Khởi nghiệp từ mô hình chăn nuôi lợn công nghệ cao
Doanh nghiệp - Doanh nhân 08/07/2023 09:13
Kỹ sư Hoàng Văn Nghinh chia sẻ về kỹ thuật chăn nuôi |
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo gặp nhiều khó khăn, tuổi thơ của Hoàng Văn Nghinh, hiện 31 tuổi, ở Bản Khuổi Vèng, xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, cũng như các bạn cùng trang lứa khác, quanh năm lam lũ vất vả, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Trong suy nghĩ của Nghinh chỉ có con đường bước chân vào giảng đường đại học mới giúp anh bước sang một trang sách mới, thoát khỏi cảnh bán mặt cho đất, bán lưng cho trời..
Nghe tin Nghinh thi đỗ vào Khoa Thú y, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên gia đình, bà con dân bản ai cũng vui mừng, niềm tự hào cho bản làng. Năm 2014, sau khi tốt nghiệp loại ưu của Khoa Thú y, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, mặc dù đã xin được việc làm ổn tại một công ty liên doanh nước ngoài với mức lương “khủng” mà bao người mơ ước.
Đặc biệt, Nghinh là một người rất năng nổ, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, chàng kỹ sư trẻ người Tày nhận thấy thực phẩm bẩn đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội nên Nghinh quyết định táo bạo bỏ phố về quê làm mô hình nuôi lợn sạch, công nghệ cao để cung cấp ra thị trường thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Nghinh kể, những ngày đầu rời nơi phố thị về quê để lập nghiệp gặp rất nhiều khó khăn vì sự ngăn cản, phản đối kịch liệt của bố mẹ, anh em dòng họ, bà con dân bản… có người còn bàn ra tán vào nhưng tôi bỏ ngoài tai. Thậm chí có người còn nói với tôi số vốn đầu tư hàng tỷ đồng như vậy không cẩn thận bán hết cả tài sản không trả hết nợ.
Mô hình chăn nuôi lợn công nghệ cao của Nghinh hiện có 20 con nái, 200 con lợn thịt và 1 con lợn đực giống phẩm cấp ông bà, bố mẹ. Với tổng diện tích hơn 1ha, trong đó chuồng trại được đầu tư khép kín, hệ thống tắm, ăn uống đều tự động, giảm chi phí nhân công.
Với 20 con lợn nái sinh sản đảm bảo cung cấp nguồn giống cho mô hình |
Qua quan sát của phóng viên, đàn lợn trong các ô chuồng của tràng trai Nghinh dường như chẳng tìm ra đâu được tỳ vết. Trăm con như một, lớn đều như nhau, vai, mông nở, cơ bắp cuồn cuộn như những lực sĩ đấu vật.
“Nhìn thế chứ chúng nặng cả trăm kg đấy anh! Về lý thuyết, chúng có thể đạt 70% nạc nếu nuôi công nghiệp và nuôi công nghệ cao có thấp hơn chút ít. Nhưng ở mô hình của tôi, tỷ lệ nạc ít nhất cũng đạt 60 - 70%”, Nghinh bật mí.
Theo Nghinh, ban đầu, đàn vật nuôi được nuôi hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp. Thời gian tiếp sau, đàn lợn được làm quen với thức ăn tự phối trộn và đến non nửa chu kỳ nuôi được cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn do chính Nghinh phối trộn. Nguồn thức ăn này gồm bột ngô + lúa + cá khô nghiền nhỏ. Chúng được trộn đều với sắn đã ủ chua + nước dẫn theo đường ống vào chuồng nuôi. Ăn thức ăn này, đàn vật nuôi ngừa được một số bệnh thông thường, tuy không nhanh lớn bằng nuôi thức ăn công nghiệp nhưng đổi lại chất lượng thịt thơm ngon hơn hẳn.
“Thông thường, lợn em phải nuôi 6 tháng mới xuất chuồng. Trọng lượng vẫn đạt mức tối đa nhưng nếu chỉ nhìn vào màu sắc của thịt thì người không sành ăn sẽ kén mua. Thịt nuôi bằng thức ăn công nghiệp nạc nhiều hơn, màu nạc đỏ hơn, trông rất bắt mắt”, Nghinh thổ lộ.
Chia sẻ cách nuôi lợn công nghệ cao, Nghinh nói: "Là vùng núi nên mùa đông khi về đêm nhiệt độ có xuống dưới 20oC thì người nuôi lợn thắp bóng điện công suất lớn để “úm” lợn, đủ nhiệt độ 27oC… Tóm lại là phải tạo môi trường cho lợn ăn rồi ngủ, ngủ dậy ăn, gọi là “ăn ngủ như lợn” thì lợn mới mau lớn đủ tạ xuất chuồng.
Đồng thời, bí quyết nuôi lợn thành công là giống phải đảm bảo, thức ăn tốt, đầy đủ và quan trọng nhất là phòng dịch nghiêm ngặt. Với công việc nuôi công nghệ cao với quy mô lớn rất vất vả, nguy cơ dịch bệnh lây đàn cao...nên hàng ngày tôi phải thường xuyên ghi sổ theo dõi và tiêm phòng dịch hoặc tiêm thuốc bổ cho lợn bị còi...".
Nghinh đang chăm sóc đang kiểm tra đàn lợn |
Nói về quy trình nuôi lợn công nghệ cao khép kín, Nghinh vui vẻ giải thích, sử dụng máy đưa cám cho heo ăn đổ vào thùng, băng chuyền đưa cám vào máng ăn. Khi lợn uống nước bằng hệ thống vòi tự động (heo ngậm miệng vào vòi, nước tự chảy ra)...
Nghinh chia sẻ: "Mỗi lứa nuôi 150 - 200 con lợn, trung bình mỗi lứa lợn nuôi 5 tháng, khi xuất chuồng mỗi con lợn trọng lượng thấp nhất cũng đạt 1tạ - 1,5 tạ. Khi lợn còn nhỏ nhìn cũng bình thường, đến khi thành "lợn tạ" nhìn bầy lợn đứng chật chuồng".
Bà Trịnh Thị Duyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Yên cho biết: "Hiện tại ngành chăn nuôi của huyện Bảo Yên chiếm hơn 40% trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện. Thời gian tới, chúng tôi tích cực vận động bà con nông dân chuyển đổi từ chăn nuôi truyền thống sang công nghệ cao, đệm lót sinh học là hướng đi đúng đắn để thúc đẩy ngành chăn nuôi ở Bảo Yên ngày càng phát triển, qua đó góp phần xây dựng môi trường trong sạch và nâng cao hiệu quả chăn nuôi cho người dân ở khu vực nông thôn".