GS Tô Ngọc Thanh: Vị lữ khách mê mải với xứ sở văn hóa
Văn hóa - Thể thao 02/02/2021 15:00
Còn tôi chỉ việc ghi lại những sự kiện trên con đường khác lạ của vị hiệp sĩ già hồn nhiên ấy mà chẳng dám bao giờ nghĩ ngợi. Chỉ sợ lộ ra sự non nớt, bị ông cười hoặc nhẹ hơn là một câu mắng: “Cái anh này "văn hóa quần đùi" thì... toi!”.
Cho đến nay văn hóa dân gian vẫn là miền kí ức nhỏ bé trong tâm thức dân tộc. Nhưng ông Tô Ngọc Thanh nghĩ khác. Tầm nhìn của ông là hướng đến một nền văn hóa không chỉ tồn tại được mà còn phải vươn tầm thế giới. Trí tuệ, tinh hoa và sự khéo léo sẽ là một chuẩn mực đạo đức vĩnh hằng. Ông tập hợp xung quanh mình những người làm văn hóa với một nhiệm vụ mà trước đó họ chưa bao giờ nhận thức được: Trước hết là khơi gợi nền văn hóa nước nhà, sau đó toàn tâm toàn ý tìm về nguồn cội.
Ông truyền cảm hứng cho cộng đồng bằng trái tim nhiệt thành. Nhờ sự lãnh đạo của ông, những môn nghệ thuật cổ truyền, những gương mặt nghệ nhân một thời vang bóng đã trở thành "báu vật" và "quốc bảo" quan trọng, đặc biệt trong việc thúc đẩy sứ mệnh văn hóa hướng đến xây dựng đất nước "to đẹp hơn, đoàng hoàng hơn".
Trong suốt mấy thập niên, bất kì khi nào GS Tô Ngọc Thanh đến các vùng văn hóa, ông đều gặp gỡ những người trực tiếp làm văn hóa cơ sở. Những cuộc đối thoại của ông thường diễn ra trong không khí cởi mở hiếm có, thể hiện rõ sự quan tâm sâu sắc và kinh nghiệm dày dặn.
GS Tô Ngọc Thanh |
Ông nói nhanh như một chiếc máy di động, sắc như lưỡi câu và thẳng như ruột ngựa. Vấn đề văn hóa này vắt sang vấn đề văn hóa khác một cách ngẫu hứng và cuốn hút. Trong lần gặp gỡ này, tôi lén lút cài chiếc máy ghi âm trong túi áo ngực. Nào ngờ ông hấp háy cặp mắt bắt lôi máy ra, rồi tự tay cất vào túi áo ngực: "Tao biết chú mày còn chiếc máy nhỏ xíu thứ hai, máy số". Đó là một cử chỉ thân thiết, hồn hậu của một người cha dành cho con. Nói đoạn, ông cười khoái chí, lần lượt kể chuyện "thâm cung bí sử", cả cái chuyện về những cô sơn nữ đẹp đến mê hồn - ông thường đùa, rằng, đó là "tí tình vắt vai" của ông trong những ngày dọc ngang xứ sở Tây Bắc. "Mình trong sáng, tội gì phải giấu bà ấy, vả lại độ ấy tớ đã lấy vợ đâu kia chứ! Mà bây giờ ngẫm lại, đến ngần này tuổi rồi, sợ vợ... cái nỗi gì".
Ngày ấy ông đi ở một bản nghe đâu thuộc Khu tự trị Tây Bắc (bây giờ là địa bàn huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên), đôi chân ông cứ đi mãi, đi mãi, như bị lạc vào một "vườn địa đàng" rồi thấy mê mẩn. Đi suốt một ngày đường, núi cao, đèo sâu, lũng hiểm, cứ hết bản này lại nghe ở bản phía bên kia còn có những điều hay hơn thế nữa. Vậy là đi, đi đến độ có lúc lên cơn sốt rét, người xanh như tàu lá chuối. Đến đầu bản của người Thái ấy đầu óc thì bỗng choáng váng rồi ngất lịm, nằm sấp xuống một vũng nước trâu đầm ngay dưới bãi ngô. Vũng bùn ướt vô tình thành ân nhân cứu mạng. Hay đâu lúc tỉnh dậy, trong cái cơn mê sảng ấy, mới biết mình nằm trong một ngôi nhà ấm sực của đồng bào Thái. Nằm ở đó 3 tháng ròng rã chưa hồi sức. Bệnh tật tưởng tuyệt vọng, thế mà lại vô tình khiến ông biết được câu chuyện "chữa mẹo"... nhiệm màu.
Khi người bị bệnh nặng, họ bắt một con thằn lằn sống đem về, đặt lên mâm gỗ, sau đó bắt người bệnh há miệng rộng ra, ghếch hàm dưới vào mép mâm. Đặt con thằn lằn hướng vào vòm miệng sâu hoắm của người bệnh sốt rét ác tính. Một, hai, ba, nhắm mắt. Chặt đuôi con thằn lằn. Như một thứ phản xạ, con thằn lằn chui tọt vào khoang miệng bệnh nhân. Không biết trong thân thể thằn lằn chứa thứ gì, chỉ biết sau đận đó, người bệnh khỏi tiệt. Rồi từ đó ông phải lòng một người con gái trong bản, con ông chủ nhà.
Gần nửa thế kỉ sau dịp trở lại bản. Tìm lại cái vũng trâu đằm dưới bãi đã cứu sống mạng mình, lão giáo sư hom hem vẫn đứng tần ngần nhìn về hướng vô định. Rồi ông chặn một ông lão áo chàm lại hỏi, nhà Noọng Muôn (Noọng là em) bây giờ ở đâu. Em ấy múa xòe đẹp như những đàn bướm hoa. Người ta tìm mãi, tìm mãi… "Bản này chỉ có bà cụ Muôn thôi, năm nay 72 tuổi rồi". Bà cụ như không thể già hơn, lưng cong xuống như một thớt lạc đà ra ngóng, vào trông, mừng mừng tủi tủi. Con nai vàng ngơ ngác, nhân vật diễm lệ của "Sơn nữ ca", rồi thương rồi nhớ, ân nhân cứu mạng của một người Hà Nội hào hoa ngoài hai mươi tuổi... sau nửa đời người bước ra nắm tay. Ôi! Biết nói gì đây! (Còn nữa)