Kì họp thứ 7, Quốc hội khoá XV: Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về Dự thảo Luật Nhà giáo
Tin tức - Sự kiện 03/06/2024 13:24
Tham dự Hội thảo có các thành viên của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện một số bộ, ngành; các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên nhà giáo, cùng các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo...
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Nhà giáo có vai trò hết sức quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục. Kết quả của sự đổi mới giáo dục đạt được như thế nào phụ thuộc vào sự đổi mới của từng nhà giáo. Như vậy, chất lượng của một nền giáo dục phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ nhà giáo; nhưng chất lượng của nhà giáo không thể vượt quá chất lượng của các chính sách, môi trường làm việc và các cách thức lựa chọn, tuyển dụng và phát triển nhà giáo.
Các đại biểu tham dự Hội thảo |
Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội đưa việc xây dựng Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2024 của Quốc hội khóa XV là tin vui, đáp ứng sự mong đợi của 1,6 triệu nhà giáo đang công tác trong các cơ sở giáo dục trên cả nước. Quán triệt sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban soạn thảo dự án Luật Nhà giáo xác định tư tưởng nhất quán trong quá trình xây dựng Luật là kiến tạo môi trường pháp lý đầy đủ, thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo cả về số lượng và chất lượng.
Dự thảo Luật Nhà giáo (Dự thảo 2) có bố cục gồm 9 chương, 71 điều, được xây dựng dựa trên định hướng với 5 nguyên tắc cơ bản: Thể chế hóa quan điểm “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” nhà giáo là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục; Xây dựng Luật Nhà giáo nhằm kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo; Chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo tinh thần của Nghị quyết số 29/NQ-TW để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài xây dựng và phát triển con người Việt Nam hội nhập quốc tế; Việc xây dựng luật Nhà giáo nhằm tạo sự bình đẳng và các cơ hội tiếp cận giữa nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và nhà giáo trong các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; Việc ban hành Luật Nhà giáo nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quản lý nhà giáo hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn |
Dự thảo Luật đề xuất một số chính sách nổi bật, bao gồm định danh nhà giáo gắn với đặc thù nghề nghiệp, làm cơ sở cho việc chuẩn hóa và đề xuất các quy định chế độ, chính sách đối với nhà giáo; Quy định cụ thể về quyền nghĩa vụ của nhà giáo; Quy định chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo; Quy định về tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; Quy định về đào tạo, bồi dưỡng đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo; Quy định về quản ý nhà nước về nhà giáo. Trong đó, quản lý nhà nước về nhà giáo là nội dung quan trọng, xuyên suốt trong quá trình phát triển đội ngũ nhà giáo, từ lúc mới vào nghề, thăng tiến trong nghề nghiệp cho đến khi nhà giáo nghỉ hưu.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu thống nhất quan điểm phát triển đội ngũ nhà giáo phải được xác định là một trong những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng của ngành giáo dục. Trên thực tế, thời gian qua, dù đã có những chuyển biến quan trọng về nhận thức chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhưng đội ngũ nhà giáo còn nhiều yếu kém, bất cập về cả số lượng, cơ cấu và nhất là về chất lượng và hiệu quả công tác chưa đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của tiến trình đổi mới giáo dục trong giai đoạn mới.
Nhiều đại biểu nêu rõ, vẫn còn tình trạng thừa thiếu giáo viên, nhiều nhà giáo thiếu động lực giảng dạy, chưa yên tâm công tác và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở nhiều địa phương. Chế độ, chính sách đối với nhà giáo như lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ, chế độ thu hút, sự tôn vinh của xã hội đối với nhà giáo… chưa tương xứng với vị thế, vai trò thực sự của nhà giáo. Trong khi đó, hệ thống văn bản quy định về chế độ chính sách đối với nhà giáo còn chưa đồng bộ, chưa rõ đối tượng, dẫn đến việc hiểu áp dụng chính sách cho nhà giáo còn chưa có sự nhất quán…
Trong bối cảnh mô hình quản lý nhà nước về giáo dục ở nước ta đã từng bước chuyển sang mô hình quản lý công mới, nhà giáo phải được coi là nguồn lực quan trọng, cần được điều chỉnh trong một khung pháp lý đặc thù. Bởi vậy, nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết xây dựng luật riêng về nhà giáo, kiến tạo môi trường pháp lý thống nhất, có hiệu lực hiệu quả cho phát triển đội ngũ nhà giáo, tiếp tục cụ thể hóa các quan điểm của Đảng, Nhà nước thành chính sách vượt trội, đặc thù để chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu trong điều kiện hiện nay.
Để quản lý tốt hơn, các đại biểu cho rằng, cần xem xét việc phân cấp quản lý đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo sự thống nhất trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo từ trung ương đến địa phương; giao, duyệt, bổ sung đủ số lượng nhà giáo các cấp học đúng theo định mức quy định. Đồng thời cần quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức giáo dục để tiền lương và thu nhập của viên chức giáo dục cơ bản đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh |
Bên cạnh, dự thảo Luật Nhà giáo cũng cần cụ thể hóa, làm sâu sắc hơn các nội dung về định danh nhà giáo, tiêu chuẩn chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; tiền lương, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo. Riêng quy định về chứng chỉ hành nghề đối với giáo viên cần hết sức lưu ý, làm rõ nội dung, tránh quy định chung chung, không rõ mục đích, sự cần thiết phải có chứng chỉ… Ngoài ra, những quy định về cơ quan quản lý nhà nước về nhà giáo cũng cần được nghiên cứu tránh dẫn đến sự phân mảnh trong quản lý nhà nước về nhà giáo. Quy hoạch đội ngũ giáo viên cần bảo đảm tỉnh đồng bộ, dài hạn, đảm bảo sự chủ động của cơ quan quản lý giáo dục các cấp…
Tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh: Đội ngũ nhà giáo hiện nay đang chịu sự chi phối nhiều nhất bởi Luật Viên chức và Bộ luật Lao động. Do vậy, việc đưa ra dự thảo Luật Nhà giáo cần phải có sự rà soát kỹ lưỡng 02 luật này cùng 03 luật chuyên ngành là Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp, để từ đó thể hiện được tính chất đặc thù của nhà giáo trong mối tương quan so sánh với các ngành, nghề khác, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tránh xung đột với các quy định hiện hành.
Riêng về chế độ, chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, cần dựa trên sự đối thoại rộng rãi, trưng cầu ý kiến của giáo viên, giảng viên, từ đó làm nổi bật được một số nhóm vấn đề để bảo đảm, tăng cường hiệu quả của các chính sách. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, các ý kiến đóng góp tại Hội thảo hôm nay sẽ là cơ sở hữu ích để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục nghiên cứu và chuẩn bị cho công tác thẩm tra dự án Luật Nhà giáo trong thời gian tới.