Đô thị hóa và bài học nhãn tiền
Xã hội 15/10/2020 09:23
Nắm bắt được đà đô thị hóa không sớm thì muộn sẽ diễn ra tại các làng quê quanh khu công nghiệp nên không ít những nhà đầu tư bất động sản đã đổ về “nhòm ngó”, rồi mua đất ở phục vụ mục đích kinh doanh, vì vậy cơn sốt đất “nóng” hầm hập kéo tới. Tự dưng giá đất “nhảy” lên tới vài tỉ bạc/sào, khiến cho người nông dân choáng váng, mừng rỡ… nhà nào nhà ấy đua nhau cắt bớt phần đất ở rộng rãi của mình để bán lấy tiền. Đa phần các hộ nông dân vốn nghèo túng trở thành... tỉ phú nhờ đất!
Tưởng có tiền là đời... lên tiên!
Có đồng tiền trong tay, cuộc sống của những hộ nông dân sang trang, đổi đời. Với tâm lí muốn hưởng thụ sau gần trọn đời người sống trong kiếp chân lấm tay bùn nghèo khổ, sẵn có tiền nên vung thẳng tay. Nhà thì “quăng” cho con cái mỗi người vài ba chục triệu đồng để mua xe gắn máy đời mới, mua vàng, các loại trang sức để đeo cho... sang chảnh. Có gia đình xây nhà 2, 3 tầng lầu giữa các lùm tre xanh để chứng minh cho thiên hạ biết là mình đã trở thành người giàu có...
Nhiều hộ gia đình nông dân ở các vùng đô thị hóa xây biệt thự và đổi đời nhờ đất sốt giá |
Không chỉ đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị sinh hoạt, xây dựng nhà cửa..., lối sống của những người nông dân bỗng dưng giàu có cũng thay đổi tới chóng mặt, chẳng thiết làm ăn, đồng ruộng bỏ hoang cho cỏ dại mọc, hoặc cho người khác mượn đất để canh tác gì tùy ý… Bởi họ nghĩ, số tiền hiện có tiêu đến già cũng không hết, làm gì cho mệt thân...
Có tiền cùng với suy nghĩ phải hưởng thụ nên hầu hết các gia đình bán đất tiêu pha cực kì bạt mạng. Đặc biệt là những thanh niên choai choai tuổi 15-17 bỏ cả học hành, làm ăn, mà chuyển qua chơi bời, thậm chí không ít sa vào cờ bạc, hút hít ma túy, heroin. Rất hiếm gia đình hướng cho con cái bước tiếp con đường học hành, chuẩn bị cho tương lai bằng học thức, hay chí thú làm ăn, ngoan ngoãn... Nếu làm vậy họ bị coi là lạc quẻ, bị những “trọc phú” láng giềng bài xích, dè bỉu.
Bài học nhãn tiền
Đã hơn chục năm trôi qua, những triệu phú, tỉ phú nhờ bán đất ngày ấy giờ không ít người lâm vào tình cảnh bi đát, tiền bạc, tài sản… đội nón ra đi hết, có gia đình còn lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Nhưng cũng không ít hộ tán gia bại sản vì sốt đất, khi phải ra ruộng dựng lều ở vì ăn tiêu không có kế hoạch |
Các cụ ta xưa đúc kết “miệng ăn núi lở”, chỉ lo ăn xài hưởng thụ thì lưng vốn vài ba tỉ thấm tháp chi… Thế là lại về… mo! Thậm chí còn cực hơn hồi chưa bán đất bởi không biết làm ăn thế nào, sinh sống ra sao…
Mới đây trở về quê, nghe mẹ tôi kể gia đình hàng xóm từng có thời “lên tiên” vì có 3,5 tỉ đồng bán đất nay không còn ở trong làng nữa, vì nhà cửa bán hết trả nợ cờ bạc và cung phụng 3 ông con trai nghiện. Cả gia đình ra cánh đồng dựng tạm túp lều trên đất nông nghiệp để chăn gà, nuôi lợn, trồng rau bán... lấy nguồn sống qua ngày.
Chẳng riêng gia đình đó mà rất nhiều các gia đình khác trong xóm, trong làng và nhiều làng xã khác quanh khu công nghiệp đều rơi vào tình cảnh tương tự, khi bất chợt trở nên giàu có không phải do sức lao động, hoặc lao tâm khổ tứ kiếm được nên tiêu pha bạt mạng, cuối cùng lại trở về với con số không như thuở ban đầu.
Còn rất nhiều trường hợp “đại gia” chân đất ở vùng ngoại thành quê tôi nói riêng và các vùng đã, đang trong đà đô thị hóa khác nói chung, mà bài viết này không thể nêu hết được. Thế nhưng chỉ với một vài trường hợp kể trên cũng đủ để thấy rằng, nếu không chí thú làm ăn, chăm chỉ kiếm sống, tiêu pha tiết kiệm thì cũng có ngày… trắng tay!