Kiên quyết loại bỏ “hành vi” lệch chuẩn của nghệ sĩ
Xã hội 05/07/2024 14:54
Những vụ việc gây ồn ào dư luận và cộng đồng mạng thời gian qua liên quan đến câu chuyện nghệ sĩ làm từ thiện, quảng cáo sản phẩm sai mục đích, gây hậu quả cho người tiêu dùng; nghệ sĩ sa vào tệ nạn xã hội, công kích lẫn nhau… đang làm “ô nhiễm” không gian mạng xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lí tiếp nhận, tư tưởng, tình cảm của công chúng.
Thế nhưng sau khi vướng vào bê bối, người vi phạm chỉ cần lên tiếng xin lỗi, giữ im lặng một thời gian ngắn rồi tái xuất, hoạt động trở lại như chưa từng có chuyện gì xảy ra có vẻ đã trở thành thói quen dung túng cho những hành vi lệch chuẩn về đạo đức, ỷ lại vào sự bao dung, dễ dãi của khán giả.
Để loại bỏ những hành vi lệch chuẩn nêu trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Trong đó nhấn mạnh đến hành vi ứng xử là những phát ngôn, tác phong, lối sống, sử dụng trang phục của nghệ sĩ. Quy tắc được ban hành với tinh thần “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực; góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật luôn phải đặt lợi ích của dân tộc, quốc gia lên trên hết, trước hết; trọng danh dự, đề cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật. Trên báo chí, truyền thông và không gian mạng, người hoạt động nghệ thuật phải cung cấp thông tin chính xác, tin cậy; không sử dụng từ ngữ gây mâu thuẫn, xung đột, phân biệt vùng, miền, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo; không sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh phản cảm, trái thuần phong mĩ tục.
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Quyết định số 512/QĐ-BTTTT về Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021-2025. Theo đó, từ tháng 10/2023, nghệ sĩ và người có tầm ảnh hưởng vi phạm pháp luật, hoạt động trái thuần phong mĩ tục, gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội sẽ bị hạn chế các hoạt động: Phát sóng, biểu diễn, quảng cáo.
Thiết nghĩ, có thể lấy ví dụ thực tế ở một số quốc gia như tại Hàn Quốc, những ngôi sao vướng bê bối sẽ bị nhãn hàng tẩy chay, truyền hình cấm sóng, khán giả chỉ trích và rất khó lòng chinh phục lại họ một lần nữa. Tương tự tại Trung Quốc, ngôi sao vi phạm quy định pháp luật sẽ phải đối mặt sự nghiệp bị chôn vùi và rời khỏi làng giải trí… Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, đã đến lúc khán giả Việt Nam cũng cần tỏ thái độ cương quyết hơn với những nghệ sĩ vướng bê bối, có hành vi lệch chuẩn; qua đó, giúp họ có nhận thức đúng đắn về việc phải cống hiến cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật của dân tộc.
Hơn thế, nếu muốn có chỗ đứng trong lòng khán giả, mỗi nghệ sĩ phải lấy chân - thiện - mĩ làm mục tiêu, động lực để lan tỏa các giá trị nhân văn, những việc làm tốt, hình ảnh đẹp, hành vi ứng xử văn hóa văn minh trong cộng đồng xã hội.