HTX Tiền Lệ tiên phong đi đầu trong sản xuất rau an toàn
Tin tức 07/05/2023 15:02
100% số hộ trồng rau tại HTX Tiền Lệ diệt cỏ bằng phương pháp thủ công. Ảnh: Xuân Hiền |
Đến nay, HTX có hơn 500 hộ tham gia trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP trên tổng diện tích 33ha. Thương hiệu, chất lượng, uy tín của rau an toàn Tiền Lệ đã được cấp nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý và được 10 doanh nghiệp trực tiếp ký hợp đồng bao tiêu với sản lượng đạt xấp xỉ 50% trên tổng sản lượng của toàn HTX.
Để sản phẩm có thị trường ổn định, HTX ký hợp đồng cung ứng rau cho chuỗi siêu thị Vinmart, Big C (Hà Nội) và các cửa hàng rau sạch. Trung bình một ngày, HTX thu hoạch và tiêu thụ khoảng 15 – 20 tấn rau, với giá bán từ từ 10-15 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, HTX đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động thường xuyên tại địa phương, mang lại thu nhập ổn định cho bà con nhân trong toàn xã.
Được biết, xưa kia, hàng trăm bà con xã viên của HTX Nông nghiệp Tiền Lệ chủ yếu canh tác nhỏ lẻ, manh mún không mang lại hiệu quả kinh tế cao nên đời sống của bà con gặp vô vàn khó khăn.
Trước đó, năm 2007 Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức và Viện Rau quả Trung ương, Dự án sản xuất rau theo hướng VietGAP được triển khai tại một số xã trên địa bàn huyện, đã thổi một luồng gió mới cho nghề trồng rau ở HTX Nông nghiệp Tiền Lệ.
Đặc biệt, khi mới được triển khai dự án trồng rau sạch, bà con xã viên HTX Tiền Lệ đều được tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Từ cách ủ phân, sử dụng phân bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tưới nước đều phải học lại từ đầu. Nguồn nước dùng để tưới rau tại HTX Nông nghiệp Tiền Lệ là nước giếng khoan, đảm bảo độ sạch, đã được đo lường. Tất cả mọi người tham gia đều phải được đi tập huấn thì mới có thể tham gia vào mô hình này.
Đồng thời, HTX Nông nghiệp Tiền Lệ được đầu tư xây dựng một hệ thống gồm 18 giếng khoan. Viện Rau quả Trung ương còn cử thêm 2 kỹ sư về trực tiếp theo dõi và tư vấn kỹ thuật trồng trọt cho bà con.
Bà con đang rất hào hứng khi được chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang sản xuất hữu cơ. Ảnh: Xuân Hiền |
Sau khi đất đã đảm bảo độ sạch, người dân sẽ cho máy cày vào xới đất lên, phơi ải từ 3-5 ngày. Đất được bón lót 1 lần, thường là dùng phân tổng hợp NPK đã cân bằng độ đạm, lân, kali kết hợp với phân hữu cơ ủ hoai mục. Đặc biệt, phân bón cho rau tại vườn tuyệt đối không sử dụng phân tươi để bón, tưới cho rau. Nếu ủ phân trên đồng ruộng phải có biện pháp che đậy kín bằng bạt, nilon để đảm bảo không gây ô nhiễm đất trồng, nước tưới và vùng sản xuất.
Rau được tưới tùy theo độ ẩm của không khí. Nắng hoặc hanh khô thì tưới nhiều hơn, tưới khoảng 2 lần/ngày, còn những ngày ẩm chỉ cần tưới 1 lần. Công việc tưới thường vào buổi sáng và buổi tối.
Sau quãng thời gian làm đất và gieo hạt, rau được chăm sóc kỹ lưỡng. Với trường hợp rau gặp phải dịch bệnh, các hộ nông dân tại HTX được phép sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép và tuân thủ nguyên tắc 4 "đúng": đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp.
Mô hình sạch đạt tiêu chuẩn Viet GAP ở Tiên Yên không chỉ cung cấp cho thị trường nguồn nông sản an toàn mà còn giúp cải thiện môi trường làm việc và bảo đảm sức khỏe cho chính người nông dân tham gia sản xuất do không phải tiếp xúc với các loại thuốc trừ sâu độc hại.
'Hiện nay các hộ dân tham gia mô hình PGS liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp đều ký cam kết nếu test rau đến kỳ được thu hoạch mà có dư lượng vượt ngưỡng sẽ bị phạt 2 triệu đồng. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay việc lấy mẫu rau để test được cả cơ quan chức năng và doanh nghiệp lấy thường xuyên, ngẫu nhiên hàng tuần, hàng tháng những chưa có hộ nào vi phạm", ông Nguyễn Văn Hào, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tiền Lệ cho biết.