Giám đốc Công an Hà Nội: Đang điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền hàng nghìn tỷ đồng
Xã hội 01/11/2022 18:43
Đại biểu Quốc hội, Trung tướng Nguyễn Hải Trung phát biểu thảo luận |
Phát biểu thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội cung cấp thông tin, trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền với số tiền lên tới nhiều nghìn tỷ đồng, đối tượng chủ mưu, cầm đầu, tổ chức là người nước ngoài thuê rất nhiều người nước khác trong đó có người Việt Nam tham gia.
Trụ sở tổ chức hành vi phạm tội là ở nước ngoài, công cụ phương tiện, thiết bị phạm tội cũng ở nước ngoài. Phương thức thủ đoạn rất tinh vi, sau khi nhận tiền của bị hại, tội phạm chia nhỏ gửi qua nhiều lần đến nhiều tài khoản, sau đó chụm về 1 tài khoản. Từ tài khoản đó quy đổi thành tiền ảo rồi rút tiền thật.
Góp ý vào một số nội dung tại Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền, Đại biểu Nguyễn Hải Trung nêu lên 4 vấn đề:
Thứ nhất, cần đảm bảo tính chính danh khi đăng ký mở sử dụng tài khoản. Thời gian qua nổi lên việc sử dụng thông tin, giấy tờ giả hoặc thuê người mở tài khoản, sau đó bán lại tài khoản cho đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Mục đích của hành vi này nhằm che giấu thông tin về tài sản cá nhân, tổ chức sở hữu tài sản, tránh né, gây khó khăn cho việc phát hiện tội phạm cho cơ quan quản lý Nhà nước.
Do vậy, theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung, nếu nhận diện xác định rõ đối tượng sử dụng tài khoản sẽ góp phần triệt tiêu được việc giả mạo thông tin tài khoản.
“Cần có cơ chế phối hợp, đối chiếu thông tin tài khoản ngân hàng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phòng tránh các trường hợp sử dụng tài khoản giả” - Đại biểu Nguyễn Hải Trung nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, tổ chức cung cấp tài khoản, dịch vụ ngân hàng điện tử, giao dịch điện tử phải có đầy đủ, đồng bộ cơ sở vật chất trang thiết bị nhận diện, và xác định thông tin người dùng.
Ngoài ra, cần đưa hành vi mua bán tài khoản, sử dụng thông tin, giấy tờ giả mở tài khoản vào hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8 của Dự thảo luật để tạo cơ sở xem xét, xử lý đối tượng phạm tội, đảm bảo răn đe với các cá nhân và tổ chức khác.
Thứ hai, cần bổ sung thêm 1 điều luật quy định riêng về trách nhiệm của Bộ TN&MT trong phòng chống rửa tiền trong việc quản lý ban hành văn bản, hướng dẫn phòng chống rửa tiền như yêu cầu Văn phòng đăng ký đất đai rà soát phát hiện giao dịch đáng ngờ liên quan đến các cá nhân sở hữu nhiều bất động sản có giá trị lớn…
Thứ ba, cần có quy định quản lý tài sản ảo, tiền ảo để đưa vào đối tượng báo cáo rửa tiền.
Cũng theo Giám đốc CATP Hà Nội, Việt Nam hiện không thừa nhận tiền ảo, điện tử và tiền kỹ thuật số, nhưng thực tế có thị trường ngầm hoạt động sôi động. Phần lớn tội lừa đảo đều thông qua tiền ảo để rửa tiền. Vì vậy, để cấm, quản lý, xử lý với giao dịch tiền ảo cần có quy định.
Thứ tư, cần có cơ chế sớm hơn, nhanh hơn để trì hoãn giao dịch, phong tỏa tài khoản đáng ngờ có dấu hiệu phạm tội. Bởi lẽ, phương thức thủ đoạn của các đối tượng phạm tội lừa đảo qua mạng là trong thời gian sớm nhất, nhanh nhất sau khi lấy tiền của bị hại sẽ thực hiện rút tiền. Nếu chờ bắt và tạm giữ được đối tượng thì sẽ quá muộn, gây khó khăn cho quá trình điều tra và thu hồi tài sản cho bị hại.