Kỉ niệm 74 năm Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6/1950-1/6/2024): Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh
Đời sống 29/05/2024 10:38
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, nhiệt huyết; phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, Người đặc biệt quan tâm đến trẻ em với tình thương yêu từ đáy lòng mình… Ngay từ khi Đảng ta còn trong trứng nước, Bác đã mở lớp bồi dưỡng cho một số thiếu nhi Việt Nam ở Quảng Châu (Trung Quốc). Ngay khi nước vừa giành được độc lập, Người viết bài thơ “Tết Trung thu độc lập”: Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh, nhớ thương nhi đồng/ Sau đây Bác viết mấy dòng/ Gửi cho các cháu, tỏ lòng nhớ nhung.
Trong nhiều bài viết, Hồ Chủ tịch ân cần chỉ bảo công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cụ thể, toàn diện về sức khỏe, học tập, vui chơi. Đặc biệt, Người lắng nghe những đề đạt nguyện vọng của các em. Vào dịp kỉ niệm lần thứ 20, Ngày thành lập đội Thiếu niên Tiền Phong (15/5/1941-15/5/1961), Bác Hồ đề ra 5 điều cụ thể cho các cháu thực hiện. “Năm điều Bác Hồ dạy” đó là: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/ Học tập tốt, lao động tốt/ Đoàn kết tốt, kỉ luật tốt/ Giữ gìn vệ sinh thật tốt/ Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.
Từ mốc son này đã được các thế hệ thiếu niên nhi đồng cả nước là mục tiêu phấn đấu rèn luyện để trở thành “cháu ngoan Bác Hồ”.
Nói tới Chủ tịch Hồ Chí Minh hãy nói về người có lòng tin kiên định ở tương lai; tương lai của các thế hệ con em Việt Nam. Và như vậy, việc chuẩn bị cho con người có hành trang đường dài, luôn là mối quan tâm hàng đầu của Người, trong suốt cả cuộc đời cho đến khi qua đời, như viết trong Di chúc năm 1969: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Thấm sâu lời dạy của Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta thường xuyên quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục các em. Năm 1991, Quốc hội nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã thông qua “Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”.
Ngày 30/5/1994, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) đã ra chỉ thị “Về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”. Ngày 30/7/1998, Thường vụ Bộ Chính trị (khóa VIII) ra Thông tư “Về việc tăng cường lãnh đạo công tác bảo vệ, chăm sóc và giúp trẻ em”.
Đây là sự nghiệp lớn lao và hệ trọng, đòi hỏi các Đảng ủy, chính quyền địa phương, Uỷ ban Thiếu niên nhi đồng, Đoàn thanh niên, ngành Giáo dục và các ngành khác… phải có kế hoạch cụ thể, chăm sóc các cháu khỏe mạnh, học tập, tu dưỡng tiến bộ.