Tháp Nhạn Phú Yên – Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt

Văn hóa - Thể thao 07/04/2023 14:44
Vừa biểu diễn, vừa sáng tác
Theo nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, thì người nhạc sĩ - nghệ sĩ biểu diễn của tín ngưỡng Tam phủ/Tứ phủ trước hết và có tính tiên quyết là phải có giọng hát hay. Không có giọng hát hay không thể trở thành cung văn đích thực. Bởi giọng hát hay của cung văn là chìa khóa mở cánh cửa cảm xúc, nối sợi dây rung cảm giữa người trình diễn (dâng văn) đến với người ngồi đồng.
Do vậy, để trở thành một cung văn có văn - nhạc song toàn, các nhạc sinh cung văn mới nhập môn phải nhận được sự dạy dỗ rất nghiêm chỉnh của các bậc thầy đi trước. Họ phải theo thầy học nhiều năm (học tại gia, học tại đền, học ngay khi hầu thánh), học để không chỉ thuộc lời văn, mà còn để biết vận dụng văn đúng lúc, đúng giá đồng khi thánh giáng; học để chơi thành thạo đàn nguyệt, đàn nhị, sáo, học thành thạo bộ gõ (trống, phách, mõ, chuông, bập beng, kẻng) và đặc biệt phải biết hát, biết “nới văn” để khích lệ ông/bà đồng khi đang nhập thánh.
Hơn nữa, giọng hát hay là lực đẩy mạnh mẽ, nhanh chóng đưa người ngồi đồng vào trạng thái nhập đồng. Chuyện kể của con nhang Bùi Văn Tương (Ninh Bình) về cung văn Viễn được thanh đồng Tuệ hầu giá ông Hoàng Bảy (Bảo Hà, Lào Cai) thưởng đến 5 triệu tiền lộc. Chính là nhờ sự thăng hoa của cung văn khi dùng lời ca, tiếng nhạc làm cho thanh đồng thêm say đắm, hay nói như dân trong nghề thì, cung văn “nịnh đồng” rất hay.
![]() |
Tuy nhiên, theo luận giải của nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, nếu chỉ có giọng hát hay, còn nhạc cụ đệm phải nhờ vào người khác cũng không đủ tiêu chuẩn của một cung văn thực thụ. Do đó, muốn trở thành cung văn, người nghệ nhân phải hội tụ đủ hai yếu tố cung và văn. Văn là nội dung tư tưởng dâng trình thánh, cung là biểu diễn các nội dung đó bằng âm nhạc. Khi thánh về nhập đồng, thánh hành động, cung văn lại bị cuốn hút ngược lại vào quá trình hành động của thánh đang diễn ra trên thân xác của thanh đồng. Sự kích hoạt này làm cho cách hát của cung văn thay đổi nhịp độ, nồng độ (tempo) liên tục theo hành vi của vị thánh khi đã giáng nhập vào thanh đồng. Sự thay đổi tempo là nguyên nhân khiến cho cung văn phải tự đàn hát mới thực sự thỏa mãn sự hứng khởi cực thịnh của mình. Vì không tay đàn nào có thể theo kịp một cách hoàn hảo sự thay đổi tempo của cung văn khi dâng văn.
“Mặt khác, khi đàn hát cho thanh đồng, cung văn còn phải “đảo văn”, “nới văn”, “biến điệu”, thậm chí là thêm các thổ ngữ, thêm từ, thêm câu một cách ngẫu hứng để tạo thêm sự phong phú cho lời văn và gây thêm sự hưng phấn cho thanh đồng. Sự sáng tạo ngẫu hứng trong lúc hầu thánh đó, buộc cung văn phải vừa làm nhạc công, vừa làm ca sĩ mới có thể đáp ứng kịp nhu cầu sáng tạo ngẫu hứng tức thì của mình khi hát”, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan nhấn mạnh.
Đạt tầm cao về tính thẩm mĩ, nghệ thuật
Theo nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Bùi Trọng Hiền, trước hết, cần phải thấy rằng, nghệ thuật âm nhạc trong hát văn với hệ thống kĩ thuật biểu hiện phức tạp đã đạt tới tầm cao của một thể loại chuyên nghiệp trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam.
Ở đây, dường như chúng ta có thể cảm nhận được rằng, không có một thể loại âm nhạc tôn giáo tín ngưỡng nào ở Việt Nam đạt được tầm cao về tính thẩm mĩ nghệ thuật như hát văn. Trong đó, chúng ta tìm thấy sự phát triển tột bậc cả về làn điệu âm nhạc cũng như hệ thống kĩ thuật biểu cảm của nhạc thanh.
Trong nghệ thuật hát văn không thể không nói đến hệ thống làn điệu phong phú, tinh tế, biểu cảm nhiều sắc thái tình cảm của con người thông qua bóng dáng của chư vị thánh thần. Trong đó, hình thành nhiều làn điệu mang tính chuyên dùng khá cao thể hiện những vai vế, tính cách và giới tính riêng biệt. Với sự đề cao những mô hình tiết tấu có tính chu kì, âm nhạc hát văn tựa như những vũ điệu của thánh thần, dìu dặt và mê hoặc lòng người. Cả cung văn và các con nhang đệ tử như tỉnh, như say trong sự hòa quyện đồng điệu. Giai điệu tiếng đàn, giọng hát chầu văn có sức quyến rũ đặc biệt. Dập dìu trên nền nhịp phách lúc ẩn lúc hiện, nhiều làn điệu mang đậm tính trữ tình, như dáng vẻ của những gì ngọt ngào, mềm mại, thân thương của nữ tính - của Mẹ - Thánh Mẫu trong hệ thống thần điện Tam phủ/ Tứ phủ của người Việt.
![]() |
Ý đẹp, lời hay
Âm nhạc của diễn xướng Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đã hình thành từ lâu, mang bản sắc riêng và có thể quy định chặt chẽ về làn điệu, cũng như cách thức trình diễn.
Thể loại âm nhạc này quy tụ khá nhiều các hình thức dân ca nên nó gần gũi với dân ca ở tiết tấu, giai điệu, lời ca. Cấu trúc của loại hình âm nhạc này vừa cân đối, vừa hoàn chỉnh trong câu văn, làn điệu nhưng mặt khác vẫn là một cấu trúc mở. Nghĩa là giai điệu của nó được lặp đi lặp lại để chứa đựng nội dung ca từ, âm nhạc và kết hợp với múa thành nghệ thuật diễn xướng Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Nhìn nhận diễn xướng Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu từ nhiều góc độ, dù có thể bị bao bọc bởi lớp tín ngưỡng, nhưng nó vẫn được coi là một di sản văn hoá vùng miền. Nó vẫn tồn tại trong các hoạt động văn hoá truyền thống, như một cái riêng là một bộ phận không thể thiếu, trong các lễ hội cũng như các hoạt động tín ngưỡng của người dân.
Về nội dung, các giá văn cổ truyền bao giờ cũng mở đầu là một vài câu thỉnh. Thỉnh là mời, là triệu tập vị thánh nào đó về trần để chứng kiến lòng thành và giải quyết cho công việc của tín chủ cùng các con nhang đệ tử. Đó là thông điệp ban đầu giữa con người và thần thánh trong quan niệm tín ngưỡng. Sau tín hiệu nhập cuộc, hầu hết các bài văn cổ truyền đều kể về sự tích, lai lịch các vị thánh có công với đất nước trong lịch sử dân tộc mà tên tuổi, sự nghiệp của họ đã khắc thành những dấu ấn đậm trong tâm tưởng của người dân. Dấu ấn ấy qua tín ngưỡng dân gian dần dần thành những ca từ đầy màu sắc huyền bí. Trừ bốn Mẫu: Thượng thiên, Thượng ngàn, Mẫu địa, Mẫu thoải là biểu trưng xa xưa của dân tộc. Còn lại, từ các quan lớn, quan hoàng, đến các vị thánh nữ trong chầu văn đều có tên tuổi và gắn liền với một thời kì lịch sử, một triều đại phong kiến nào đó. Chầu văn kể về họ ở hai cõi: Cõi trần thế khi còn sống và cõi siêu phàm khi đã thoát tục, như: Văn chầu Đức Thánh Trần, thuật lại lai lịch của vị anh hùng dân tộc theo đúng nội dung của truyền thuyết dân gian và là người nhà trời giáng thế phù dân nước Nam đánh đuổi quân Mông ra khỏi bờ cõi.
Ngoài ra qua nghiên cứu ta thấy, các bài chầu văn xưa còn có nội dung khắc họa một số chân dung nhân vật một cách trực quan về công việc được nhân gian truyền tụng như: Cô Đôi Cam Đường, dạy dân trồng dâu, nuôi tằm dệt vải. Cô bé Suối Ngang dạy dân đàn, hát, dạy voi kéo gỗ…
Nhìn chung trong diễn xướng Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, nội dung ca từ của các nhân vật nữ được mô tả nhiều hơn và hay hơn các nhân vật nam. Nội dung ca từ ở phạm vi này thường tuân thủ theo tiêu chuẩn hoàn thiện của phụ nữ là Công, Dung, Ngôn, Hạnh. Đây cũng là điểm nhấn trong nội dung ca từ của các cung văn khi ca ngợi người mẹ, làm xóa nhòa khoảng cách về giới trong xã hội xưa.
TS. Trần Hải Minh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch tỉnh Nam Định nhận xét: “Như chúng ta biết, thể thơ lục bát được phổ biến ở Việt Nam ở thời Hậu Lê giàu nhạc điệu, trữ tình, có sắc thái mượt mà, êm dịu, nhưng cũng rất sôi động, bay bổng. Thơ song thất lục bát khỏe khoắn, trang nghiêm, nhưng cũng rất trữ tình, mềm mại. Hai thể thơ lục bát và song thất lục bát đã được Nhân dân vận dụng thành hình thức ca từ của chầu văn. Có thể nói, không có hình thức ca từ bằng thể thơ lục bát và song thất lục bát thì khó thành diễn xướng Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu”.
Nếu như các hình thức tôn giáo, tín ngưỡng nói chung thường lấy hệ thống giáo lí, kinh kệ làm phương tiện chủ đạo xoa dịu nỗi đau của loài người, thì tín ngưỡng thờ Mẫu lại sử dụng nghệ thuật âm nhạc làm công cụ đắc lực của mình. Có lẽ vậy, từ bao đời nay, hát chầu văn luôn được biết đến như một thể loại âm nhạc nghi lễ tín ngưỡng đặc sắc. Là hồn cốt của nghi thức hầu đồng và là món ăn tinh thần của người Việt.
“Món ăn” tinh thần của người Việt
Theo những “con nhang” lớn tuổi kể lại, trường hợp rủ nhau từng nhóm 7 - 8 người đi xem hầu đồng, hay các cô gái trẻ bỏ nhà đi theo anh cung văn là hiện tượng không hiếm.
Về chuyện này hãy nghe nhà văn Nguyễn Dậu (1970, Tiếng hát, giọng hát chầu văn, đăng trên Tạp chí Văn hóa, số Tết), ông kể lại: “… lúc còn thơ dại, sống trong một xóm thợ khốn đốn bên cạnh nhà máy xi măng Hải Phòng, tối nào tôi cũng lội qua đầm Thượng Lý, chui qua hàng rào xương rồng, tả xung hữu đột với đàn chó dữ, rồi mon men đến trước cửa đình của mụ đồng Cao, mụ kí Cách, mụ cai Điền mà mê mẩn nghe hát suốt đêm. Tôi nghe. Tôi ngắm. Tôi thèm thuồng và ước ao sao cho mình sau này trở thành một bác cung văn có đôi môi lem lẻm nhường kia. Người lớn trong xóm thợ thường nói rằng, dân cung văn nó quyến gái đi như gió quyến lá. Điều đó hình như cũng có. Một bà dì, em mẹ tôi cũng vì say đắm cái điệu tích tịch tình tang ứ ư … kia mà bỏ làng Cam Lộ đi biệt tích. Kế đó thì thiên hạ có đồn rằng, đâu như thấy dì tôi cùng với một bác cung văn sứt răng cửa đàn hát tại vùng đền Sòng Phố Cát… Ông bà tôi buồn bực. Còn tôi, lạy thánh mớ bái, chứ cái hồi bé dại ấy, tôi lại mừng cho dì tôi”.
Có lẽ, nhờ nhà văn Nguyễn Dậu, tôi mới lí giải được những băn khoăn từ khi dự lễ hầu đồng tại đền Cô Bơ (Thanh Hóa), đền Cô Ba Nhà Gác (Hòa Bình), chùa Bàn Long (Ninh Bình), đền Bảo Lộc (Nam Định),… hay ở một nơi nào đó. Là thường có một cô gái trẻ xinh đẹp hay ngồi trò chuyện thân mật cùng một số bác cung văn. Lúc đầu cứ tưởng đó là người phụ giúp, nhưng khi được nghe cung văn hát, rồi nghe nhà văn Nguyễn Dậu mô tả và được nghe các cụ cao tuổi trong làng kể lại, tôi mới hiểu được cái hay, cái đắm đuối của hát văn như thế nào. Và có lẽ cô gái mà tôi nhìn thấy trong những lần hầu đồng kia cũng bị quyến đi như vậy?
Chia sẻ với Thời Đại, ông Trần Văn Hoàng (Bảo Lộc, Nam Định) cho biết, xem hầu đồng, đặc biệt là âm nhạc, nó làm cho tôi cảm thấy khoan khoái tinh thần, quên đi những mệt mỏi trong cuộc sống hằng ngày. Chúng tôi có nhóm khoảng chục người, hễ ai biết chỗ nào có lễ hầu đồng, sắp xếp công việc, thời gian là rủ nhau đến xem. Không chỉ xem biểu diễn ở đền, phủ, các bài hát chầu văn là thể loại âm nhạc chính tôi thường nghe ở nhà.
Có thể nói, hiện tượng đó là một minh chứng hùng hồn cho sức quyến rũ của hát văn. Ở đây, chúng tôi cho rằng, sức quyến rũ của âm nhạc chính là một lực hấp dẫn quan trọng thu hút công chúng đến với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ/ Tứ phủ.
Ở góc độ khác, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Văn Thư chia sẻ rằng: Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt khẳng định những giá trị nổi bật của di sản, góp phần tăng cường vị trí, vai trò của di sản văn hóa đối với đời sống xã hội, làm giàu thêm bức tranh đa dạng văn hóa của Việt Nam và nhân loại. Đồng thời, cũng nhắc nhở chúng ta nâng cao nhận thức và tầm nhìn về giá trị của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đối với xã hội. Ở lĩnh vực tâm linh, văn hóa, nghệ thuật, vấn đề ứng xử và tôn vinh người Mẹ, những người có công với dân với nước. Biểu tượng của tình yêu bao la, sự bao dung, che chở của người Mẹ, từng lời ca, tiếng nhạc có ý nghĩa thiết thực trong sự kết nối giữa những cá nhân, nhóm người, cộng đồng người Việt ở trong nước, hải ngoại và các dân tộc khác trên thế giới.
Cùng quan điểm này, tiến sĩ Trần Hải Minh nhận định: Nhìn từ góc độ văn hoá, thông qua nội dung các bài chầu văn đã làm thức dậy trong ta lòng biết ơn, tưởng nhớ tới những người có công với đất nước. Từ đó có ý thức, trách nhiệm trong việc nối tiếp, gìn giữ truyền thống của ông cha ta để lại. Đồng thời giáo dục thế hệ trẻ kế thừa và phát huy, với đạo lí uống nước nhớ nguồn.
Mặt khác, nghi thức hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu là một hiện tượng sinh hoạt tín ngưỡng - văn hoá đang diễn ra một cách sống động trong đời sống hằng ngày của Nhân dân ta. Nó đáp ứng nhu cầu không chỉ đời sống tâm linh mà còn cả đời sống nghệ thuật. Thực ra, linh cảm và mĩ cảm không tách rời nhau mà gắn bó mật thiết, cái nọ làm tiền đề cho sự nảy nở và tồn tại của cái kia. Đến với tín ngưỡng Mẫu, thông qua các ông đồng, bà đồng, giao tiếp với Thánh Mẫu để thoả mãn cầu may, ước vọng của mình, là đức tin vào sự thiêng liêng, phù hộ độ trì của Thánh Mẫu đối với con người.
Tín ngưỡng thờ Mẫu khác biệt cơ bản với các tôn giáo tín ngưỡng khác là không hướng về đời sống bên kia sau cái chết mà là đời sống thực tại với ước vọng sức khoẻ, tài lộc và may mắn. Đó là ước vọng mang tính huyền bí và hấp dẫn với tất cả mọi người ở mọi thời đại. Song hành với đó là diễn xướng hầu đồng, mà thể loại âm nhạc thiêng (hát chầu văn) cũng tồn tại và ngấm sâu vào tâm trí người Việt.