Nữ Bí thư cao tuổi tận tâm, gương mẫu

Phát huy vai trò NCT 12/03/2025 09:37
Cụ Toàn kết hôn với cụ Đặng Xuân Kiểm ở cùng làng, cũng là một thanh niên ưu tú được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi mới 20 tuổi. Năm 1965, nghe tiếng gọi của non sông, cụ Kiểm viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Đầu năm 1966, cụ được nghỉ phép ít ngày rồi cùng đơn vị vào miền Nam chiến đấu, để lại người vợ trẻ và một con thơ. Cụ Toàn ở nhà tiếp tục làm công tác đoàn đội và dạy học, hằng ngày ra lớp, lấy học sinh và bạn bè đồng nghiệp làm nguồn vui, hết ngày lại về cùng với mẹ già và con dại. Trước khi lên đường vào Nam chiến đấu, hai cụ cùng hứa hẹn với nhau, chồng đi chiến đấu lập công, vợ ở nhà nuôi con dạy học, cùng nhau giao ước thi đua, thường xuyên viết thư cho nhau để động viên lẫn nhau hoàn thành nhiệm vụ.
Bà Toàn ngồi tâm sự: “Tôi vừa dạy học vừa nuôi con, được may mắn là có mẹ chồng giúp đỡ, hằng ngày chỉ mong nhận được thư chồng gửi về. Mỗi khi nhận được thư anh, trong lòng tôi phấn khởi, yên tâm công tác tôi lại mang thư về, nói khoe với mẹ và bà con nội ngoại, được mọi người vui cùng niềm vui với tôi.
![]() |
Cụ Bùi Thị Toàn |
Thế rồi một ngày, tôi nghe tin của một người trong Nam ra Bắc nói chồng tôi đã hi sinh. Tôi mong tin đó sẽ không phải sự thực. Nhưng phũ phàng thay tin đó đã thành sự thật, chồng tôi hi sinh ngày 15/4/1970, tại chiến trường miền Nam. Khi nghe tin dữ này người tôi qụy xuống, trời đất tối sầm, tôi không còn biết gì nữa, mẹ chồng tôi cũng đau đớn như cắt từng khúc ruột, mọi người đỡ tôi dậy. Mẹ tôi cố gắng tỏ ra cứng cỏi động viên tôi: “Trong chiến đấu phải có hi sinh mất mát, con cố nguôi đi để còn công tác và nuôi con”. Thế là sau một vài tuần tôi đã đứng dậy, được cơ quan, đồng nghiệp giúp đỡ, tôi lại tiếp tục công tác. Một tháng sau vào đầu tháng 6/1970, mới có giấy báo tử của đơn vị gửi về xã, một đoàn cán bộ Huyện đội và chính quyền đoàn thể xã đến nhà trao giấy báo tử của chồng tôi và tổ chức truy điệu tại gia đình.
Chồng tôi hi sinh đã được 3 năm, mẹ chồng tôi nói: “Con ơi bây giờ con còn đầu xanh tuổi trẻ, cháu đã lớn một chút để mẹ và gia đình nuôi cháu ăn học, con hãy đi bước nữa để có tương lai hạnh phúc cho mình”. Mẹ tôi nói xong, mà tôi cứ giàn giụa nước mắt không nói được lên lời, rồi tôi nói được câu con cảm ơn mẹ cho phép, con bây giờ không nghĩ được gì nữa, rồi mọi người và bạn bè đồng nghiệp cũng khuyên tôi như thế, tôi chỉ ậm ừ cho qua chuyện.
Thời gian thấm thoắt đi nhanh quá, con gái tôi đã trưởng thành, cháu được địa phương quan tâm cho đi học nghiệp vụ ngân hàng và làm công tác tại huyện, cháu đã cố gắng phát triển, được cơ quan nâng đỡ, cháu được giao nhiệm vụ làm Phó Giám đốc Ngân hàng huyện nhà và đã kết hôn với một anh cùng cơ quan, có hai con (1 trai, 1 gái).
Năm 1998, mẹ chồng tôi 95 tuổi, khi sắp về với tổ tiên, có dặn tôi và anh chồng, các con phải cố gắng tìm tòi bằng được để đưa hài cốt của anh Kiểm về quê nhà thì mẹ mới được yên lòng nơi chín suối.
Nghe lời mẹ trăng trối dặn dò, lòng tôi luôn đau đáu theo dõi tin tức để được đi tìm hài cốt của chồng về quê, anh chồng tôi và gia đình đi nhiều lần đăng tin trên báo trong mục tìm hài cốt liệt sĩ và đi lần mò tìm những người cùng đồng đội với chồng tôi để hỏi, thế rồi không hiểu trời xui đất khiến thế nào, tổ tiên phù hộ có một ông ở huyện bạn cách nhà 30 cây số tìm đến nhà tôi nói rằng, trước đây ở cùng với chồng tôi và biết mộ của chồng tôi. Thế là gia đình tôi tổ chức một đoàn vào tỉnh Tây Ninh, được Cơ quan Quân sự huyện cử người đến địa bàn tìm suốt trong 5 ngày trời không thấy, đoàn lại rút về Bắc. Không nản, năm 2008, gia đình tiếp tục tìm kiếm lần thứ hai, liên hệ với cơ quan Quân sự tỉnh Tây Ninh và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội xem xét các hồ sơ thì biết chồng tôi được cất bốc đưa về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Tây Ninh. Được Ban Quản lí nghĩa trang giúp đỡ đã tìm thấy mộ của chồng tôi và được đưa hài cốt về quê an táng.
Hôm đưa được hài cốt chồng tôi về, chính quyền xã và Huyện đội cùng các cơ quan liên quan đã tổ chức truy điệu và đưa vào Nghĩa trang liệt sĩ xã Xuân Lộc. Thế là cuộc đời tôi và gia đình đã làm được một việc trọng đại, đưa được hài cốt chồng tôi từ chiến trường về quê; thực hiện được lời di nguyện của mẹ chồng tôi.
Hiện nay các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể thường xuyên đến với gia đình tôi thăm, tặng quà; vào những ngày 8/3, 20/10, Hội Phụ nữ đến chúc mừng tặng quà cho tôi. Còn tôi năm nay đã 83 tuổi xác định trách nhiệm phải làm trọn nghĩa vụ của người vợ liệt sĩ, tôi vẫn thường xuyên đi sinh hoạt với chi bộ Đảng, với Hội NCT, góp phần xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Hằng năm cứ đến ngày 27/7 và Tết Nguyên đán, mẹ con, bà cháu chúng tôi lại cùng nhau ra nghĩa trang liệt sĩ xã, thắp nén tâm hương, tưởng nhớ người đã quá cố và viếng các anh hùng liệt sĩ quê nhà đã hi sinh vì dân, vì nước”.