Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh tháo gỡ khó khăn cho người lao động
Kinh tế 13/05/2020 08:35
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, mức giảm trừ gia cảnh với đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là một trong những giải pháp chính sách tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trước tác động của đại dịch Covid-19.
Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi, chính sách này sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng so với thời điểm năm 2013. Số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng nộp thuế, trong đó mức độ giảm số thuế phải nộp của nhóm người nộp thuế ở bậc thuế thấp sẽ cao hơn so với những người nộp thuế ở bậc thuế cao.
Nếu theo quy định hiện hành, người có thu nhập dưới 15 triệu đồng kèm một người phụ thuộc phải nộp thuế 120.000 đồng mỗi tháng, thì khi có điều chỉnh, những người có mức thu nhập này sẽ không phải nộp thuế. Tương tự, người có thu nhập 20 triệu đồng/tháng và 1 người phụ thuộc, hiện phải nộp 490.000 đồng tiền thuế mỗi tháng (2,5% thu nhập). Mức tiền phải nộp tính theo giảm trừ gia cảnh mới sẽ là 230.000 đồng (1,2% thu nhập), giảm hơn 48%.
Với những người nộp thuế ở bậc cao, như thu nhập 70 triệu đồng/tháng và có 1 người phụ thuộc, hiện nộp tổng cộng 11,37 triệu đồng tiền thuế thu nhập (16,2% thu nhập), khi chuyển sang mức giảm trừ mới, số tiền phải nộp sẽ giảm xuống 10,53 triệu đồng (15% thu nhập), tương đương giảm hơn 7%. Về thời điểm áp dụng, Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh nêu trên sẽ áp dụng từ kì tính thuế năm 2020.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hết tháng 12/2019, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng hơn 23%. Theo quy định, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% thì Chính phủ trình UBTV Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Theo đúng quy định, Bộ Tài chính điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Đánh giá tác động của việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh lên ngân sách, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, ngân sách sẽ giảm thu hơn 10.000 tỉ đồng. Nhưng trên thực tế, số thuế có thể sẽ sụt giảm không lớn so với tốc độ tăng thu từ Thuế thu nhập cá nhân.
Có ý kiến đề nghị điều chỉnh giảm trừ gia cảnh ở mức cao hơn cho phù hợp tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người, tiền lương tối thiểu vùng, mức thu nhập và chi tiêu trung bình xã hội. Về ý kiến này, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho hay, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh lần này phải thực hiện đúng theo quy định tại khoản 4, Điều 1 nói trên là căn cứ vào chỉ số CPI từ thời điểm Luật số 26/2012/QH13 có hiệu lực thi hành (ngày 1/7/2013) để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với sự biến động của giá cả. Việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo các tiêu chí khác phải được sửa đổi, bổ sung tại Luật và thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Qua nghiên cứu, rà soát của Bộ Tài chính thì còn nhiều nội dung khác cần được xem xét, sửa đổi tại Luật Thuế thu nhập cá nhân như: Rà soát, mở rộng thu nhập chịu thuế; xem xét điều chỉnh biểu thuế; đối tượng miễn thuế, giảm thuế; sửa đổi các quy định liên quan đến quyết toán thuế, hoàn thuế...
Có ý kiến đề nghị quy định mức giảm trừ gia cảnh cao hơn cho cá nhân sinh sống và làm việc tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh phải thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành là áp dụng chung cho mọi đối tượng nộp thuế, không phân biệt ở nông thôn hay thành phố. Mức giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ trước khi tính Thuế thu nhập cá nhân cho bản thân người nộp thuế và những người phụ thuộc mà người nộp thuế có trách nhiệm phải nuôi dưỡng.
Việc so sánh nông thôn và thành thị cần phải so sánh trên nhiều yếu tố như về mức thu nhập bình quân, phúc lợi xã hội, điều kiện giáo dục, y tế, văn hóa… Kinh nghiệm một số nước cho rằng, người sống ở thành thị được hưởng nhiều lợi ích hơn thì phải đóng góp xã hội nhiều hơn khi sống ở thành thị.