Hà Nội: Cán bộ ngân hàng làm giả hồ sơ, tài khoản của khách hàng bị “phong tỏa” 50 tỷ đồng?
Đầu tư - Tài chính 02/07/2019 14:33
50 tỷ bỗng dưng bị phong tỏa?
Ông Toàn (trú tại phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội ) cho biết, từ ngày 24/1/2018 đến ngày 13/8/2018, ông cùng vợ là bà Tạ Thị Thu Trang có gửi số tiền tiết kiệm 50.000.000.000 đồng (năm mươi tỷ đồng) vào Ngân hàng NCB – Chi nhánh Hà Nội tại Phòng giao dịch Láng Thượng và Phòng giao dịch Cầu Giấy (địa chỉ: Lô A2, nhà DN1, số 101 Nguyễn Khánh Toàn, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) theo 4 sổ tiết kiệm, cụ thể: 1 sổ tiết kiệm 10.000.000.000 đồng (mười tỷ đồng) số FDAA445271 ngày 24/1/2018, mang tên Đặng Nghĩa Toàn;
1 sổ tiết kiệm 10.000.000.000 đồng (mười tỷ đồng) số FDAA453780 ngày 28/6/2018, mang tên Đặng Nghĩa Toàn;
1 sổ tiết kiệm 10.000.000.000 đồng (mười tỷ đồng) số FDAA445725 ngày 29/1/2018, mang tên Tạ Thị Thu Trang;
1 sổ tiết kiệm 20.000.000.000 đồng (hai mươi tỷ đồng) số FDAA456221 ngày 13/8/218, mang tên Tạ Thị Thu Trang.
Sự việc xảy ra vào ngày 11/12/2018, vợ chồng ông Toàn đến Ngân hàng NCB (địa chỉ: Số 158 Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, TP Hà Nội) thông báo bị thất lạc sổ tiết kiệm, nhằm mục đích muốn biết rõ toàn bộ sự việc, vì sao số tiền của ông bị rút, mà không có sự đồng ý của vợ chồng ông? Thì được phía Ngân hàng thông báo, 4 sổ tiết kiệm của vợ chồng ông đang bị phong tỏa, vì đã cầm cố để bảo lãnh cho Công ty TNHH Cơ điện và Xây dựng JEONGHO LANDMARK (Công ty JEONGHO LANDMARK) vay vốn tại Ngân hàng, đồng thời cung cấp cho ông một số hồ sơ liên quan. Khi làm việc với Ngân hàng, sau khi xem các hồ sơ có liên quan mà Ngân hàng cung cấp, ông và vợ ông đều khẳng định, không hề biết Công ty JEONGHO LANDMARK là công ty nào và cam đoan không ký kết hợp đồng cầm cố sổ tiết kiệm để bảo đảm cho Công ty JEONGHO LANDMARK vay vốn.
Do đó, vợ chồng ông Toàn và Ngân hàng NCB đã thống nhất, yêu cầu các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ và tiến hành giám định chữ ký, chữ viết trong hồ sơ vay vốn của Công ty JEONGHO LANDMARK tại Ngân hàng.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của phóng viên, tại Biên bản làm việc ngày 11/12/2018, Ngân hàng NCB đã cam kết: Trong vòng 30 ngày, nếu cơ quan điều tra và các cơ quan có thẩm quyền kết luận, chữ ký của ông Toàn và bà Trang trong hồ sơ bảo lãnh của Ngân hàng NCB, không phải do ông Toàn và bà Trang ký, thì sẽ trả lại công bằng hợp pháp cho ông Toàn và bà Trang bằng cách làm thủ tục giải tỏa số tiền tiết kiệm, để ông Toàn và bà Trang rút tiền hợp pháp, theo quy định của ngân hàng và pháp luật.
Biên bản làm việc giữa Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) với ông Đặng Nghĩa Toàn |
Ngày 12/3/2019, Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP Hà Nội đã có Thông báo số 09 về việc thông báo kết luận giám định. Trong thông báo khẳng định: Nội dung chữ ký và chữ viết dòng họ tên Đăng Nghĩa Toàn và Tạ Thị Thu Trang trong hồ sơ thế chấp sổ tiết kiệm vay vốn, tại Ngân hàng TMCP Quốc dân trên, các tài liệu giám định với chữ viết, chữ ký của Đặng Nghĩa Toàn và Tạ Thị Thu Trang (trong mẫu so sánh) không phải chữ do cùng một người ký và viết ra.
Thế nhưng, sau khi có kết luật của Cơ quan an ninh điều tra, Công an TP Hà Nội, vợ chồng ông đã nhiều lần yêu cầu Ngân hàng NCB giải tỏa và trả lại tiền tiết kiệm theo đúng cam kết giữa các bên, tuy nhiên, phía Ngân hàng NCB vẫn cố tình trốn tránh trách nhiệm, viện ra nhiều lý do để không trả lại tiền. Việc làm này của Ngân hàng NCB gây bức cho gia đình ông và dư luận, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình.
Ngoài ra, ở một diễn biến khác, đến nay, một số cán bộ của Ngân hàng NCB đã bị Cơ quan CSĐT bắt giữ, để phục vụ công tác điều tra và làm rõ các vấn đề liên quan.
Ngân hàng NCB nói gì?
Để có thông tin khách quan và đa chiều, phóng viên Báo Người cao tuổi đã liên hệ đặt lịch, đề nghị làm việc trực tiếp với lãnh đạo của Ngân hàng NCB. Tuy nhiên đến nay, phóng viên Báo Người cao tuổi mới chỉ nhận được Công văn số 374/2019/CV-NCB ngày 3/6/2019 của Ngân hàng NCB. Công văn có nội dung: Trong thời gian này, Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố, điều tra đối với bị can Nguyễn Thị Hà Thanh (nguyên kế toán trưởng Công ty JEONGHO LANDMARK) và các đồng phạm về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ở Ngân hàng NCB và 2 ngân hàng khác. Hiện hồ sơ vụ án hình sự đã được chuyển cho Cơ quan CSĐT, Công an TP Hà Nội (Phòng Cảnh sát hình sự) để điều tra theo quy định. Tới thời điểm hiện tại, Công an TP Hà Nội đã bắt tạm giam một số đối tượng liên quan và đang tiến hành điều tra, để đưa ra kết luận cuối cùng.
Toàn bộ số tiền trên, 4 sổ tiết kiệm của khách hàng đang là tài sản bảo đảm cho khoản vay của Công ty JEONGHO LANDMARK và có liên quan trực tiếp đến vụ án hình sự, đã được Công an TP Hà Nội khởi tố, đang được điều tra, có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội, nên đến nay, việc xử lí các sổ tiết kiệm sẽ do cơ quan có thẩm quyền quyết định ở giai đoạn có kết luận điều tra vụ án và bản án có hiệu lực tại Tòa...
Khi nào thì ngân hàng được phong tỏa tài khoản của khách hàng?
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 17, Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, Ngân hàng NCB chỉ được phong tỏa tài khoản của khách hàng trong các trường hợp: Có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện thấy có nhầm lẫn, sai sót khi ghi nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của người chuyển tiền, số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót; Có thông báo bằng văn bản của một trong các chủ tài khoản về việc phát sinh tranh chấp tài khoản thanh toán chung giữa các chủ tài khoản thanh toán chung.
Báo Ngày mới online (Báo Người cao tuổi) sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.