Đừng vô cớ trút giận lên đầu con cái
Đời sống 09/04/2024 09:33
Chị cũng biết, làm cha, làm mẹ không nên coi con cái như một nơi để trút bỏ những bực dọc ở bên ngoài. Chồng chị những lúc gặp chuyện không vui, cũng tức lên là la mắng vợ con, có lúc còn đánh con. Những lúc như thế, chính chị là người ôm lấy con mà che chở, an ủi con để bớt đi sự sợ hãi. Nhưng rồi, chính chị nhiều khi cũng lâm vào tình cảnh trên. Có khi chỉ về những nguyên nhân rất nhỏ như con làm đổ cốc nước, hay làm rơi mấy hạt cơm ra áo,... cũng làm chị “tăng xông”, mặt hầm hầm quát mắng, rồi vớ được chiếc dép, cái thước là chị lại phát vào mông con. Lúc đó chị cũng không còn nghĩ được gì, chỉ biết đánh con cho bõ những tức giận trong lòng.
Cứ như thế, cuộc sống trong gia đình chị, những lời âu yếm, yêu thương của cha mẹ dành cho con cứ ít đi, mà thay vào đó là những trận quát mắng, đánh phạt. Mặc dù trong lòng anh chị không ghét bỏ gì con, ngược lại, đều rất yêu con, lo lắng cho con chu toàn, nhưng mỗi khi gặp chuyện gì bực mình, họ lại thấy con như một nơi để “động tay động chân” cho bõ tức. Đánh rồi, mắng rồi, lại ôm lấy con mà khóc, mà thương...
Nhưng chị không nghĩ rằng, cái cách hành xử rất vô lí của vợ chồng mình đã khiến con sợ hãi. Hằng ngày đón con ở lớp về, thả nó xuống cổng là nó đứng khép nép ngoài đó không dám đi vào nếu chị chưa cho phép. Nhìn vào mắt con, những lúc ấy, chị cảm giác mình giống như một hung thần. Và chị cũng nhận thấy tình yêu của đứa con dành cho chị cứ ngày một ít đi. Những trận đòn, trận chửi mắng vô cớ cứ kéo dài làm con sợ hãi khi đứng trước anh chị, nó giật mình thon thót mỗi lúc anh chị nói to.
Có lẽ cái cách “yêu con” của anh chị sẽ không thể ngừng lại nếu chị không vô tình xem được bức tranh của con vẽ về đề tài gia đình do cô giáo ra đề, với cảnh đứa con lấm lét đứng nhìn hai bố mẹ từ xa. Khi chị hỏi, con trả lời: “Con sợ bố mẹ lắm”. Chị như chết lặng trước câu trả lời ấy. Chị mới giật mình khi thấy con càng ngày càng sống thu mình, không chịu chơi với các bạn, lầm lì, ít nói, đi học về chỉ ở trong phòng. Mỗi khi có tiếng động mạnh, con đều giật mình, mặt tái mét, đêm ngủ thi thoảng giật mình khóc.
Chị mang câu chuyện ấy nói với những người bạn, nhận lại là những ánh mắt ngạc nhiên xen lẫn tức giận. Một người bạn bảo: “Không thể ngờ các cậu lại chọn cho mình cách đối xử với con như thế. Nếu là cậu, “tinh thần” bị tra tấn khi sống trong môi trường ấy, liệu có khép kín mình lại, tránh thật xa bố mẹ không? Cũng may mắn là con cậu còn ngoan, không có những phản ứng quá tiêu cực”. Có người nói thêm: “Thực ra không phải chỉ gia đình cậu rơi vào trạng thái ấy, rất nhiều người cũng thường “giận cá chém thớt” trút hết vào con. Bởi vậy, những trận đòn roi bao giờ cũng đi kèm bao lời chửi rủa độc địa. Trẻ sẽ thấy bố mẹ thật ác, thật đáng ghét, thấy bị tổn thương, vì thế trở nên xa lánh, né tránh chính người thân của mình. Điều mà trẻ học được từ những trận đòn của cha mẹ lại là những bài học xấu, rằng nếu như không thỏa thuận được thì bạo lực là cách giải quyết… Trong việc dạy trẻ, điều quan trọng nhất là khiến con tôn trọng mình chứ không phải là sợ”.
Khi bị bố mẹ bạo hành, ngoài cảm giác sợ hãi ra, con cái không có những phản kháng nào khác. “Phải thay đổi ngay thôi”, chị thầm nghĩ. Buổi tối ấy, chị và chồng đã cùng ngồi lại với nhau, nói với con lời xin lỗi và hứa sẽ “sửa chữa” cách ứng xử không đúng của mình. Nhìn con ngồi lấm lét trước mặt mình mà lòng chị xót xa và chỉ còn biết ôm con vào lòng thật chặt. Anh chị đã thống nhất với nhau rằng, sẽ trút bỏ mọi bực dọc của công việc, cuộc sống phía bên ngoài cánh cửa gia đình, để có thể cho con một cuộc sống nhẹ nhàng, yêu thương nhất.
Chị nghĩ, mình sẽ làm được, bởi chị đâu muốn mình trở thành “hung thần” trong mắt con.