Để chèo vang mãi...
Tuổi cao gương sáng 12/04/2022 09:41
Ở thôn Bình Lục Thượng, xã Hồng Phong, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, mọi người yêu mến gọi bà Môn bằng cái tên trìu mến “Bà lão yêu chèo”. Trò chuyện với chúng tôi, bà Môn tâm sự: “Tôi sinh ra trong một gia đình không có ai theo nghiệp ca hát, mẹ tôi quê gốc Thái Bình. Thái Bình cũng được mệnh danh là “cái nôi” của những làn điệu chèo. Từ nhỏ, tôi nghe mẹ hát trống quân, hát chèo nên những câu hát đã ngấm sâu trong tôi lúc nào không hay. Từ khi còn nhỏ, tôi đã rất tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở địa phương. Năm 1960, tôi được tuyển vào Đoàn nghệ thuật chèo Đông Triều. Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang diễn ra ác liệt, tôi cùng các diễn viên trong đoàn đi biểu diễn nhiều nơi, đóng góp tích cực vào phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, góp phần cổ vũ, động viên quân và dân quê hương đệ tứ chiến khu Đông Triều vừa chiến đấu chống ngoại xâm, vừa lao động sản xuất xây dựng quê hương, đất nước”.
Bà Môn (giữa) biểu diễn một tiết mục chèo cổ. |
Cứ thế, bà cùng các diễn viên của đoàn chèo đi biểu diễn ở khắp mọi nơi. Đoàn chèo của huyện đi đến đâu cũng được Nhân dân phấn khởi, vui mừng chào đón. Chia sẻ những kỉ niệm về quãng thời gian cùng đoàn chèo đi biểu diễn phục vụ Nhân dân: “Đó là năm 1965, tôi cùng các bạn đi hát phục vụ các chiến sĩ đang điều trị ở xã Minh Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Thấy đoàn chèo đến, các chiến sĩ vui lắm. Có nhiều chiến sĩ bị thương nặng, đến buổi tối, một chiến sĩ đi nạng đến xem, tay anh ấy cũng bị thương nữa. Vừa diễn xong, anh ấy lên tặng tôi một bông hoa cúc trắng, nhìn anh ấy mà tôi bật khóc nức nở”.
Năm 1967, bà chuyển sang công tác tại văn phòng. Ngoài chuyên môn, bà thường xuyên tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng do huyện tổ chức. Năm 1993, bà nghỉ hưu tại địa phương, lúc đó, tuổi đã cao, nhưng vẫn say mê hát và là thành viên của đội chèo NCT thị xã Đông Triều.
Từ khi nghỉ hưu, qua thực tế, bà đã sáng tác được nhiều bài chèo hay để phục vụ các câu lạc bộ chèo trên địa bàn thị xã Đông Triều. Dù không được đào tạo qua bất kì trường lớp nào, song bà vẫn tự mày mò nghiên cứu sáng tác, viết kịch bản và dàn dựng chương trình để đội chèo của địa phương đi biểu diễn trong các hội diễn và giao lưu với các địa phương khác.
Đến nay, bà Môn đã sáng tác được gần 50 bài chèo, tiểu phẩm, kịch bản chèo với nội dung phong phú, phù hợp với truyền thống của quê hương, đất nước và địa phương. Các tác phẩm chèo do bà sáng tác đã đoạt giải cao tại các hội diễn văn nghệ của thị xã, của tỉnh và được đông đảo công chúng đón nhận nhiệt tình. Ngoài việc là diễn viên, sáng tác, nhiều năm nay, bà Môn còn cùng NCT đi dạy hát chèo cho các con em trong làng, ngoài xã.
Tính đến nay, bà Môn đã dạy 8 lớp chèo cho thế hệ trẻ để các cháu về địa phương làm nòng cốt tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, góp phần duy trì, bảo tồn nghệ thuật hát chèo truyền thống trên địa bàn thị xã Đông Triều.
Đã ở tuổi xế chiều, bà Môn càng cảm thấy yêu làn điệu chèo hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, suốt thời trẻ, bà đã cống hiến cho chèo, về già, bà lại càng đau đáu làm sao để nghệ thuật chèo cổ ở Đông Triều không bị mai một.