Doanh nhân Nguyễn Duy Đài sáng chế thành công “chiếc giường tiện ích” dành cho người bệnh
Nhân Ái 19/05/2023 09:04
Nguyễn Duy Đài, sinh năm 1976, trong một gia đình có 8 anh chị em, anh là người con thứ 5 nhưng số phận không may mắn đến với anh. Khi được 5 tháng tuổi, một cơn sốt khiến anh bị co giật kéo theo đôi chân không thể cử động được. Thương anh, cha mẹ bồng bế con đi chữa chạy khắp nơi mà vẫn không thấy chuyển biến, đôi chân ngày càng bị teo tóp, dị dạng. Nuốt nước mắt vào trong, cha mẹ anh đành chấp nhận số phận của con trai mình gắn liền với đôi chân tàn phế. Khó khăn là vậy nhưng gia đình vẫn tạo mọi điều kiện để anh được đi học. Và đến năm học xong lớp 9 cảm nhận được nỗi vất vả của cha mẹ, anh quyết định dừng học văn hóa chuyển sang học nghề điện tử - một ngành nghề mà anh luôn ao ước, phù hợp với thể trạng của mình và giúp đỡ được gia đình. Để có tiền ăn học, anh xin làm thêm công việc như đánh giấy giáp ở nhiều xưởng mộc khác nhau, thậm chí anh phải lên tận Hà Giang để tìm việc làm nhưng cũng chỉ được thời gian ngắn do các cơ sở sản xuất hết việc.
Trụ sở Công ty TNHH công nghệ xanh Hòa Phát |
Làm gì với số tiền công ít ỏi dành dụm được, anh quyết định lên Hà Nội tiếp tục xin học nghề điện tử tại một cơ sở tư nhân. Song cái khó là thân hình của mình không lành lặn khiến thầy giáo có phần ái ngại…nhưng thật may mắn, anh đã được tiếp nhận. Để đền đáp ân tình ấy, bên cạnh việc học nghề, anh nhận làm tất cả các việc có thể từ việc lau nhà và giặt giũ quần áo để kiếm thêm thu nhập. Năm tháng trôi qua, anh đã học thành nghề và quyết chí khởi nghiệp nhiều lần thậm chí vào cả Tây Nguyên tất cả đều thất bại. Chính trong lúc bế tắc lại sống xa nhà, xa người thân thì hạnh phúc bất ngờ đã đến với anh. Trong một lần tình cờ, anh gặp được chị Trần Thị Huệ, tình yêu chớm nở rồi nên vợ, nên chồng. Cuối cùng anh chị quyết định trở về quê hương lập nghiệp sau nhiều năm tha phương và cũng là mong ước của bố anh khi còn sống muốn anh thay đổi cuộc đời của mình ngay trên mảnh đất quê hương.
Năm 2003, vợ anh sinh cháu đầu lòng một phần thưởng ngọt ngào vô giá được kết tinh bằng tình yêu và nghị lực của hai người. Cũng thời gian này anh mở cửa hàng sửa chữa điện tử trong sự giúp đỡ và ủng hộ của bà con lối xóm. Hai năm sau, khi cửa hàng của anh có tiếng, khách hàng gần xa ủng hộ nên thu nhập gia đình có khấm khá hơn và vợ anh hạ sinh cháu gái thứ hai. Năm 2012, gia đình lại đón tin vui khi cháu Nguyễn Hòa Phát chào đời, anh nghĩ đây là lộc trời cho, anh tiếp tục mở rộng mô hình kinh doanh với đa dạng hóa ngành nghề: vừa làm đại lý cung cấp sơn, vừa tổ chức thi công trang trí nội thất cho các gia đình…Với uy tín sẵn có và được mọi người tin dùng, anh đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 20 lao động có mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng. Biết mình có lợi thế trong lĩnh vực cơ khí - điện tử, anh đã đi sâu nghiên cứu và sản xuất thành công máy lọc nước NaKa HD với nhiều tính năng tiện ích. Sản phẩm được Tổng cục đo lường chất lượng Việt Nam cấp phép và cho lưu hành sử dụng trên toàn quốc.
Doanh nhân Nguyễn Duy Đài cùng vợ và các con |
Không dừng lại ở đó, doanh nhân Nguyễn Duy Đài tiếp tục bắt tay vào nghiên cứu chiếc giường tiện ích để phục vụ người khuyết tật bị liệt cũng như đối với những người không may bị bệnh bại liệt, tai biến không thể tự phục vụ. Sau khi được đi tham quan nhiều nơi, được khám phá nhiều mô hình sản xuất công cụ, dụng cụ cho người khuyết tật, người bị bại liệt ở nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…anh đã thiết kế thành công chiếc giường tiện ích phục vụ người bệnh có thể lau rửa, thay quần áo cũng như tiểu tiện, đại tiện tại giường mà vẫn đảm bảo được vệ sinh sạch sẽ, kín đáo cho người bệnh, giảm thiểu công sức cho người phục vụ.
Năm 2022, chiếc giường tiện ích mang tên “Chiếc giường màn che” của doanh nhân Nguyễn Duy Đài được Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận về sáng chế “Chiếc giường dành cho người bệnh”. Thành quả đó là niềm vui của không chỉ riêng anh, mà còn là niềm tự hào của những người khuyết tật và người Việt Nam nói chung. Với anh, ước mơ duy nhất bây giờ là làm sao đưa vào sản xuất hàng loạt những chiếc giường để phục vụ người bệnh và hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho người thân của họ - Bởi hơn ai hết anh là người thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn này.