Hà Nội: Mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng phát huy hiệu quả
Chăm sóc NCT 23/12/2024 18:17
Theo lãnh đạo Chi cục Dân số Hà Nội, Hà Nội được coi là điểm sáng chăm sóc sức khỏe NCT tại cơ sở. Năm 2023, Chi cục Dân số Hà Nội đã xây dựng và hướng dẫn triển khai, duy trì mô hình dân số tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó có 42 mô hình chăm sóc NCT ở cộng đồng đã được triển khai tại 42 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. 40 câu lạc bộ NCT tự chăm sóc sức khỏe cũng được thành lập tại 40 xã của 9 huyện. Kết quả, tỷ lệ khám sức khỏe thông thường định kỳ cho NCT năm 2023 đạt 88,79% (tăng 2,4% so với năm 2022 và vượt chỉ tiêu thành phố giao).
Hà Nội tỷ lệ khám sức khỏe thông thường định kỳ cho NCT năm 2023 đạt 88,79% (tăng 2,4% so với năm 2022 và vượt chỉ tiêu thành phố giao). Ảnh: IT |
Các mô hình triển khai và đưa ra các giải pháp can thiệp nhằm nâng cao vị thế NCT, nâng cao trách nhiệm các tổ chức và cộng đồng đối với NCT; phát huy vai trò của NCT trong việc vận động gia đình thực hiện chính sách Dân số-KHHGĐ, phòng chống các tệ nạn xã hội; triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ chăm sóc NCT ở cộng đồng và nâng cao tỷ lệ NCT sinh sống trên địa bàn được tiếp cận các thông tin tư vấn và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần từng bước cải thiện chất lượng dân số…
Chi cục Dân số Hà Nội cũng đã xây dựng Kế hoạch đào tạo kiến thức, kỹ năng về chẩn đoán, điều trị, chăm sóc, theo sức khỏe NCT cho bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ thực hiện tại các Trung tâm y tế, bệnh viện trên địa bàn Thành phố. Nhiều quận, huyện duy trì đều đặn hàng năm như: Đống Đa, Hoàn Kiếm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… Cấp xã, phường tập trung quan tâm đến việc động viên chăm sóc NCT vào các dịp ngày NCT Việt Nam, ngày quốc tế NCT hoặc các dịp lễ Tết…, phấn đấu ít nhất 90% số NCT được khám sức khỏe thông thường định kỳ ít nhất một lần trở lên/năm, sàng lọc một số ung thư sớm thường gặp; lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe NCT tại Trạm y tế tuyến xã…
Truyền thông chăm sóc sức khỏe NCT tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Ảnh: IT |
Các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai, duy trì mô hình chăm sức khỏe NCT tại cộng đồng năm 2024 và các câu lạc bộ tự chăm sóc sức khỏe NCT, thực hiện khám sức khỏe cho NCT tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Chủ động lồng ghép nội dung tuyên truyền về phát triển thể lực tầm vóc vào các buổi truyền thông; thực hiện truyền thông trên đài truyền thanh của xã, phường; tổ chức truyền thông phòng chống béo phì cho học sinh tại các trường tiểu học…
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện hiệu quả mô hình chăm sóc sức khỏe NCT. “Các mô hình chăm sóc sức khỏe cộng đồng cho NCT được tổ chức mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe, góp phần nâng cao chất lượng dân số”, ông Trần Văn Chung nhấn mạnh.
Hà Nội đang triển khai dự án “Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi áp dụng mô hình Tsuyama” do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ giai đoạn 2022 - 2024.
NCT huyện Quốc Oai tham gia luyện tập Bài tập phòng chống té ngã. Ảnh: IT |
Dự án này đã lựa chọn phường Bồ Đề (quận Long Biên) và xã Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai) để triển khai, hướng dẫn các bài tập tránh ngã cho người cao tuổi với mong muốn hỗ trợ họ sống vui, sống khỏe, sống có ích.
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe NCT, cần sự tập trung, nỗ lực nhiều hơn nữa của toàn bộ hệ thống chính trị theo một định hướng, mục tiêu thống nhất cùng với các giải pháp đồng bộ. Điều này nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp, pháp luật về NCT. Bảo đảm cho mọi NCT được thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng ngày càng cao.
Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) cho rằng, sức khoẻ của NCT Việt Nam còn nhiều hạn chế. Tuy tuổi thọ trung bình cao (73,7 tuổi) nhưng tuổi thọ bình quân khoẻ mạnh thấp, chỉ đạt 63,2 tuổi khoẻ mạnh với nam và 70 tuổi ở nữ. Khoảng 95% NCT có bệnh, chủ yếu là các bệnh mạn tính không lây.“Trung bình 1 NCT ở nước ta mắc 3 bệnh. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khoẻ chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của NCT. Vì vậy, chăm sóc sức khỏe NCT là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội, có ý nghĩa nhân văn rất sâu sắc, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hóa dân số rất nhanh. |