Diện mạo huyện nông thôn mới nâng cao đầu tiên ở Thanh Hóa
Tin tức 17/01/2025 14:05
Trở lại huyện Thọ Xuân những ngày giáp Tết Ất Tỵ 2025, chúng tôi cảm nhận được không khí rộn ràng, vui tươi của mùa Xuân đang đến rất gần. Nhiều trục đường thảm nhựa rộng rãi được trang hoàng cờ hoa rực rỡ, những ngôi nhà hai bên đường được người dân chăm chút sạch sẽ, tạo nên bức tranh NTM trù phú và bình yên.
Ngày 6/11/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1339/QĐ-TTg công nhận huyện Thọ Xuân đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023. Với quyết định này, Thọ Xuân chính thức trở thành huyện đầu tiên của Thanh Hóa đạt chuẩn NTM nâng cao. Đây là thành quả sau hơn 4 năm nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận và tham gia tích cực của nhân dân.
Tuyến đường xanh - sạch - đẹp ở thị trấn Thọ Xuân, huyện Thọ Xuân. |
Trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2023, huyện Thọ Xuân đã huy động hơn 11,2 nghìn tỷ đồng để xây dựng NTM, trong đó nguồn huy động từ nhân dân gần 7.000 tỷ đồng (chiếm 62%). Cùng với đó, người dân đã tích cực hiến hàng trăm nghìn mét vuông đất, đóng góp hàng chục nghìn ngày công lao động để thực hiện các công trình hạ tầng. Từ nguồn vốn huy động, huyện đã đầu tư vào các nhóm tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao; trong đó tập trung trọng tâm vào 2 nhóm tiêu chí là xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và phát triển sản xuất.
Với quyết tâm và sự đồng thuận trong cách nghĩ, cách làm, những năm qua tình hình kinh tế - xã hội của huyện Thọ Xuân có bước phát triển toàn diện. Tốc độ tăng giá trị sản xuất năm 2023 đạt 8,7% đứng thứ 2 trong 27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đời sống của người dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 63,7 triệu đồng (gấp 1,5 lần so với năm 2019 và gấp 1,2 lần so với bình quân chung của tỉnh). Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ; bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững, đồng thời chuyển dịch dần theo hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn theo chuỗi giá trị.
Năm 2023 giá trị toàn ngành nông, lâm, thủy sản của huyện Thọ Xuân đạt 4.024 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), chiếm 18,6% cơ cấu kinh tế toàn huyện. Trong đó, ngành trồng trọt 2.022 tỷ đồng, chiếm 50,25%; ngành chăn nuôi 1.793,9 tỷ đồng, chiếm 44,58%; ngành lâm nghiệp 50,1 tỷ đồng chiếm 1,25%; ngành thủy sản 158 tỷ đồng, chiếm 3,92%. Thọ Xuân cũng là địa phương đứng đầu cả tỉnh với 38 sản phẩm OCOP, trong đó, có 1 sản phẩm 4 sao, 37 sản phẩm 3 sao.
Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ tại huyện Thọ Xuân. |
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đến nay giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện đạt 7.018 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010). Toàn huyện có 150 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, trên 3.500 cơ sở sản xuất; 5 làng nghề, 2 nghề tiểu thủ công nghiệp đã được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận.
Lĩnh vực sản xuất công nghiệp có tổng số lao động hơn 13.000 người, tăng 6,5 lần so với năm 2011, thu nhập bình quân mỗi lao động từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng/tháng, tăng 2,5 lần đến 4 lần so với năm 2011. Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp có tổng số lao động hơn 7.500 người, thu nhập mỗi lao động bình quân 4 triệu đồng/tháng tăng 2,7 lần so với năm 2011.
Đến nay, huyện Thọ Xuân có 100% xã đạt chuẩn NTM, 15/26 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 3 thị trấn và đô thị Xuân Lai đạt chuẩn đô thị văn minh, 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, hoàn thành tiêu chí cấp huyện NTM nâng cao.
Trong những năm qua, huyện Thọ Xuân cũng làm rất tốt các chính sách giảm nghèo. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 2,56%. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân, y tế, giáo dục được chăm lo.
Công tác bảo vệ môi trường được địa phương đặc biệt quan tâm với việc vận động người dân phân loại rác thải tại nguồn với mô hình xử lý bằng men vi sinh IMO. Nhờ vậy, số lượng rác thải giảm từ 50-70% so với trước khi thực hiện phân loại và xử lý rác bằng men vi sinh.
Thọ Xuân cũng là địa phương đứng đầu cả tỉnh với 38 sản phẩm OCOP. |
Bên cạnh đó, phong trào xây dựng môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp được chú trọng với việc duy trì ngày Chủ nhật xanh trên địa bàn và được đưa vào hương ước, quy ước của 274 thôn, khu phố. Các khu trung tâm, điểm dân cư nông thôn đã được tăng cường trồng thêm cây xanh nhằm tạo bóng mát, bảo vệ môi trường, cảnh quan cho người dân trên địa bàn huyện.
Với những nỗ lực và thành tựu nổi bật, Thọ Xuân đang khẳng định vị thế là điểm sáng trong phong trào xây dựng NTM của cả nước, trở thành niềm tự hào của người dân địa phương.
Đối với phong trào xây dựng NTM, Hội NCT huyện Thọ Xuân đã tham gia tích cực cùng cấp ủy, chính quyền xây dựng thành công NTM nâng cao. Nhiều gương sáng NCT được cấp ủy, chính quyền ghi nhận và đánh giá cao. Điển hình như cụ Bùi Thị Hải (90 tuổi, ở xã Thọ Hải) đã vận động con, cháu ủng hộ 450 triệu đồng để xây dựng các công trình phúc lợi tại địa phương; bà Lê Thị Mai Hoa (thị trấn Lam Sơn) trích lương hưu, vận động con cháu ủng hộ trên 150 triệu đồng xây dựng NTM. Nhiều gương sáng NCT như cụ Phạm Hữu Hận (xã Nam Giang), cụ Ngô Hiền (xã Xuân Phú), cụ Lê Đình Hưng (xã Thuận Minh) đã hiến từ 100-200 m2 đất để xây dựng NTM... |