Bà chủ nhiệm “đa tài”

Đời sống 16/04/2025 09:12
Trong những năm qua, mặc dù các cơ quan chức năng, nhà trường và gia đình có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền, trang bị kiến thức và nâng cao nhận thức phòng, tránh đuối nước ở trẻ, tuy nhiên, mỗi khi mùa Hè đến, những vụ trẻ đuối nước vẫn còn xảy ra khá nhiều, nhất là ở vùng nông thôn. Điều này đã trở thành nỗi lo của toàn xã hội. Nhiều vụ trẻ tử vong do đuối nước đã để lại nỗi đau lâu dài cho các gia đình và xã hội.
Mỗi lần có công chuyện ra các vùng ngoại thành, hay đi về vùng nông thôn tại một số tỉnh vào thời khắc trời nắng nóng, oi bức, tôi thường thấy các nhóm trẻ tắm, bơi lội tại những sông, hồ, ao, kênh mương… mà không thấy có người lớn canh chừng giám sát. Dù những đứa trẻ ấy biết bơi hay không biết bơi, tôi vẫn thấy nguy hiểm rình rập các em, bởi không may có tai nạn xảy ra, các em có thể không đủ kĩ năng để xử lí tình huống nguy hiểm.
![]() |
Ảnh minh họa |
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đuối nước ở trẻ em, mà một trong những nguyên nhân phổ biến hơn cả là do sự chủ quan của các bậc phụ huynh, người lớn khi để trẻ tự ý vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, hồ, kênh rạch, ao, đầm phá... Mùa hè thời tiết luôn nóng bức, nên trẻ em thường tự rủ nhau xuống tắm những nơi này để “giải nhiệt”. Có một nguyên nhân khác nữa dẫn tới tình trạng đuối nước đó là do trẻ không biết bơi, hoặc biết bơi nhưng chưa thành thạo. Thậm chí nhiều trẻ biết bơi, nhưng khi gặp tai nạn vẫn không thể tự cứu mình, do chưa được dạy kĩ năng bảo đảm an toàn và xử lí tình huống khi bơi gặp nguy hiểm. Bên cạnh đó, một số trường hợp, các em thấy bạn bị đuối nước liền nhảy xuống cứu trong khi chưa hề được trang bị kĩ năng cứu người bị nạn, dẫn đến số lượng trẻ đuối nước tăng lên. Ngoài ra, có trường hợp trẻ bị đuối do sự không an toàn của các môi trường sống xung quanh, trong khi trẻ chưa hiểu biết về nguy cơ và cách phòng tránh tai nạn.
Để chủ động phòng, tránh đuối nước dẫn tới những cái chết thương tâm ở trẻ em, thiết nghĩ chính quyền các địa phương cần tăng cường kiểm tra, rà soát, phát hiện kịp thời, cảnh báo những nơi tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đuối nước như sông, suối, ao, hồ..., kể cả những vùng nước sâu. Công tác tuyên truyền cũng cần phải làm tốt để các bậc phụ huynh, những người chăm sóc trẻ nâng cao ý thức phòng, tránh đuối nước cho các em. Cần giáo dục trẻ ý thức tự bảo vệ, dạy kĩ năng bơi và sơ cứu cơ bản trong trường hợp không có sự giúp đỡ của người lớn. Duy trì và mở nhiều lớp bơi miễn phí ngắn hạn vào dịp Hè để dạy và trang bị kĩ năng phòng chống đuối nước cho trẻ.
Ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các bậc phụ huynh nói riêng và người lớn trong các gia đình nói chung, cần hết sức quan tâm tới việc phòng, chống tai nạn đuối nước cho con em mình. Người lớn cần thường xuyên giám sát trẻ, nhất là trẻ nhỏ, không để trẻ chơi gần sông, hồ, kênh, mương, đầm, ao…
Mùa Hè chỉ thực sự vui, ý nghĩa trọn vẹn khi các em được an toàn cùng với những trải nghiệm thú vị, bổ ích. Do đó, để trẻ được an toàn rất cần sự chung tay của cả cộng đồng, xã hội, nhà trường và gia đình.