Hội còn thêm 1 biến thế 190 của ông chủ nhiệm cũ. Tuy nhiên, một thời gian sau khi nhân dân dùng nhiều, trạm biến thế 190KVA đã bị quá tải và cháy. Sau đó ông Nguyễn Thái Hoà cũng đã xin được thành lập thêm 1 tổ điện nữa”.
Theo lời ông Toàn, sau khi làm một thời gian, nhận thấy có nhiều thứ bất đồng nên ông đã xin rút lui. Lúc này HTX có tất cả 3 trạm điện: 1 trạm của bà Lam và ông Hoà, 1 trạm của HTX và 1 trạm của ông Việt. Và cả 3 trạm điện này đều do HTX quản lý. Tuy nhiên quản lý dưới hình thức giá điện là do Uỷ ban quyết định, trạm điện tư nhân phải nộp vào HTX 5%.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Bí thư Đảng ủy phường Châu Khê cho biết: “Thực tế chính quyền phường Châu Khê chưa từng nhận được lá đơn kiến nghị nào từ nhân dân. Tuy nhiên khi chúng tôi biết có thông tin về việc này thì lãnh đạo phường cũng đã cho người xuống kiểm tra, xác minh. Đồng thời gọi cả những người bán điện lên để hỏi thì nhận được câu trả lời là giá điện không cao hơn giá điện nhà nước.Còn về chất lượng của hệ thống điện tại Đa Hội thì chúng tôi không thể biết được. Phải do ngành điện lực đánh giá”.
Ngày mới Online sẽ tiếp tục thông tin sự việc.