Hội nghị trực tuyến toàn quốc Xử lí "tham nhũng vặt" để củng cố niềm tin của Nhân dân
Tin tức - Sự kiện 28/06/2019 08:45
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN) chỉ đạo Hội nghị. Tham dự còn có Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành phố.
Tình trạng tham nhũng vặt vẫn còn nhức nhối
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nêu rõ thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật của một bộ phận người dân, DN để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy định, làm xói mòn niềm tin của người dân, DN và các nhà đầu tư; cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội.
Công tác PCTN ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Việc phát hiện, xử lí tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lí tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu.
“Tình trạng tham nhũng vặt biểu hiện qua nạn hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, nạn lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền vẫn còn nhức nhối, gây bức xúc đối với người dân, DN, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức. Tình trạng đó cần phải sớm chấm dứt”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, ngày 22/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 10-CT/TTg về việc tăng cường xử lí, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc.
Quyết tâm ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng
Chính phủ luôn xác định quyết tâm chính trị cao trong đấu tranh PCTN, kiên quyết ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện ngay một số giải pháp. Đó là tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN; chấn chỉnh công tác quản lí, siết chặt kỉ cương, kỉ luật hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ, giải quyết công việc liên quan đến người dân và DN; bảo đảm giải quyết dứt điểm, kịp thời các kiến nghị, phản ánh của người dân và DN, tránh tình trạng giải thích không rõ ràng thay vì giải quyết.
Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm, cần tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, tăng cường công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đổi mới công nghệ quản lí; khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lí, khắc phục ngay những sơ hở có thể gây phiền hà, sách nhiễu đối với người dân, DN; sau khi tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính theo quy định, không được yêu cầu DN, người dân bổ sung hồ sơ, tài liệu quá 1 lần…
Xác định trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong PCTN
Tại hội nghị, đại biểu các ngành, địa phương đã có nhiều tham luận, chia sẻ thực trạng, kết quả, kinh nghiệm và những giải pháp trong phòng, chống tham nhũng, xử lí tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà.
Tại điểm cầu Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, trong những năm qua, các chỉ đạo về công tác phòng chống tham nhũng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương được thành phố thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, kịp thời.
Hà Nội luôn xác định vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Thủ trưởng các đơn vị phải chịu trách nhiệm cá nhân trước Thành ủy, UBND thành phố và cấp trên trực tiếp về toàn bộ công việc thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của mình; trực tiếp tiếp công dân, tiếp thu đầy đủ và xử lí, phúc đáp kịp thời, giải trình theo quy định các phản ánh, kiến nghị của người dân và ngành...