Đối thoại, tháo gỡ khó khăn với người dân về xử lý vi phạm đất đai
Tin tức 08/11/2023 07:57
Làng nghề mộc xã Liên Hà, Đan Phượng |
Ngày 7/11, trao đổi với PV, ông Đinh Hữu Thành, Chủ tịch UBND xã Liên Hà (huyện Đan Phượng) cho biết, nội dung buổi đối thoại xoay quanh việc lãnh đạo UBND huyện ghi nhận ý kiến của người dân, vận động, tuyên truyền họ tự tháo dỡ, khắc phục những vi phạm.
Buổi đối thoại diễn ra hôm 3/11 với sự tham dự có 10 hộ dân ở xã Liên Hà, ông Nguyễn Thạc Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng chủ trì buổi đối thoại. Cùng dự có đại diện các phòng, ban liên quan của huyện Đan Phượng.
Trình bày nguyện vọng tại buổi đối thoại, ông Lê Phi Chiến, cụm 2, xã Liên Hà cho biết: Do nhu cầu về mặt bằng sản xuất và trồng cây canh tác trên đất vườn ao chuồng (VAC) không mang lại hiệu quả kinh tế, các hộ đã tự xây dựng lán xưởng để mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, góp phần phát triển làng nghề.
Để xây dựng cơ sở sản xuất, các hộ đã đầu tư, vay vốn ngân hàng, hiện tại nhiều hộ vẫn đang trả lãi hàng tháng. Vì vậy, các hộ dân mong muốn chính quyền địa phương gia hạn thời gian trả lại mặt bằng để các hộ dân có thêm thời gian chuẩn bị và đợi cụm công nghiệp Hồng Hà hoàn thành để người dân thuê và chuyển đến sản xuất.
Các xưởng sản xuất đồ gỗ nội thất tại xã Liên Hà đã tạo công việc cho nhiều lao động. |
Ông Nguyễn Tiến Cường, cụm 1, xã Liên Hà nói: "Gia đình chúng tôi được UBND huyện cho phép chuyển đổi đất trồng lúa ở khu Trũng Phan sang làm VAC. Tuy nhiên, do thiếu mặt bằng sản xuất nên các hộ đã tự chuyển đổi sang làm lán xưởng xản suất đồ mộc từ năm 2011. Đến nay đã tạo công ăn việc làm cho bà con trong và ngoài xã, phát triển kinh tế. Phải tháo dỡ lán xưởng trong thời gian ngắn sẽ gây thiệt hại về kinh tế rất lớn cho người dân, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Chúng tôi mong muốn huyện tạo điều kiện để người dân đỡ thiệt hại tài sản".
Ông Lê Xuân Mỹ, cụm 1, xã Liên Hà cho biết: "Các lán xưởng tại khu Trũng Phan xây dựng do canh tác không hiệu quả, bà con lại thiếu diện tích để sản xuất làng nghề. Ước tính thu nhập từ làm nghề khoảng 10-30 triệu đồng/tháng trong khi trồng cây chỉ bằng 1/10. Khi xây dựng, người dân cũng phải vay vốn ngân hàng và các tổ chức tín dụng, đến nay vẫn đang nợ. Khi nghe tin phải tháo dỡ lán xưởng, chúng tôi rất hoang mang, lo lắng. Người lao động sẽ mất việc làm, kinh tế bị ảnh hưởng dẫn đến tình trạng tệ nạn xã hội. Vì vậy chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương có phương án hỗ trợ, gia hạn thời hạn di dời… để chúng tôi có cơ sở sản xuất mới".
Các lán xưởng xây dựng để làm cơ sở sản xuất đồ gỗ nội thất do thiếu diện tích sản xuất và việc canh tác không mang lại hiệu quả kinh tế. |
Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Thạc Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết, huyện rất chia sẻ với khó khăn của người dân, tuy nhiên, phải thực hiện việc xử lý vi phạm pháp luật về đất đai theo chỉ đạo của Thành ủy thành phố Hà Nội.
Hiện nay huyện Đan Phượng đang tập trung chỉ đạo xử lý vi phạm tại xã Liên Hồng, xã Liên Trung trước, sau đó là xã Liên Hà. Việc xử lý tại khu Trũng Phan sau cùng là tạo điều kiện cho các hộ dân tự khắc phục hậu quả, tự thực hiện việc di dời tài sản trên đất vi phạm để hạn chế thấp nhất những thiệt hại về kinh tế, tài sản khi phải cưỡng chế.
Ông Hùng cũng cho biết, hiện nay huyện Đan Phượng đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cụm công nghiệp tại xã Hồng Hà, xã Song Phượng, cụm công nghiệp Đan Phượng (giai đoạn 2) để tạo mặt bằng, địa điểm sản xuất công nghiệp. Các hộ dân có nhu cầu có thể tự thuê với chủ đầu tư là công ty Xuân Phương, công ty Thăng Long, công ty Tuấn Quỳnh hoặc huyện sẽ làm đầu mối tạo điều kiện cho các hộ tiếp xúc với các chủ đầu tư.
Người dân mong muốn được giãn thời gian xử lý để di dời nhà xưởng, máy móc. |
Được biết, tại khu Trũng Phan có 127 hộ dân với 171 lán xưởng sản xuất đồ mộc, sử dụng đất sai mục đích với tổng diện tích khoảng hơn 6,8 ha.
Ông Đinh Hữu Thành, Chủ tịch UBND xã Liên Hà cho biết, địa phương chia sẻ những khó khăn của người dân nhưng khẳng định, họ phải thực hiện việc xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.
"Việc phải tháo dỡ, di dời tài sản vi phạm là việc không mong muốn của các hộ dân. Tuy nhiên, khi có vi phạm là phải xử lý theo quy định của pháp luật, đã có chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Hà Nội…", ông Thành thông tin.
Về những mong muốn của người dân sau khi thực hiện việc khắc phục vi phạm tháo dỡ các lán xưởng sẽ phải tìm kiếm công việc, ổn định đời sống, Chủ tịch UBND xã Liên Hà nhấn mạnh, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có định hướng công ăn việc làm cho người dân. "Đây cũng là vấn đề phức tạp mà địa phương cũng trăn trở. Thu nhập của một người dân làm nghề ở Trũng Phan đạt khoảng từ 10 - 15 triệu/tháng đủ nuôi 3 - 4 người trong nhà. Chủ xưởng sản xuất cũng phân tích lương công nhân, địa phương hiểu đã báo cáo lại huyện và công an để hiểu về vấn đề an sinh...", ông Thành cho biết.