Huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang: Phát huy tiềm năng sẵn có, đẩy mạnh phát triển du lịch
Văn hóa - Thể thao 15/06/2020 08:50
Na Hang là huyện vùng cao nằm ở phía bắc của tỉnh Tuyên Quang, cách thành phố Tuyên Quang 110 km, tiếp giáp 3 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn. Ngoài ra, Na Hang còn là vùng sinh thái, nơi giao thoa của nhiều dân tộc như: Tày, Dao, Mông, Kinh... Vì vậy, con người và phong cảnh nơi đây đã tạo nên một kho tàng văn hoá phong phú, đậm đà bản sắc, một vùng âm nhạc dân gian độc đáo với những làn điệu: Then, Si, Lượn... Cùng với tiếng đàn: Tính, tiếng Khèn làm say đắm lòng người.
Thị trấn Na Hang nhìn từ trên cao |
Được thiên nhiên ban tặng nhiều tài nguyên quý giá, đặc biệt là tài nguyên rừng. Rừng chiếm 84,62% diện tích tự nhiên toàn huyện, có giá trị về kinh tế, có ý nghĩa quan trọng việc phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái. Na Hang được ví như Hạ Long trên cạn. Vì vậy, trong những năm qua, lãnh đạo huyện Na Hang phấn đấu đưa ngành du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Mảnh đất Na Hang còn là nơi hội tụ của hai con sông lớn: Sông Gâm và sông Năng, với những dãy núi trùng điệp, hùng vĩ; những hang động huyền ảo và đầy huyền thoại đã đi vào truyền thuyết và thơ ca.
Hoàng hôn trên xã vùng cao Đà Vị |
Đến Na Hang, chắc chắn sẽ không ai bỏ lỡ cơ hội đi du thuyền trên lòng hồ thuỷ điện Tuyên Quang, để được đắm mình với thiên nhiên mênh mông sông nước, trùng điệp của rừng, được nghe những câu chuyện kể về sự tích gắn với từng địa danh nơi đây. Trên đường đi vãn cảnh lòng hồ, quý khách sẽ được ghé thăm thác Pác Ban (thác Mơ) kỳ ảo, thơ mộng được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng là thắng cảnh Quốc gia; khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung; ghé thăm thác Khuổi Súng, Khuổi Nhi, Nặm Me, Tiên Tát; thăm hang Phia Vài (nơi phát hiện ra hai di tích mộ táng và một di tích bếp lửa của người Việt cổ thuộc thời đồ đá trên dưới 10.000 năm)...Được tận mắt nhìn thấy những cánh rừng nguyên sinh của Na Hang có cây nghiến nghìn năm tuổi và loài Voọc mũi hếch được ghi trong sách đỏ thế giới. Chân núi Pắc Tạ có đền thờ vị thiếp của Tướng quân Trần Nhật Duật, bà theo chồng kinh lý vùng sông Gâm và sông Năng, rồi bị tử nạn. Người dân nơi đây nói rằng, ngôi đền này rất thiêng, nên du khách khắp nơi thường đến cầu nguyện. Cũng trên đường du ngoạn bằng thuyền, du khách được ghé thăm và thắp hương ngôi đền Pắc Vãng.
Lòng hồ trong khu du lịch Na Hang có cảnh sắc thiên nhiên rất đẹp và cuốn hút |
Đi dọc sông từ Thượng Lâm, giữa cảnh sông nước núi non hùng vĩ, là sừng sững chiếc “cọc Vài” đá (tiếng Tày nghĩa là cọc buộc Trâu) gắn với sự tích Tài Ngào. Dọc đường đến Xuân Tân sẽ gặp thác Nặm Me (nghĩa là suối mẹ). Với hàng chục thác nước đổ như mái tóc buông xuống rừng cây đại ngàn, tạo thành bức tranh tuyệt mỹ. Từ đoạn hợp lưu sông giữa Gâm với sông Năng, là một vùng sông nước, núi non hùng vĩ, bóng cây cổ thụ của những cánh rừng nguyên sinh đổ xuống mặt nước thật lung linh kỳ vĩ. Những thác Tiên Tát, Đén Luông, Đén Lang thật thơ mộng. Khu bảo tồn thiên nhiên: Tát Kẻ - Bản Bung có diện tích rừng nguyên sinh 37.000 ha, với những loài gỗ quý đinh lim, sến, nghiến... và những loài thú quý hiếm như: Hổ báo, trăn, gấu, voọc mũi hếch... sẽ là khu du lịch sinh thái hấp dẫn. Ngoài phong cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình, vùng văn hóa đa dạng, Na Hang còn hấp dẫn du khách bởi những món ăn mang đậm bản sắc dân tộc. Đặc biệt, Na Hang còn có rượu ngô men lá nổi tiếng. Loại rượu này uống bao nhiêu cũng chỉ lâng lâng mà không say, chỉ nơi đây mới có. Cùng với đó là những rừng chè Shan Tuyết cổ thụ nằm trên độ cao hàng nghìn mét so với mặt nước biển, đã tạo ra một loại nước uổng rất tuyệt vời, sản phẩm được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dùng làm quả tặng Thủ tướng nước Malaysia, ông Mahathir Mohamad trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam ngày 28/8/2019.
Phát triển du lịch gắn với bảo tôn các giá trị văn hóa truyền thống |
Nói đến Na Hang, không thể không nhắc đến công trình thuỷ điện Tuyên Quang. Thủy điện Tuyên Quang là công trình lớn thứ 3 toàn quốc, có công suất 342 MW, gồm 3 tổ máy, sản lượng điện hàng năm 1.295 triệu KW. Thủy điện Tuyên Quang gắn liền với vùng du lịch Na Hang huyền bí và thơ mộng.
Mùa hoa Lê ở Hồng Thái |
Trao đổi với phóng viên, ông Tô Viết Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Na Hang cho biết thêm, trong những năm gần đây, hoạt động du lịch được quan tâm đầu tư, bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề để xây dựng huyện Na Hang là điểm đến du lịch hấp dẫn. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được quan tâm, sự gắn kết giữa du lịch với văn hóa ngày càng chặt chẽ, trở thành nét đặc sắc của huyện vùng cao Na Hang. Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện còn chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về tiềm năng du lịch sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, cơ hội đầu tư, hợp tác phát triển du lịch từng bước được đẩy mạnh. Hệ thống di tích lịch sử cách mạng, các danh lam thắng cảnh được giữ gìn, một số điểm du lịch được đầu tư xây dựng. Tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp vào khảo sát, đầu tư; khuyến khích các tổ chức và cá nhân phát triển các dịch vụ du lịch; phát triển các sản phẩm hàng hóa lưu niệm phục vụ du khách kết hợp các hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp thị các sản phẩm hàng hóa là đặc sản của địa phương như: rượu ngô, chè shan tuyết, đậu xanh, đậu tương, thịt chua, thịt trâu khô...; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nguồn nhân lực tại địa phương tốt nhất để phục vụ phát triển du lịch.
Với tinh thần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cùng những thành tựu đạt được, tiếp tục khơi dậy những tiềm năng, lợi thế, nhất là tiềm năng về phát triển du lịch, trong thời gian tới, Na Hang sẽ có thêm điểm tựa để phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ nhanh và bền vững, xứng đáng là nơi dừng chân lý tưởng cho mọi du khách trong và ngoài nước.