Giáo dục và Đào tạo đạt nhiều thành tựu, song còn không ít thách thức
Giáo dục 16/11/2023 16:10
Trải qua 4 cuộc cải cách giáo dục và thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đưa giáo dục trở thành quốc sách hàng đầu, hàng năm Nhà nước đầu tư khoảng 20% tổng ngân sách, nền giáo dục nước ta có những thay đổi, đạt nhiều thành tựu, đóng góp quan trọng vào sự phát triển đất nước, là quốc gia có nền giáo dục tiến bộ của thế giới. Điển hình là mô hình, mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông phát triển, năm 2000 hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, năm 2010 hoàn thành phổ cập giáo dục THCS và năm 2017 hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non.
Ở nước ta, số người đi học tập trung ở các cấp học chiếm 22,3% dân số. Hệ đại học, cao đẳng có 460 trường, trong đó có 242 trường đại học (176 trường công lập, 66 trường dân lập, tư thục) có 256 sinh viên/10.000 dân, 7-26 sinh viên có 1 giáo viên, tỉ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư chiếm 6%, học vị tiến sĩ chiếm 22,7% .
Ảnh minh họa |
Chất lượng giáo dục và đào tạo ngày càng được nâng lên mà dấu ấn là trên sân chơi trí tuệ, học sinh Việt Nam luôn đoạt giải cao trong các cuộc thi Olympic quốc tế cũng như chương trình Đánh giá sinh viên Quốc tế (PISA). Hầu hết các cuộc thi, học sinh Việt Nam thường đứng ở tốp đầu về giải trong các cuộc thi PISA, đoạt ngôi cao vượt trội so với học sinh của Hoa Kỳ. Năm 2012, lần đầu tham gia cuộc thi PISA Việt Nam được xếp thứ 8 về Khoa học, thứ 17 về môn Toán, thứ 19 về Đọc. Trong khi đó, Hoa Kỳ xếp thứ 28 về Khoa học, 36 về Toán và 23 về Đọc. Tháng 5/2015, Tổ chức OECD công bố Việt Nam giành vị trí 12, cao hơn nhiều so với Hoa Kỳ (đứng thứ 28), trong những kì thi quốc tế, các tốp học sinh mang nhiều huy chương về cho đất nước.
Cơ sở hạ tầng giáo dục được đầu tư đúng hướng. Hệ thống trường lớp đang phấn đấu để đạt chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn về hạ tầng bảo đảm cho dạy và học đạt chất lượng tương đương nhiều nước trong khu vực. Toàn quốc có 500 trường mầm non, 3.200 trường tiểu học, hơn 500 trường THCS và THPT đạt trường chuẩn quốc gia. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục được coi trọng. Tính đến 31/12/2021 có 912 chương trình đào tạo hoàn thành báo cáo tự đánh giá (556 chương trình đánh giá trong nước, 356 chương trình đánh giá ở nước ngoài). Sự mở rộng quy mô, loại hình, ngành đào tạo, các trường đại học, cao đẳng đã cung ứng cho xã hội nguồn lao động dồi dào, đa ngành, đa lĩnh vực.
Cả nước có khoảng 55 triệu lao động thì tỉ lệ qua đào tạo tăng từ 40% (2010) lên 64% (2020). Tỉ lệ có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 14,6% (2010) lên 24,5% (2020). Công tác xây dựng xã hội học tập trở thành phổ biến khắp các địa phương. Theo Ngân hàng Thế giới thì Trung Quốc và Việt Nam là hai nước đi đầu trong đổi mới giáo dục, mặc dù 20 năm qua Việt Nam đang còn ở mức độ thu nhập trung bình thấp. Tính ưu việt của giáo dục là chính sách công bằng trong tiếp cận dịch vụ, đặc biệt đối với dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn đều có trường học kiên cố. Từ năm 2018 trẻ mầm non đến lớp được miễn học phí. Công tác quản trị, điều hành hệ thống giáo dục đại học, tăng cường quyền tự chủ cho nhà trường. Chất lượng giáo dục đại học xếp thứ 68/196 quốc gia. Năm 2020, lần đầu tiên có 3 trường đại học được xếp trong nhóm 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Đại học Bách khoa Hà Nội); 8 trường đại học được đưa vào danh sách các trường đại học hàng đầu châu Á. Có gần 200 chương trình đào tạo của 32 trường được công nhận theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Tự chủ đại học tạo nên đột phá khi nhiều lĩnh vực, ngành đào tạo trong tốp 500 của thế giới...
Thành tựu là như vậy, song nền giáo dục Việt Nam còn nhiều hạn chế, đang gặp những thách thức, khó khăn. Sự nghiệp cải cách giáo dục phổ thông thiếu giải pháp đồng bộ. Thiết kế, cấu trúc của chương trình giảng dạy, phương pháp dạy và học, cách đánh giá, thời lượng các môn học còn bất cập, quá tải, chưa cân đối, nặng về lí thuyết. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở nhiều địa phương chậm khắc phục. Giáo viên bỏ việc đang diễn ra gay gắt. Chỉ riêng năm 2022 cả nước có 16.000 giáo viên bỏ việc (bình quân cứ 100 giáo viên có 1 người ra khỏi ngành). Chất lượng một bộ phận nhà giáo còn yếu, thiếu giáo viên ngoại ngữ, tin học, kĩ thuật thực hành. Việc thực hiện tự chủ đại học chưa gắn với đổi mới quản trị nhà trường, năng lực tự chủ lúng túng, hiệu quả thấp. Đào tạo đại học nặng về lí thuyết, thiếu gắn kết với doanh nghiệp, đơn vị sản xuất. Cơ sở vật chất trường học, trang thiết bị dạy và học nhiều nơi còn thiếu, xuống cấp, lạc hậu do nguồn kinh phí đầu tư hạn hẹp. Ngân sách chi cho giáo dục 80% dùng vào trả lương.
Đổi mới giáo dục phổ thông chưa đạt lộ trình. Chương trình - sách giáo khoa còn những bất cập. Chất lượng giáo dục miền núi còn thấp. Số lượng cơ sở giáo dục đại học gia tăng, quy mô tuyển sinh lớn, đa dạng ngành nghề nhưng chất lượng đào tạo không tương xứng, chưa xây dựng được chuẩn đầu vào, đầu ra, nội dung, chương trình giảng dạy thiếu đồng bộ. Tình trạng chạy theo thành tích, hình thức, hư danh, “đem con bỏ chợ”, quảng bá nhà trường quá mức so với thực tế, đánh lừa tâm lí người học còn tồn tại một số nơi.
Nhiều trường đại học trong quy hoạch phải di dời khỏi nội đô chậm triển khai, các trường phổ thông thành phố lớn quá tải. Một số trường đại học thiếu tầm nhìn, thiếu cân đối với thị trường lao động, nhu cầu người học, trong khi cơ cấu bộ máy thiếu, thậm chí có trường đại học bỏ hoang. Một số trường đào tạo không gắn với nhu cầu thị trường lao động dẫn đến lãng phí nguồn lực, tài chính, làm chậm nhịp độ xã hội phát triển.
Qua đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp về chất lượng sinh viên ra trường chỉ có 5% đạt trình dộ ngoại ngữ, tác phong làm việc có kĩ năng nghề nghiệp ở mức độ tốt, 15% ở mức độ khá, 30% mức độ trung bình, 40% ở mức độ kém. Do đó, hàng trăm nghìn sinh viên ra trường không có việc làm thích hợp (số tốt nghiệp đi chạy xe ôm đã lên tới hơn 80.000 người). Ở một số cơ sở đại học, học viện buông lỏng quản lí, lợi dụng kẽ hở của cơ chế, chính sách tuyển sinh ồ ạt, vượt quá chỉ tiêu năng lực đào tạo, đánh giá, nghiệm thu kết quả học tập, nghiên cứu khoa học, bảo vệ luận văn, khoá luận tốt nghiệp qua loa, đại khái, vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức và liêm chính học thuật. Một số nhà trường, ban lãnh đạo có biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống, vi phạm chính sách, tham nhũng, tiêu cực, trục lợi, hình thành phe nhóm, mâu thuẫn, mất đoàn kết kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đào tạo, làm “ô nhiễm” môi trường giáo dục và văn hoá học đường…