Đề xuất phạt 80 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin cá nhân trái phép
Tin pháp luật 18/02/2021 15:56
Cụ thể, tại dự thảo Nghị định quy định dữ liệu cá nhân được chia làm hai loại. Trong đó, loại dữ liệu cơ bản gồm họ và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; nhóm máu; giới tính; số điện thoại; nơi sinh; nơi thường trú; số chứng minh thư, căn cước công dân; tình trạng hôn nhân; số giấy phép lái xe; mã số thuế cá nhân,...
Loại dữ liệu cá nhân nhạy cảm gồm quan điểm chính trị, tôn giáo, tình trạng giới tính, đời sống, xu hướng tình dục,…
Về chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm quy định về xử lý dữ liệu cá nhân, Dự thảo quy định, phạt tiền từ 50-80 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Vi phạm quy định về quyền của chủ thể dữ liệu liên quan đến xử lý dữ liệu cá nhân; Vi phạm quy định về tiết lộ dữ liệu cá nhân; Vi phạm quy định về hạn chế quyền tiếp cận dữ liệu cá nhân, về sự đồng ý của chủ thể dữ liệu đối với dữ liệu cá nhân; Vi phạm quy định về xử lý dữ liệu cá nhân sau khi chủ thể dữ liệu chết; Vi phạm quy định về xử lý dữ liệu cá nhân trong trường hợp không có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu;
Ngoài ra, các hành vi vi phạm quy định về thông báo cho chủ thể dữ liệu về việc xử lý dữ liệu cá nhân; Vi phạm quy định về xử lý dữ liệu cá nhân phục vụ công tác nghiên cứu khoa học hoặc thống kê; về xử lý dữ liệu cá nhân tự động; về xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em…cũng bị phạt tiền từ 50-80 triệu đồng.
Mức phạt tiền sẽ tăng lên, từ 80-100 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không áp dụng biện pháp kỹ thuật và xây dựng quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; Vi phạm quy định về đăng ký xử lý dữ liệu cá nhân nhạy cảm; Vi phạm quy định về chuyển dữ liệu cá nhân qua biên giới; Vi phạm lần 2 đối với những hành vi được quy định tại khoản 1 Điều này.
Đề xuất phạt 80 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin cá nhân trái phép. Ảnh minh họa. |
Phạt tiền tối đa 5% tổng doanh thu của bên xử lý vi phạm dữ liệu cá nhân tại Việt Nam đối với các hành vi: Vi phạm lần 3 đối với những hành vi được quy định tại khoản 1 Điều này; Vi phạm lần 2 đối với những hành vi được quy định tại điểm a, b, c khoản 2 Điều này.
Bên cạnh đó, cá nhân vi phạm còn có thể bị đình chỉ xử lý dữ liệu cá nhân từ 1-3 tháng đối với hành vi vi phạm tại khoản 2 Điều này; Tước quyền sử dụng văn bản đồng ý xử lý dữ liệu cá nhân nhạy cảm và chuyển dữ liệu cá nhân ra khỏi biên giới lãnh thổ Việt Nam đồng thời phải buộc nộp lại số tiền có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều này.
Dự thảo Nghị định cũng cho phép bên thứ ba (tổ chức doanh nghiệp, bên xử lý dữ liệu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền) có thể tiết lộ dữ liệu cá nhân mà không cần có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu trong các trường hợp vì lợi ích, an ninh quốc gia; công bố trên phương tiện truyền thông vì mục đích quốc phòng, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng,...
Dự thảo nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân được đưa ra xin ý kiến các Bộ, ban ngành từ 9-2 đến 9-4.