Hệ thống nhà thuốc FPT Long Châu vẫn còn "lỗ hổng" khi bán thuốc
Y tế 02/07/2021 08:34
Khi người bán thuốc trở thành bác sĩ
Vì ngại đến bệnh viện nên hiện nay nhiều người bệnh bỏ qua việc khám bệnh, uống thuốc theo đơn chỉ định của bác sĩ, tự ý mua thuốc điều trị. Việc mua thuốc không theo đơn dễ dàng đến mức nhiều người ví “mua thuốc dễ như mua rau”, kể cả các loại thuốc kháng sinh dùng phải có chỉ định của bác sĩ như: Penicillin, Erythrormycin, Zinnat…
Khi nhân viên bán thuốc tại nhà thuốc Long Châu “trở thành” bác sĩ |
Có mặt tại nhà thuốc Long Châu, số 73 đường Lê Hồng Phong, phường Phú Hoà, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, phóng viên hỏi mua thuốc Doxycycline Capsules BP 100mg (một loại thuốc kháng sinh nằm trong danh mục kê đơn theo quy định). Nhân viên bán thuốc lập tức mang ra mà không phải trình đơn thuốc, dù trên vỏ hộp thuốc này cũng ghi rất rõ dòng chữ “thuốc bán theo đơn”.
Diurefar 40- Một loại thuốc nằm trong danh mục thuốc phải bán theo đơn |
Tiếp tục đến nhà thuốc Long Châu, 439A Phú Lợi, phường Phú Lợi, TP. Thủ Dầu Một, trong vai người mua thuốc điều trị chứng đi tiểu nhiều và mất kiểm soát, ngay lập tức, nhân viên tại đây đã bán cho phóng viên một hộp thuốc Diurefar 40. Khi được hỏi, bán thuốc kháng sinh có cần đơn không, người bán thuốc thản nhiên trả lời: “Anh vào bác sĩ mà khám lấy đơn, chỉ mất thêm tiền thôi chứ khác gì?”
BS.Đào Hồng Ngự, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết: Người dân giữ thói quen có bất kỳ dấu hiệu bệnh lý nào như ho, sốt, cảm… là ra hiệu thuốc và đa số thuốc mua về đều có thuốc kháng sinh. Nhiều bệnh nhân tự ý mua thuốc kháng sinh, uống thuốc không đúng chỉ định, liều lượng, uống loại này không đỡ lại chuyển sang loại khác dẫn đến tình trạng bị kháng nhiều loại thuốc kháng sinh.
Điều tồi tệ nhất là khi bệnh nhân bị vi khuẩn đa kháng thuốc xâm nhập dẫn đến việc điều trị thuốc kháng sinh không còn tác dụng. Nguy cơ tử vong cao vì suy đa tạng, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết… Vì vậy để việc điều trị thuốc kháng sinh có hiệu quả, tất cả các bệnh lý về vi khuẩn cần phải được bác sĩ khám và kê đơn điều trị.
PGS, TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: “Hiện nay, khó nhất là việc quản lý mua bán, sử dụng kháng sinh tại các nhà thuốc và phòng khám tư nhân. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 90% số nhà thuốc tại Việt Nam bán thuốc kháng sinh không kê đơn và 87% người dân tự ý đến nhà thuốc mua kháng sinh, vẫn chưa quản lý được. Đây chính là nguyên nhân khiến tình trạng kháng thuốc ngày càng tăng cao ở Việt Nam. Trong khi đó, chi phí kháng sinh trong điều trị chiếm tới 17% tổng chi phí dịch vụ khám, chữa bệnh của người dân”.
Cần xử lý triệt để
Để giải quyết có hiệu quả vấn đề nêu trên, ngày 7/9/2017, Bộ Y tế đã phê duyệt và ban hành Đề án: “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn” với mục tiêu chính là “Nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế đặc biệt là người kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc trong việc thực hiện quy định của pháp luật về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn, trọng tâm là kháng sinh qua đó góp phần giảm tình trạng kháng kháng sinh, lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý” và mục tiêu cụ thể là “Đến năm 2020, đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc”.
Hiện nay tình trạng bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn của bác sỹ vẫn đang diễn ra phổ biến, một phần nguyên nhân do chế tài xử phạt hành vi vi phạm hành chính này được quy định tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế quá nhẹ, không đủ sức răn đe: “Cảnh báo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng đối với hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn của Bác sĩ”; Hai là do nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp đặc biệt ở vùng nông thôn; ba là vì lợi nhuận mà nhiều cơ sở bán lẻ thuốc sẵn sàng vi phạm, không quan tâm đến những ảnh hưởng lâu dài đối với sức khỏe cộng đồng.
Ngày 15/11/2020, với việc Nghị định số 117/2020/NĐ-CP có hiệu lực, thay thế hoàn toàn Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế. Với khung xử phạt tăng rất nhiều, có thể thực sự thay đổi được thực trạng đáng báo động nói trên. Tại điểm đ, khoản 3, Điều 59 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi “bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc”, đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tại điểm đ, khoản 8 điều này: “Đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 6 tháng đến 9 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm đ khoản 3 Điều này”. Như vậy, với mức phạt tiền tăng 25 lần và áp dụng thêm hình thức xử phạt bổ sung như đã nêu trên, hy vọng đây sẽ là một công cụ xử lý hiệu quả đối với các cơ sở bán lẻ cố tình vi phạm và sớm thay đổi được nhận thức của người dân, người bán thuốc trong việc chung tay bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Trước hành vi thể hiện dấu hiệu bất chấp pháp luật, coi thường sức khoẻ người dân, trái với chuẩn mực đạo đức ngành y tế của Công ty Cổ phần Dược phẩm FPT Long Châu, đề nghị các cơ quan ban ngành vào cuộc chấn chỉnh; đồng thời xử lý kịp thời các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan.
Năm 2017, Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) là một công ty thành viên của Tập đoàn FPT, đã tiến hành mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu. Tính đến tháng 12/2020, hệ thống nhà thuốc này chính thức vượt mốc 200 cửa hàng, có mặt tại 50 tỉnh thành trên toàn quốc. Dự kiến đến cuối 2021, hệ thống nhà thuốc FPT Long Châu sẽ đạt con số 500 cửa hàng. Trong quý I/2021 Công ty này đã mở 22 cửa hàng. |