Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Bình Thuận: “Kết nối tiềm lực – Phát triển bền vững”
Tin tức - Sự kiện 22/09/2019 13:34
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo hội nghị
Hội nghị lần này tỉnh Bình Thuận giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, các quy hoạch, danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư; tập trung vào 3 trụ cột chính: Du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, thương mại, khu đô thị, khu dân cư; công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Kí thỏa thuận ghi nhớ hợp tác đầu tư
Kí thỏa thuận ghi nhớ hợp tác đầu tư
Đặc biệt, lĩnh vực du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh sẽ thu hút đầu tư để hiện thực hóa Quyết định số 1772/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đồng thời, Bình Thuận cũng công bố danh mục kêu gọi đầu tư với 45 dự án thuộc 3 trụ cột nêu trên. Với sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Bình Thuận đã trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 11 dự án, với tổng vốn đầu tư trên 23.152 tỉ đồng và kí Thỏa thuận ghi nhớ đăng kí đầu tư cho 14 dự án với tổng vốn đầu tư đăng kí 19 tỉ USD và 30.696 tỉ đồng trên nhiều lĩnh vực.
Ngoài ra, Hội nghị tỉnh cũng đem đến cho các nhà đầu tư những cơ hội đầu tư tại tỉnh và có nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút đầu tư, nhằm thu hút tối đa các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để khai thác hiệu quả các tiềm năng và thế mạnh của địa phương.
Được biết thêm, các lĩnh vực được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2017 là công nghiệp; du lịch - dịch vụ du lịch; khu dân cư, đô thị; nông nghiệp. Trong 2 năm qua trên địa bàn Bình Thuận có thêm 264 dự án được chấp thuận đầu tư với tổng vốn hơn 53.000 tỉ đồng. Đến nay, đã có 99 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, với tổng vốn đầu tư là 11.524 tỉ đồng; 51 dự án đang triển khai xây dựng, với số vốn đầu tư là 19.021 tỉ đồng và 114 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư, với tổng số vốn là 22.487 tỉ đồng. Khoảng 1.730 doanh nghiệp đăng kí thành lập mới với tổng vốn đăng kí 32.866 tỉ đồng.Trong đó, có nhiều nhà đầu tư chiến lược, tầm cỡ như VINGroup, Novaland, FLC… đã chọn Bình Thuận là điểm đến để đầu tư.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Hội nghị Xúc tiến đầu tư lần này Bình Thuận đã có sự thay đổi căn bản về chiến lược thu hút đầu tư, về tầm nhìn, tư duy phát triển, kinh tế phát triển bền vững gắn với chủ đề Hội nghị “Kết nối tiềm lực – Phát triển bền vững” là mục tiêu lớn xuyên suốt, để làm được cần kết nối nhiều nguồn lực. Thông điệp Bình Thuận muốn gửi tới các nhà đầu tư rằng chúng tôi tiếp tục mạnh mẽ kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thân thiện và cam kết đồng hành để cộng đồng doanh nghiệp thành công.”
Cũng tại Hội nghị Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “ Tiếp tục tập trung đẩy mạnh và tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của tỉnh với mục tiêu đưa Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với tầm nhìn phát triển kinh tế quốc gia. Nhất là trong xu thế thế giới hiện nay và tương lai là phát triển xanh và bền vững...”
Trao quyết định hợp tác đầu tư
Trao quyết định hợp tác đầu tư
Trước đó, ngày 21/9, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã đến thăm mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Ỏn, ở thị trấn Lương Sơn và gia đình ông Đinh Hữu Nghề ở xã Hồng Thái, huyện Bắc Bình. Cùng ngày, Phó Thủ tướng cũng đã đến tham quan Cảng Tổng hợp Vĩnh Tân và dự Lễ Khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong. Buổi chiều cùng ngày, tại TP Phan Thiết, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã có buổi làm việc với các lãnh đạo chủ chốt, các sở ngành tỉnh Bình Thuận. Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai đã trình bày tóm tắt kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (nhiệm kì 2015 - 2020) và Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Phó Thủ tướng đã biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực và kết quả mà Bình Thuận đã đạt được trong thời gian qua. Dù vậy cũng lưu ý một số mặt tồn tại, hạn chế cần sớm kịp thời tìm hướng giải quyết hiệu quả và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để đưa Bình Thuận phát triển nhanh, bền vững. Chủ động phối hợp các bộ ngành Trung ương tập trung tìm kiếm giải pháp tháo gỡ vướng mắc, tạo bước chuyển đổi mới cho Bình Thuận. Đồng thời tiếp tục quán triệt Nghị quyết về phát triển kinh tế biển vì địa phương sở hữu nhiều lợi thế trong phát triển du lịch biển, khai thác dầu khí, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp chế biến, điện gió ngoài khơi. Tập trung những giải pháp trọng tâm thúc đẩy các ngành kinh tế mũi nhọn về du lịch, dịch vụ. Trong đó cần xây dựng gắn kết giữa du lịch và đô thị biển, tạo hành lang phát triển du lịch xứng tầm, phấn đấu đưa Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành điểm đến hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương